Mùa mưa bão, lo lắng trước các công trình phòng, chống thiên tai đang “đứng hình”

14/10/2021 - 06:27

PNO - Từ tháng Bảy đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra một số vụ sạt lở, giông lốc… gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Theo các chuyên gia, năm nay, tình hình thiên tai ở TPHCM vẫn đang phức tạp, trong khi nhiều công trình chống thiên tai đang bị chậm lại do ảnh hưởng dịch COVID-19.

 

Một điểm sạt lở nguy hiểm trên sông Sài Gòn thuộc TP.Thủ Đức
Một điểm sạt lở nguy hiểm trên sông Sài Gòn thuộc TP.Thủ Đức

Vừa chống dịch, vừa ứng phó thiên tai

Ông Phạm Thanh Phương - Chủ tịch UBND P.An Phú, TP.Thủ Đức - cho biết các đơn vị chức năng vừa hoàn thành việc gia cố vị trí sạt lở số 22 bờ rạch Giồng Ông Tố để ngăn ngừa nguy cơ sạt lở, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân; cảnh báo nguy cơ sạt lở ở khu vực cầu Giồng Ông Tố 1 và thường xuyên theo dõi tình hình trên địa bàn để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Trước đó, ngày 22/7, một vụ sạt lở đã xảy ra tại khu vực hạ lưu cầu Giồng Ông Tố 1 làm sạt một phần sàn nhà 148 Nguyễn Thị Định, nứt tường và nghiêng hai căn nhà gần đó. Ngay sau khi xảy ra, chính quyền đã tổ chức đưa người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hơn một tháng sau, ngày 28/8, thêm bốn nhà dân tại khu vực bị sụt lún 20 - 30cm, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản. Vì vậy, đơn vị chức năng đã cho gia cố bờ rạch khu vực sạt lở. Đây là giải pháp tạm thời, về lâu dài, khu vực này phải được xây kè chống sạt lở. 

Chị Nguyễn Thị Phượng, ngụ P.An Phú, cho biết tình trạng sạt lở ở bờ rạch Giồng Ông Tố đã kéo dài hàng chục năm nay. Mỗi năm, miệng “hà bá” lại tiến vào gần khu dân cư hơn. Thời gian qua, người dân vừa lo phòng ngừa dịch bệnh, vừa lo “hà bá” nuốt nhà”.

Những ngày cuối tháng 9/2021, thủy lưu ở các dòng kênh tại TPHCM biến động thất thường, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện đường thủy, dễ khiến các phương tiện, đặc biệt là sà lan, gặp tai nạn. Vào tối 27/9, một sà lan chở cát đã gặp sự cố trôi tự do trên Kênh Đôi, gần khu vực cầu Nhị Thiên Đường, P.5, Q.8. Sự cố khiến sà lan trôi tự do, có thể gây mất an toàn cho nhà cửa ven kênh nên Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PC07) Công an Thành phố đã có mặt xử lý an toàn.

PC07 cho biết, trong thời gian qua, đơn vị này thường xuyên xử lý các sự cố thiên tai như tốc mái nhà dân, ngả cây xanh, đổ bảng quảng cáo… tại nhiều quận, huyện. Đơn cử như cơn giông lốc chiều 19/7 đã làm đổ cây xanh, tốc mái nhà dân tại Q.Gò Vấp, rơi bình nước 1.000 lít tại Q.Phú Nhuận, ngả bảng quảng cáo 100m2 tại TP.Thủ Đức.

Cần đẩy nhanh các dự án chống sạt lở

Nhiều tháng qua, người dân ở xã Bình Mỹ, H.Củ Chi lo lắng về sự xuống cấp của tuyến đê bao ven sông Sài Gòn. Tuyến đê này thuộc dự án công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn, từ Tỉnh lộ 8 đến rạch Tra (bắc rạch Tra), với chức năng chống lũ cho 3.054ha đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư. Do công trình được thi công bằng đắp đất, một số gói thầu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2012, nên một số vị trí đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, nhưng không được duy tu, sửa chữa. 

Anh Nguyễn Văn Song - một người dân địa phương - cho hay: “Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi phản ánh vấn đề này và được biết, đến nay công trình vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác, vận hành nên chưa được duy tu, sửa chữa định kỳ. Công trình này rất quan trọng với người dân nên chúng tôi rất quan tâm”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với địa phương tăng cường tổ chức kiểm tra các vị trí bờ bao, cổng, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư để kịp thời xử lý, cơi đắp bờ bao xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ, ba sẵn sàng”, không để xảy ra tình trạng bể bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Về lâu dài, sau khi tháo gỡ các vướng mắc và nhận được bàn giao công trình, Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đầu tư nâng cấp công trình.

Theo các chuyên gia, tình hình thiên tai tại TPHCM đang có chiều hướng phức tạp trong những năm gần đây. Trong năm 2020, thành phố đã hứng chịu chín trận lốc xoáy và mưa giông, bốn đợt triều cường lớn, ba đợt sạt lở sông, kênh rạch. Năm nay, tình hình dự báo vẫn sẽ phức tạp, với những diễn biến thời tiết khó lường. Đặc biệt, là tình trạng sạt lở.

Theo thống kê, TPHCM hiện còn 35 điểm sạt lở, trong đó 14 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Để ứng phó với tình trạng này, thành phố đã có phương án xây dựng kè chống sạt lở. Tuy nhiên, rất nhiều dự án hiện đang “giậm chân tại chỗ” do gặp khó khăn trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Tại vị trí vừa xảy ra sạt lở ở P.An Phú, TP.Thủ Đức, vào đầu năm 2020, UBND Thành phố đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư thực hiện dự án Xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Giồng Ông Tố, P.An Phú - P.Bình Trưng Tây với chiều dài khoảng 665m. Nhưng đến nay, việc bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành nên dự án vẫn chưa thể triển khai. Để giải quyết vướng mắc, mới đây, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có văn bản đề nghị UBND TP.Thủ Đức đẩy nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm thi công công trình.

Hai điểm sạt lở rạch Giồng Ông Tố làm ảnh hưởng đến ít nhất sáu nhà dân trong tháng Bảy và tháng Tám vừa qua (ảnh lấy từ bản đồ các điểm sạt lở của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM)
Hai điểm sạt lở rạch Giồng Ông Tố làm ảnh hưởng đến ít nhất sáu nhà dân trong tháng Bảy và tháng Tám vừa qua (ảnh lấy từ bản đồ các điểm sạt lở của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM)

Tiến sĩ Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng, chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam), cho biết việc xây kè chống sạt lở là để giữ ổn định bờ sông, kênh rạch, giúp ngăn nguy cơ sạt lở bờ, gây ảnh hưởng đến khu dân cư, cơ sở hạ tầng… Đây được xem là một giải pháp chống sạt lở cho TPHCM. Tuy nhiên, nhiều dự án hiện chưa thể triển khai, hoặc triển khai nhưng chưa hoàn thành, có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của người dân rất lớn.

“Chúng tôi đang tham gia làm dự án kè chống sạt lở ở Thanh Đa, triển khai lâu rồi nhưng hiện vẫn chưa thể hoàn thiện được. Từ năm ngoái đến giờ, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và một số lý do khác nên dự án bị dừng lại. Theo tôi, cùng với việc chống dịch, thành phố cần đẩy nhanh các dự án ứng phó với thiên tai như kè chống sạt lở. Càng để kéo dài thì càng xảy ra các trường hợp sạt lở gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân”, tiến sĩ Đinh Công Sản nói. 

UBND TPHCM yêu cầu chủ động ứng phó với thiên tai trong dịch bệnh

Ngày 7/10, UBND TPHCM đã có văn bản về việc triển khai công tác ứng phó với thiên tai, bão lớn, mưa giông, lũ, triều cường ngập úng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến 
phức tạp. 

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, sở ngành và địa phương rà soát, chủ động phương án ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch bệnh. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai và dịch bệnh để thông báo kịp thời giúp các đơn vị, địa phương và người dân chủ động phòng tránh, ứng phó. Tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện ngay khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Cũng trong ngày 7/10 vừa qua, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa 
bàn TPHCM.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI