Muốn có kinh tế số cần đổi mới chính sách

30/10/2020 - 18:59

PNO - Đây là một trong những ý kiến tại hội nghị "Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam", do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 30/10 tại TPHCM.

Chuyển đổi từ nhận thức, tư duy

Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay, diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới.

Việt Nam xác định đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; và đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Với tầm nhìn này, Việt Nam coi chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Tuy nhiên mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. 

Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, tư duy.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Thiếu hụt nguồn nhân lực hiện vẫn là điểm nghẽn cản trở tiến trình chuyển đổi số của nước ta. Để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, chúng ta hiện còn thiếu ít nhất 400.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong khi đó, các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, TPHCM phải đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới dựa trên tri thức, tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Với tỷ trọng kinh tế đóng góp trên 22,7% kinh tế của cả nước, Thành phố là đầu tàu kinh tế, là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất, và cũng là trung tâm lớn về khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước.

Giáo sư Trần Ngọc Anh (kiều bào Mỹ) phân tích sự thay đổi công nghệ dẫn đến tự động hóa thay thế lao động đang mở ra cơ hội tiến nhanh vào công nghệ mới. Bên cạnh đó, chiến tranh công nghệ gay gắt cùng với làn sóng nhà đầu tư rời Trung Quốc, sắp xếp lại chuỗi cung ứng, dịch COVID-19 làm suy giảm thị trường nhưng sẽ đa dạng chuỗi cung ứng. Công nghiệp Việt Nam có thế mạnh tiếp cận, thu hút đầu tư  điện, cơ khí, thiết bị văn phòng, thiết bị vi tính… và có cơ hội xuất khẩu dịch vụ viễn thông, y tế...

Nhiều ý kiến cho rằng Cần ưu tiên chuyển đổi công nghệ số và tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng cần ưu tiên chuyển đổi công nghệ số và tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Nhanh chóng cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho hay, hiện cả nước đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm... chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; nhiều doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, tạm ngưng hoạt động, thu hẹp quy mô đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Riêng tại TPHCM, lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng dưới 1,2%; trên 29.000 DN giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 149.000 tỷ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 25.000 tỷ đồng…

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính hiện không còn nhiều dư địa của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ứng phó với tác động của đại dịch COVID–19 vì bội chi đã ở mức cao, nguồn thu thuế bị giảm. Trong khi đó, lãi suất ngày càng giảm và nếu giảm thêm nữa, nền kinh tế sẽ rơi vào bẫy thanh khoản, khách hàng sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro như vàng, bất động sản, tín dụng đen...

Tiến sĩ Hiếu đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng với sự tham gia của tất cả các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam, tỷ lệ khoảng 3 – 3,5%/tổng dư nợ của họ.

Gói này dùng để hỗ trợ các DN. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng phải quy định rõ tiêu chí nào để cho vay, như tiêu chí lợi nhuận âm, doanh thu giảm tối thiểu 30%, lịch sử trả nợ của DN... Nhưng phải là những DN có tiềm năng phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ chân người lao động và phải có phương án hoạt động trong 5 năm tới để phục hồi DN của mình và đóng góp vào phục hồi nền kinh tế Việt Nam.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI