Một phụ nữ quyết đòi công lý

28/03/2014 - 12:08

PNO - PN - Đau đớn trước cái chết bất ngờ, đầy nghi vấn của em trai sau khi bị công an bắt, người chị xưa nay chỉ quen với việc làm công nhân ở nhà máy đã dấn thân vào hành trình vô cùng gian nan: tìm chứng cứ để đưa vụ việc ra ánh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ ngày 26-28/3, TAND TP. Tuy Hòa xét xử sơ thẩm vụ năm sĩ quan công an (CA) là cựu CA TP. Tuy Hòa và CA tỉnh Phú Yên dùng dùi cui đánh khiến anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) tử vong. Nếu nạn nhân Ngô Thanh Kiều không có người chị kiên trì đấu tranh đòi công lý, chưa chắc vụ việc đã được đưa ra ánh sáng.

Mọt phụ nũ quyét dòi cong ly

Tin dữ trong đêm

Chị Ngô Thị Tuyết (SN 1969), là chị cả của Ngô Thanh Kiều. Chị Tuyết kể, khoảng 21g ngày 13/5/2012, chị đang làm ca đêm ở nhà máy thì nhận được điện thoại của CA, yêu cầu xuống xã Hòa Đồng có việc. Đến nơi, chị rụng rời tay chân khi một cán bộ CA thông báo: Em chị bị bắt để điều tra một số việc, nhịn đói không ăn nên mệt, chở đến bệnh viện thì chết. “Nghe tin em mình chết, tôi muốn xỉu. Trấn tĩnh lại, tôi thấy rất lạ. Em tôi cao 1m7, nặng gần 70kg, một mình gánh cả bảy, tám sào lúa của gia đình từ ruộng về nhà không sao, chỉ nhịn đói một bữa thì làm sao chết được?”.

Đêm đó chị Tuyết thức trắng, đau đớn nghĩ về cái chết đầy nghi vấn của em trai. Chuyện Kiều bị bắt, chị cũng không hề hay biết. Đến khi hay tin thì em đã chết. “Tôi nghĩ chỉ có bị CA đánh, em tôi mới chết. Mình phải tìm chứng cứ” - chị Tuyết nói bằng giọng phẫn uất.

Quyết tìm chứng cứ

Cơ sở duy nhất mà người phụ nữ 45 tuổi này có thể tìm được chứng cứ là kết quả giải phẫu tử thi em trai. Tuy nhiên, người của cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ cho phép chị và ông Ngô Văn Cộ - cha chị - vào chứng kiến. Chị Tuyết cương quyết không đồng ý. “Tôi nói với họ, cha đã già yếu, vô trong đó nhìn thi thể con mình bị mổ xẻ, nếu xảy ra chuyện gì thì các anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Sau đó, họ mới cho vợ chồng tôi vào”.

Với hai chiếc điện thoại có chức năng quay phim, chụp ảnh, vợ chồng chị Tuyết cố gắng nuốt nước mắt ghi lại những hình ảnh, dấu vết lúc giải phẫu tử thi, để tìm chứng cứ chứng minh Ngô Thanh Kiều không phải nhịn đói mà chết. Khi chiếc quần dài anh Ngô Thanh Kiều mặc được cởi ra, vợ chồng chị Tuyết sững sờ, đôi chân em trai, từ đùi cho đến cẳng chân “bầm như trái mồng tơi”. Vậy là chị đã đoán đúng: Ngô Thanh Kiều bị CA đánh. Việc quay phim, chụp ảnh của vợ chồng chị lập tức bị ngăn cản. “Họ không cho, nói CA đã chụp hình rồi. Tôi nghĩ nếu không tìm được bằng chứng thì không thể đưa cái chết của em mình ra ánh sáng nên quyết liệt đấu tranh để quay phim, chụp ảnh bằng được” - chị Tuyết kể.

Theo chị, vì biết những vết thương trên phần mềm không thể gây nên cái chết cho nạn nhân, nên sau khi bác sĩ pháp y mổ ổ bụng, phát hiện nội tạng bị xung huyết, chính chị đề nghị cưa sọ em trai. “Họ mổ luôn mà không cạo tóc” - chị ruột nạn nhân kể - “Vì da đầu bị dập, máu bầm đọng nên họ phải cạo tóc mới mổ tiếp. Họ cưa sọ ra thì thấy não xuất huyết. Sau khi họ dùng nước rửa não, tôi thấy một vết hằn dài, to, bầm đen”. Đó chính là vết thương chí mạng, dẫn đến cái chết của Ngô Thanh Kiều.

Mọt phụ nũ quyét dòi cong ly

Chị Tuyết với đôi mắt sưng húp tại phiên tòa

Hành trình đòi công lý

Cái chết đầy nghi vấn của Ngô Thanh Kiều gây xôn xao cả một vùng quê, khiến nhiều người bức xúc. Một số người lợi dụng việc đau lòng này để kích động gia đình, người thân anh Kiều “quậy” CA. Vì đau đớn trước cái chết của chồng và nghe những người quá khích xúi, vợ anh Kiều mang bụng bầu vượt mặt đến Phú Thứ (huyện Tây Hòa) chặn chiếc xe chở thi thể anh Kiều (đang trên đường từ TP. Tuy Hòa về Hòa Đồng an táng), đòi CA làm rõ nguyên nhân cái chết của chồng. Lúc đó đã hơn 11g đêm. Chị Tuyết khuyên bảo, khẳng định với em dâu: Chừng nào chị còn sống thì sẽ cố hết sức làm sáng tỏ việc này!

“Người ta biểu gia đình tôi đem quan tài đến trụ sở CA. Khi chôn cất xong rồi, bạn bè Kiều vẫn còn xúi thằng em nó quật mồ, đưa quan tài lên “làm cho ra lẽ”. Tôi nói không được, mình phải dựa vô pháp luật mà làm” - chị Tuyết nói.

Với những hình ảnh có được, chị Tuyết cương quyết đòi phải được cấp kết quả giám định pháp y. Chị Tuyết kể: ba tháng sau khi Kiều chết, cơ quan chức năng vẫn không chịu gửi cho gia đình kết quả giám định, với lý do “nói miệng” là phải phục vụ việc điều tra. Đến khi vợ anh Kiều đòi tự tử tại trụ sở CA huyện thì ba ngày sau, gia đình mới được biết kết quả giám định bằng văn bản: nạn nhân chết vì chấn thương sọ não.

Chị Tuyết bắt đầu hành trình làm sáng tỏ cái chết của em trai. Chị đã viết không biết bao nhiêu đơn gửi các cơ quan chức năng ở trung ương, mỗi lá đơn kèm theo hơn chục tấm hình liên quan cái chết của anh Kiều. Cục Điều tra - Viện KSND Tối cao vào cuộc. Đến tháng 3/2013, Cục Điều tra có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội (Vụ 1A) thuộc Viện KSND Tối cao, đề nghị truy tố năm bị can về tội dùng nhục hình, gồm: Nguyễn Minh Quyền (thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội CA Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (thiếu tá, Đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội CA TP. Tuy Hòa), Phạm Ngọc Mẫn (thượng úy), Đỗ Như Huy (trung úy), Nguyễn Thân Thảo Thành (thiếu úy, đều là cán bộ điều tra, trinh sát của CA TP. Tuy Hòa). Vụ 1A ủy quyền cho Viện KSND TP. Tuy Hòa ra cáo trạng truy tố và thực hành quyền công tố.

Dự phiên tòa sơ thẩm, nhiều lần chị Ngô Thị Tuyết hướng cái nhìn căm phẫn về phía các bị cáo. Sáng 27/3, chị khóc nghẹn khi nghe bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành kể về việc Ngô Thanh Kiều bị còng hai tay và bị CA dùng dùi cui vụt tới tấp vào người. Có những lúc, quá đau đớn, người phụ nữ này phải tạm rời khỏi phòng xử án. Chị nói trong nước mắt: “CA gửi giấy mời em tôi đúng 7g30 ngày 13/5/2012 đến CA TP. Tuy Hòa để làm việc, vậy mà mới hơn 3g sáng, họ đến nhà còng tay dẫn đi trong khi không có lệnh bắt. Em tôi có thuộc trường hợp bắt khẩn cấp đâu mà họ đến nhà bắt lúc nửa đêm? Nếu em tôi vi phạm pháp luật thì tòa án xét xử, sao họ lại đánh chết nó?”.

Việt An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI