Mona Lisa: Kiệt tác và lời nguyền

28/07/2019 - 19:48

PNO - Hơn 500 năm ngày Mona Lisa ra đời, nhiều câu chuyện về bức tranh vẫn còn gây tranh cãi, trong đó việc có hay không một “lời nguyền”, khiến nhiều người “cùng tần số” bỗng dưng phát điên khi đứng trước bức tranh.

Tiếng thét và ánh mắt ma quái

Một ngày mùa thu năm 2009, khi hàng ngàn du khách đang chiêm ngưỡng tác phẩm của các danh họa thế giới tại Bảo tàng Louvre (Pháp) thì một tiếng “choang” vang lên chát chúa - âm thanh của một chiếc cốc sứ ném thẳng vào bức tranh Mona Lisa. Cùng với âm thanh đó là tiếng gào thét và ánh mắt trừng trừng của một phụ nữ, như thể bà bỗng nhiên hóa điên.

Người phụ nữ nhanh chóng bị bảo vệ hộ tống ra ngoài, còn bức tranh, vì được bảo vệ bởi nhiều lớp kính chống đạn nên không có tổn hại nào. Tuy nhiên, giai thoại về việc bức tranh bị lời nguyền và những ai “cùng tần số”, khi nhìn vào ánh mắt của nàng Mona Lisa trong tranh sẽ hóa điên, càng dày lên thêm.

Mona Lisa: Kiet tac va loi nguyen
Bức tranh gây tranh cãi nhất thế giới - Mona Lisa

Trước đó, năm 1985, khi đang được trưng bày tại Bảo tàng Montauban (Pháp), bức Mona Lisa đã bị một kẻ hủy hoại bằng a-xít mà sau đó, người ta mãi vẫn không thể tìm ra thủ phạm. Cũng năm này, một cuộc tấn công khác đã diễn ra: một gã đàn ông dùng hết sức lực ném một hòn đá to vào bức tranh, khiến phần dưới khuỷu tay trái Mona Lisa bị hư hại. “Vết thương” này còn mãi đến bây giờ. 

Rất nhiều lời đồn thổi về bức Mona Lisa. Có người chắc chắn rằng, mình bị ảo giác khi nhìn trực diện vào bức tranh và bắt gặp ánh mắt của Mona Lisa. Có người tả đó là cơn choáng váng khó hiểu mà họ chưa từng gặp phải trước khi thưởng lãm Mona Lisa. Có người cho biết bỗng dưng trong đầu họ có tiếng nói, rằng hãy hủy hoại đi, bởi cô gái trong tranh kia chính là ác quỷ…

Hàng trăm câu chuyện tương tự được kể đi kể lại, dệt nên một câu chuyện huyền bí về bức tranh vốn đã có quá nhiều tranh cãi này. Câu chuyện càng dày càng có nhiều người tìm đến bức tranh bằng mọi giá, với mong muốn được thử xem cảm giác bị ánh mắt Mona Lisa dẫn dắt vào thế giới khác như thế nào.

Mãi cho đến sau này các chuyên gia vào cuộc nghiên cứu, mới xác định đó là biểu hiện của hội chứng Stendhal, nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Đây là một hội chứng về tâm thần rất hiếm gặp, trong đó người mắc phải có thể hoàn toàn bình thường về hành vi và trí óc nhưng khi đứng trước tác phẩm nghệ thuật thì đột ngột mất hết lý trí, dẫn đến có hành vi tấn công và hủy hoại tác phẩm.

Tuy có vẻ không liên quan nhưng nguồn cơn của hội chứng này xuất phát từ một số chi tiết gây ức chế trong cuộc sống, mà với người phụ nữ gốc Nga ném chiếc ly vào bức tranh tại Bảo tàng Louvre là vì bà đã nhập cư nhưng không được nhập quốc tịch Pháp; hoặc phẫn uất về xung đột chính trị là lý do khiến người đàn ông ném hòn đá vào bức tranh ở Bảo tàng Montauban trước đó. 

Ảo giác tự thân

Dù được giải mã bởi các kiến thức khoa học nhưng sự sợ hãi pha chút tò mò dành cho bức tranh vẫn không hề chấm dứt. Thực tế, cho đến hôm nay, hình ảnh một nhóm người chạy loạn xạ trước bức tranh trong khi vẫn không dứt khỏi mắt Mona Lisa vẫn được thường xuyên nhìn thấy tại Bảo tàng Louvre. Thậm chí có nhóm du khách công kênh nhau hoặc nằm mọp xuống đất mà mắt vẫn không rời bức tranh. Họ thật sự bị ảo giác.

Tuy nhiên, ảo giác này không liên quan đến những hội chứng về tâm thần, mà là vì luôn cảm thấy nụ cười của nàng Mona Lisa có sự thay đổi ở các góc nhìn - trái, phải, trên, dưới. Cùng với đó, ánh mắt của Mona Lisa như luôn luôn không buông tha người xem tranh, dù họ đứng ở đâu. 

Dĩ nhiên, đây không phải là điều lạ trong hội họa. Theo các chuyên gia, chỉ cần vẽ hai tròng đen chính giữa đôi mắt nhìn thẳng, ánh mắt của nhân vật trong tranh sẽ luôn luôn “nhìn” người đứng phía trước, dù ở góc nào. Thế nhưng, điều đáng nói là, với Mona Lisa, Leonardo không hề vẽ nhân vật nhìn thẳng mà liếc về một bên.  

Thực tế, những bí ẩn của tác phẩm Mona Lisa dường như chưa bao giờ chấm dứt dù đã 500 năm. Theo thời gian, các nhà khoa học lại phát hiện ra những chi tiết chưa từng biết ở bức tranh: nguyên mẫu của nàng Mona Lisa là mẹ của danh họa Leonardo; bức Mona Lisa là… Leonardo vẽ chính mình; trong mắt nàng Mona Lisa có chứa nhiều con số và chữ cái nhỏ xíu; nụ cười nổi tiếng của Mona Lisa là giả và bị ép buộc… Cùng với mỗi bí mật được “bật mí” là những tranh cãi triền miên của giới học thuật. 

“Vinh quang tột đỉnh”

“Vinh quang tột đỉnh” là cụm từ mà giới hội họa sau 5 thế kỷ đã nói về bức Mona Lisa, họa sĩ Leonardo da Vinci và cả nước Pháp. Tuy nhiên, vinh quang ấy Leonardo da Vinci đã không thể nhận được bởi phải đến sau gần 400 năm, vào giữa thế kỷ XIX, Mona Lisa mới bắt đầu nổi tiếng khi các nghệ sĩ của phong trào Biểu tượng ca ngợi và gắn bức tranh với sự bí ẩn của phụ nữ (trong khi Mona Lisa được vẽ vào khoảng năm 1503). 

Mona Lisa: Kiet tac va loi nguyen
Chân dung Leonardo da Vinci

Riêng vinh quang của nước Pháp là thứ dễ dàng nhận diện nhất, mà theo sự so sánh không hề phù phiếm của các chuyên gia hội họa thế giới lẫn sự thừa nhận của nước Pháp, lợi nhuận mà bức tranh mang lại cho nước Pháp không kém gì lợi nhuận của một nhà máy lớn. Đó là lợi nhuận hữu hình thu về từ du lịch, là lợi nhuận vô hình từ việc nâng tầm văn hóa Pháp nói chung và hệ sinh thái hội họa Pháp nói riêng. Cho đến nay, đây được xem là bức tranh đắt giá nhất, có nhiều người xem nhất (đi cùng sự bảo vệ nghiêm ngặt nhất). 

Hội chứng Stendhal có từ thế kỷ XIX, được đặt theo bút danh của nhà văn người Pháp Marie-Henri Beyle. Trong cuốn Naples and Florence: A Journey from Milan to Reggio, nhà văn đã miêu tả sự choáng ngợp dẫn đến ảo giác của mình khi thăm nhà thờ Basilica of Santa Croce và nhìn thấy những bích họa của Giotto. “… Tôi đã đạt tới điểm mà một người lên đến đỉnh của thiên đàng… Mọi thứ xung quanh trò chuyện thật sống động với tâm hồn tôi. Ôi, giá mà tôi có thể quên đi được. Trống ngực tôi đập liên hồi, thứ mà ở Berlin người ta gọi là “trạng thái thần kinh bị kích động”. Con người tôi như bị hút đi hết sự sống. Tôi bước đi mà cứ sợ mình sẽ ngã” - ông viết. 
Năm 1911, bức tranh Mona Lisa bỗng dưng bị biến mất khỏi Bảo tàng Louvre, khiến bảo tàng này phải đóng cửa một tuần để phục vụ công tác điều tra. Sự việc khiến thi sĩ Guillaume Apollinaire bị nghi ngờ và bắt giam, do trước đó ông từng kêu gọi đốt cháy Louvre. Họa sĩ Pablo Picasso cũng bị cảnh sát thẩm vấn chỉ vì mua hai bức tượng đá từ thư ký của Apollinaire. Tuy nhiên, cả Picasso lẫn Guillaume Apollinaire sau đó đều được thả vì cảnh sát không tìm được sự liên quan.

Leonardo di ser Piero da Vinci  (15/4/1452 -2/5/1519) là họa sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, bác sĩ, kiến trúc sư... Ông được coi là một thiên tài toàn năng người Ý, là người đầu tiên giải thích vì sao bầu trời lại có màu xanh…

Leonardo là người thuận cả hai tay. Vì không muốn người khác đọc được những gì mình viết trong cuốn sổ tay, ông sử dụng tay trái viết từ phải qua trái. Để xem các đoạn chữ này, người ta phải dùng gương để phản chiếu lại theo chiều thuận. Về hội họa, ông là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Các tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông là Thánh mẫu Benois, Đức mẹ đồng trinh trong hang đá, Chân dung một nhạc sĩ, Bữa ăn tối cuối cùng, Mona Lisa, Lade và thiên nga

Thiên Lanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI