Năm học mới, làm sao để 'thầy ra thầy', 'trò ra trò'

26/07/2019 - 19:00

PNO - Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội có dấu hiệu gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này nhưng không thể phủ nhận lỗi chủ quan từ phía cơ quan quản lý giáo dục.

Chiều 26/7, phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục - đào tạo và Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì thảo luận về vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo rốt ráo nhiều nội dung, như đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống qua nhiều môn học, hoạt động trải nghiệm, các phong trào Đoàn, Đội, xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh…

Tuy nhiên, ông Nhạ cũng thừa nhận tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra ở một số địa phương, gây bức xúc cho xã hội. Một bộ phận học sinh có lối sống lệch lạc, thiếu trung thực, vi phạm pháp luật, tham gia tệ nạn xã hội...

Nam hoc moi, lam sao de 'thay ra thay', 'tro ra tro'
'Thầy ra thầy' mới dạy 'trò tra trò'. Ảnh: Cô giáo Trang ở Hải Phòng xin lỗi vì đánh liên tục nhiều học sinh tiểu học

Theo ông Nhạ, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Cụ thể như: nội dung giáo dục đạo đức chưa sâu, chưa tạo được nhiều xúc cảm thực sự làm thay đổi thái độ người học, chưa chú trọng giáo dục thói quen, hành vi đạo đức và còn nặng kiến thức hàn lâm.

Trong đó, nhiều bài học khô khan, chưa gắn với đời sống lứa tuổi học sinh, từ đó gây áp lực cho người dạy, người học. Kiến thức còn ôm đồm, thiếu tính hệ thống và chưa phải tích hợp kiến thức các môn học như giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính…

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dù đã có những giải pháp khắc phục nhưng phải thừa nhận tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội có dấu hiệu gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này nhưng không thể phủ nhận lỗi chủ quan từ phía cơ quan quản lý giáo dục. Ông mong muốn các chuyên gia thảo luận kỹ hơn: ''Trường ra trường'' có phải là chỉ cần trường, lớp đẹp, có khuôn viên, sân chơi hay cần một thiết chế, cách quản lý, môi trường sư phạm tốt hơn? ''Thầy ra thầy'' là chỉ cần dạy tốt, hay phải tự học, phải thay đổi bản thân?... 

Ông đề nghị phiên họp cần bàn giải pháp thiết thực, cụ thể để ngành giáo dục - đào  tạo triển khai ngay trong năm học mới.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo phổ thông mới - cho rằng, cùng với các nội dung giáo dục, nhà trường cần có chế tài với giáo viên, học sinh vi phạm đạo đức, lối sống; tăng các giải pháp kết hợp giáo dục gia đình với nhà trường.

Còn bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) - cho rằng dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng chưa đi vào thực tiễn, do nhiều người chưa nhận thức hết việc giáo dục đạo đức, lối sống là nền tảng của các nội dung giáo dục trong nhà trường.

Để "thầy ra thầy", các ý kiến thống nhất cần có chuyển biến từ các trường sư phạm để không chỉ tập trung vào đào tạo kiến thức chuyên môn mà phải trang bị cho sinh viên năng lực, kỹ năng để trở thành các nhà giáo dục thực thụ.

B.T.H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI