Một ngày ở "làng du lịch cộng đồng" Cồn Sơn

22/11/2020 - 17:52

PNO - Du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn là mỗi nhà một nét riêng, một đặc trưng riêng, một món ăn riêng, sao cho, du khách đến đây, phải ghé từng nhà để tham quan, thưởng thức hay trải nghiệm.

Chúng tôi đến Cồn Sơn, Cần Thơ vào một ngày nắng đẹp. Theo kế hoạch ban đầu, nhóm sẽ lên phà Ấp Bắc đến Cồn Sơn. Thời gian phà di chuyển khoảng 10 phút với giá 20.000 đồng/người; nhưng sau khi nghe chị Hương, thổ địa Cần Thơ tư vấn, chúng tôi quyết định thuê thuyền để chủ động ghé bè cá Cồn Sơn ở gần đó.

Làng bè cá Cồn Sơn có tuổi đời hơn 10 năm.
Làng bè cá Cồn Sơn có tuổi đời mới hơn 10 năm nhưng đạt doanh thu tiền tỉ mỗi năm
Nếu không sợ nhột, bạn đừng quên thử mát-xa cá.
Nếu không sợ nhột, bạn có thể thử trải nghiệm dịch vụ mát-xa cá tại nhà bè

Từ trung tâm thành phố đi theo hướng quốc lộ 91 khoảng 7km đến bến đò Cô Bắc, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, rẽ bên phải vào bến đò, xuống thuyền, khoảng 5 phút đã đến bè cá. Theo chị Hương, bè cá của Cồn Sơn có tuổi đời mới hơn 10 năm. Ban đầu, chỉ có vài bè, mưa thuận gió hòa và được hỗ trợ kỹ thuật nên hiện khu vực quanh cồn Sơn có đến vài chục bè cá.

Có khá nhiều giống cá được nuôi ở làng bè nhưng nhiều nhất và cho doanh thu cao nhất là cá thác lác cườm, cá xác, cá koi... Khi tham quan bè cá, du khách không chỉ được thả bộ trên những chiếc cầu gỗ nối các bè mà còn được tự tay cho cá ăn, thưởng thức dịch vụ mát xa cá...

Bến tàu du lịch Cồn Sơn, nơi nhận và trả khách lên cồn.
Bến tàu du lịch tại Cồn Sơn
Rời bến tàu, dù rẽ trái hay rẽ phải, bạn đều phải men theo con đường mòn rộng chưa đến 2 m ẩn hiện dưới màu xanh của cây để đến trung tâm của cồn.
Rời bến tàu, bạn phải men theo đường mòn rộng chưa đến 2m để đến trung tâm của cồn

Rời bè cá, thuyền tiếp tục chở chúng tôi cập bến tàu Cồn Sơn, rồi theo con đường mòn nhỏ, uốn lượn dưới màu xanh mướt của các loại cây đến trung tâm cồn.

Cồn Sơn có diện tích khoảng 70 héc-ta. Điểm thu hút nhất của du lịch Cồn Sơn là mô hình du lịch cộng đồng - tất cả hộ gia đình chung tay cùng làm du lịch. Người dân ở đây liên kết với nhau trên cơ sở tình làng nghĩa xóm.

Đến Cồn Sơn, ghé mỗi hộ gia đình, bạn sẽ được trải nghiệm những dịch vụ khác nhau, món ăn khác nhau. Như nếu ghé nhà dì Bảy Muôn, bạn sẽ được thưởng thức buffet 7-8 loại bánh đặc trưng của vùng đất này. Ngoài thưởng thức bánh, du khách cũng có cơ hội trải nghiệm đổ bánh kẹp cuốn hay làm bánh lá.

Ở nhà vườn Thành Tâm, bạn sẽ được chiêm ngưỡng màn "cá lóc bay". Gọi như thế vì sau mỗi tiếng chuông của chủ nhân và khi những hạt thức ăn cho cá được rải, hàng chục thậm chí hàng trăm con cá lóc sẽ tung mình lên khỏi mặt nước để đớp mồi. Tùy sức bật hay tùy kích thước, cá lóc có thể "bay" khỏi mặt nước từ 10-30 cm.

Nếu đói bụng và muốn thưởng thức bữa trưa mà chưa gọi điện thoại đặt trước, bạn có thể ghé nhà vườn Chín Nhỏ thưởng thức gỏi ếch lực sĩ, lẩu cá vồ "tả pí lù" ở vườn Thanh Nhàn, món bồ câu hấp bí của nhà vườn Phương My, lẩu ốc nhà vườn Song Khánh…

Người phụ nữ vót đũa tre khiến không gian miền quê càng êm ả, dễ chịu.
Người phụ nữ vót đũa tre thủ công
Học cách làm bánh lá.
Học cách làm bánh lá
Chú cá thòi lòi nằm gọn trên lá lục bình tròn mắt nhìn khách lạ.
Chú cá thòi lòi nằm gọn trên lá lục bình "tròn" mắt nhìn khách lạ

Mỗi hộ dân, một dịch vụ và hướng dẫn viên là những đứa con sinh ra và lớn lên tại cồn, đi học rồi về phát triển du lịch của cồn nên mỗi người đều có thể kể vanh vách tên, sản vật của từng nhà; mỗi người đều có thể chỉ câu chuyện gắn với từng gốc cây, ngọn cỏ.

Trời dần về chiều, thả bước trong những con đường mát rượi với gió từ kênh thổi lên. Khi chân hơi mỏi, tôi tạt vào một chiếc cầu gỗ nhỏ nghỉ tạm. Đang phóng tầm mắt ra dòng kênh xanh mướt, tôi chợt cảm thấy "ai đó" đang "nhìn" mình từ dưới lòng kênh. Đưa mắt đi tìm thì phát hiện, không biết tự lúc nào, ngay mép nước, khá đông cá thòi lòi con. Chúng nằm rải rác trên phiến lá lục bình, trên hòn đá nhỏ, rễ cây... Nhìn dáng nằm bình yên của chúng, tôi cũng ngã người xuống cầu gỗ, ngắm bầu trời qua kẻ lá.

An Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI