Năm Sửu nói chuyện trâu

12/02/2021 - 08:10

PNO - Trong 12 con giáp, một "cá thể" cồng kềnh, bự xự, suốt ngày thích dầm nước được gọi là Sửu trong bản tổng sắp ấy là con trâu.

Về sự tích con trâu, người ta kể rằng, ngày xưa thấy dương gian đói khổ, loài người không có đủ lúa gạo ăn; súc vật như lừa, ngựa, bò, cừu… không có đủ cỏ để gặm, Ngọc hoàng Thượng đế bèn sai tiên đồng mang xuống hạ giới một bó lúa và một bó cỏ thần gieo đâu mọc đó để gây giống làm thức ăn cho người và vật.

Xuống tới trần gian, thấy cảnh đẹp, đàn bà con gái hấp dẫn nên tiên đồng xao lãng, quên cả nhiệm vụ được giao, chỉ gieo bó cỏ mà quên mất bó lúa. Do đó cỏ mọc lan tràn mà không có lúa khiến loài người vẫn thiếu thực phẩm. Ngọc hoàng nổi giận, phạt tiên đồng biến thành con trâu, bắt gặm bớt cỏ để chuộc lỗi. Từ đó loài trâu phải làm việc đồng áng cực nhọc nhưng chỉ được ăn cỏ để đền tội mê gái xưa.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Con trâu là một hình ảnh quen thuộc, là tài sản lớn nhất của người nông dân “con trâu là đầu cơ nghiệp” trong nền sản xuất nông nghiệp của các nước Đông Nam Á. Mỗi sáng, cả gia đình cơm nước xong xuôi là “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy ai mà quản công/Bao giờ cây lúa còn bông/Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Nói chung là ăn chia sòng phẳng, chủ - tớ, người - vật ai cũng có phần.

Vì đi sát với loài người nên trâu không "ngu như bò" mặc dầu là đồng chủng loại (có lẽ khác màu da vì "kỳ thị" chăng nên thịt bò được dùng làm phở còn thịt trâu thì được đem… gác bếp). Chuyện khôn của trâu đã được ghi kỹ, không sai sót từ đời này qua đời khác trong truyện cổ tích Trí khôn của ta đây.

Kim Ngưu - Trâu Vàng

Ở Hà Nội, sông Kim Ngưu vốn là một nhánh của sông Tô. Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn: "Sông Kim Ngưu từ trại Yên Lãng, huyện Vĩnh Thuận chảy qua các huyện Thọ Xương, Thanh Trì, Thường Phúc, Phú Xuyên, quanh co hơn 80 dặm rồi hợp vào sông Nhuệ. Tương truyền Cao Biền xưa muốn phá núi Lạn Kha, có trâu vàng trong núi xổng ra về ẩn ở Hồ Tây. Trâu chạy đến đâu thành sông đến đấy, nhân đó mà gọi tên sông".

Sông Kim Ngưu - Hà Nội
Sông Kim Ngưu - Hà Nội

Hồ Tây thơ mộng, con đường Thanh Niên liễu rủ còn có tên rất đẹp mà không mấy người còn nhớ đó là hồ Kim Ngưu tức hồ Trâu Vàng. Hồ có tên này là do huyền thoại Nguyễn Minh Không sang chữa bệnh cho con vua phương Bắc, hoàng tử khỏi bệnh, vua cho Minh Không vào kho, muốn lấy gì và bao nhiêu cũng được, Minh Không hóa phép khiến cả kho đồng đen gọn trong tay nải rồi ra bờ bể thả nón tu lờ làm thuyền chở về nước, đem đúc chuông.

Chuông đúc xong, đánh thử mấy tiếng, thấy Trâu Vàng từ phương Bắc chạy sang, lồng lộn tìm mẹ vì "đồng đen là mẹ vàng", giẫm nát một khu đất sụt thành hồ. Phải ném quả chuông xuống hồ cho trâu khỏi lồng lên. Từ đó Trâu Vàng ẩn dưới đáy hồ và hồ có tên Kim Ngưu, có khi gọi tắt là hồ Ngưu.

Thơ cổ có câu: Ngưu hồ dĩ biến tam triều cục, tức "Hồ Trâu đã đổi qua ba triều cục" là lấy ý từ câu chuyện nói trên.

Còn bên cạnh phủ Tây Hồ có ngôi đền rất nổi tiếng mang tên Kim Ngưu. Sách Lĩnh Nam chích quái có tới hai cách kể khác nhau. Trong truyện Hồ tinh thì kể rằng thời Lạc Long Quân có cáo chín đuôi quấy rối dân vùng đất nay là Hồ Tây. Lạc Long Quân cho Trâu Vàng xuống hồ trừ diệt tinh cáo và cho lập đền thờ Trâu ở bên bờ.

Tượng Trâu vàng trong khuôn viên đền Kim Ngưu- Hà Nội. Ảnh: internet
Tượng trâu vàng trong khuôn viên đền Kim Ngưu - Hà Nội - Ảnh: internet

Đến truyện thứ hai, truyện Trâu Vàng núi Tiên Du lại kể: "Núi Tiên Du có Trâu Vàng, nửa đêm thường tỏa sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu. Trâu bỏ chạy húc vào đất làm sụp đất. Nơi đó là thôn Húc sau này. Trâu chạy qua địa phận Văn Giang, qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lan, Đa Ngưu... Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đi men phủ Lý Nhân, tới sông Tô Lịch. Thuở đó Cao Biền hay cưỡi diều bay trên không để yểm các thắng cảnh. Biền thấy trâu đi vào Dâm Đàm, nay là Tây Hồ rồi không thấy trâu đâu nữa.

Người xưa đã có thơ rằng: Kim Ngưu do ẩn tại hồ trung/Thủy hạt nan tầm bất kiến tung... Tạm dịch: Trâu Vàng còn ẩn tại hồ sâu/Nước cạn mong tìm chẳng thấy đâu...".

Như vậy theo Lĩnh Nam chích quái thì con Trâu Vàng từ núi Tiên Du chạy sang, tới Hồ Tây thì biến xuống hồ (tức là khi đã có Hồ Tây) và đó là đời Cao Biền tức thế kỷ thứ IX.

Trong truyện lịch sử, Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ là chú bé chăn trâu. Sau khi đánh giặc bằng cờ lau với chúng bạn xong bèn chơi sang, giết trâu của chú khao quân và lấy đuôi trâu cắm xuống đất rồi bảo với chú rằng "trâu đã chui xuống đất". Đúng là chú bé tài không đợi tuổi, sau này đã trở thành hoàng đế đầu tiên của nước ta sau thời Bắc thuộc.

Ai bảo tuổi trâu rất… khổ?

Với quan niệm con trâu phải cày bừa cực khổ, cha mẹ không muốn con mình sinh vào năm Sửu, sợ vận mạng con mình sẽ như trâu. "Mài sừng cho lắm cũng là... trâu", ăn học, làm kiểu gì cũng khổ.

Những người nổi tiếng tuổi Trâu
Những người nổi tiếng tuổi trâu

Thực ra có rất nhiều người nổi tiếng sinh năm con trâu. Nữ ca sĩ Thủy Tiên, người được ái mộ vì làm từ thiện đến nỗi được gọi là "Cô tiên" - là người sinh năm Ất Sửu (1985). Ca sĩ Phương Thanh sinh năm Quý Sửu 1973. Ca sĩ Nhật Kim Anh, Hari Won cũng cầm tinh con trâu.

Johnny Trí Nguyễn, thủ môn Bùi Tiến Dũng, ca sĩ Bằng Kiều… là những người nổi tiếng sinh năm trâu.

Bởi vậy, sinh năm con trâu không có gì là khổ nếu như bạn biết mình là trâu vàng - Kim Ngưu.

Lê Văn Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI