Một thời mũ rơm mũ cối

14/03/2020 - 07:13

PNO - Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối đưa người đọc trở về một thời Hà Nội, qua những khắc họa rõ nét từng địa chỉ, từng khuôn mặt như thể thời gian chưa bao giờ trôi qua trên những bức tường rêu của ký ức.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói rằng, trong thâm tâm ông luôn tâm niệm phải viết xong cuốn sách về một thời sơ tán ở Hà Nội, như món quà dành cho tuổi thơ mình và những người bạn cùng thời. Và Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối (nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) được ra đời vào đúng sinh nhật tuổi 65 của ông. 

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân gọi đây là cuốn hồi ký cho “20 năm đầu đời” của mình, mà cũng là lời hứa với người cha của ông và những người bạn thuở ấu thơ. Ông đã viết tác phẩm trong hai tháng, với sự hỗ trợ nhiều tư liệu quý, những chia sẻ của các nhân vật ngoài đời thật. Có phần ông viết, có phần ông biên soạn để đầy đủ hình hài về “một thời mũ rơm mũ cối” ngày xưa. 

 

Câu chuyện ấy kể về cuộc sống của những cô bé, cậu bé dưới mái nhà khu tập thể và Trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân nhưng từ đó hiện lên nền bối cảnh của một giai đoạn, về cuộc kháng chiến chống Mỹ và những năm tháng không thể nào quên của người Hà Nội.

Gia đình nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tập kết ra Bắc khi ông còn trong bụng mẹ. Ông lớn lên, trở thành một đứa trẻ “nghịch phá, có nhiều tài lẻ”, khả năng thiên bẩm là viết lách vì có cha là nhà báo. Tòa soạn báo Nhân Dân (số 71 Hàng Trống) trở thành địa chỉ quen thuộc của ông. Có lần, báo đăng bức ảnh chụp tranh ông vẽ, vậy là theo lời ba “có đăng báo là có nhuận bút”, cậu bé Nhân đã đến tòa soạn đòi nhuận bút, được… 5 đồng. “Đó là số tiền nhuận bút đầu tiên trong đời tôi” - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói vui.

Thế nhưng, cuộc sống không đơn giản và mãi bình dị như thế. Năm 1972, Mỹ quay trở lại ném bom ở miền Bắc. Ngôi nhà của gia đình ông cùng nhiều người ở ngõ Lý Thường Kiệt (chỉ cách ga Hàng Cỏ khoảng 1km) bị bom. Nhờ trốn hết trong hầm, không ai bị thương vong nhưng nhà cửa, tài sản đều không còn. Những đứa trẻ được gửi đi ở nhờ khắp nơi, thấm thía những gian khổ và hiểu được cả những nỗi lo của người lớn khi sống giữa lòng thủ đô vào những ngày Mỹ ném bom ác liệt nhất.

Trong ký ức của tác giả, còn có câu chuyện về những gia đình nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng: nhà báo Ngô Lê Dân, nhà báo Trần Thanh Phương, nhà văn Nguyễn Văn Bổng… Một phần trang viết dành về những người đã khuất: phóng viên ảnh - liệt sĩ Nguyễn Huy, liệt sĩ Trần Dũng, Đỗ Huy Thanh, Nguyễn Trọng Định…

“Trong cái không gian chằng chịt muôn ngã rẽ cuộc đời, tác giả đã chọn các góc quan sát khác nhau, bằng những con mắt nhìn của những người, hay đắp vào đó là những tư liệu lịch sử quý giá để người đọc thấy được bức tranh đan dệt qua những điểm gút giá trị của quá khứ bi tráng mà hồn nhiên, qua những chuyện đời thường nhưng thật đáng trân trọng” - nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc nhận định. (cha ông - nhà báo Tạ Quang Đạm cũng xuất hiện trong cuốn sách bằng sự yêu mến quý kính của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân). 

Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối đưa người đọc trở về một thời Hà Nội, qua những khắc họa rõ nét từng địa chỉ, từng khuôn mặt như thể thời gian chưa bao giờ trôi qua trên những bức tường rêu của ký ức. Một giai đoạn sống với quá nhiều sự kiện lịch sử, từ lúc tập kết ra Bắc (năm 1954) cho đến khi những đứa trẻ thời sơ tán trưởng thành. Giờ tất cả đều đã là những ông, bà thành đạt, nổi tiếng và cũng có nhiều người đã khuất… 

“Nếu không kể lại những câu chuyện cha mẹ chúng thời trẻ trâu nơi sơ tán, liệu bọn nhóc sau này có hình dung ra mũ rơm mũ cối, tóc tết đuôi sam là gì, hầm chữ A ra sao và những bữa cơm dính ruột ít ỏi với “sắn bùi trong dạ khoai thơm trong lòng” là thế nào không?” - tác giả trăn trở. Và ông đã hoàn thành tâm nguyện của một người kết nối, giữ ký ức cho những người cùng thời, mà cũng là cho thế hệ sau…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI