Mỏi mòn chờ được mở lối đi chung

14/10/2022 - 06:37

PNO - Bà con sống trong hẻm 164B/6 Tân Nhiễu, ấp 2, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TPHCM bị chặn lối đi chung suốt bảy năm nay (từ năm 2015). Sau nhiều lần nhờ UBND xã giải quyết không thành, họ đã khởi kiện. Bản án phúc thẩm vào tháng 5/2019 đã tuyên trả lại lối đi chung nhưng đến nay lối đi của họ vẫn chưa được mở!

 

Lối đi chung của nhiều người dân hẻm 164B/6 Tân Nhiễu, ấp 2, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM bị vợ chồng ông Hiền - bà Em bít lại suốt bảy năm qua
Lối đi chung của nhiều người dân hẻm 164B/6 Tân Nhiễu, ấp 2, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TPHCM bị vợ chồng ông Hiền - bà Em bít lại suốt bảy năm qua

“Bị giam lỏng” suốt nhiều năm

Vì đường vào nhà quá sình lầy nên phải đợi trời nắng bà Nguyễn Thị Anh - người dân sống trong hẻm 164B/6 Tân Nhiễu, ấp 2, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TPHCM - mới hẹn chúng tôi đến nhà. Lối đi chung đã bị chặn trái phép suốt bảy năm nay nên bà Anh và 40 người khác trong hẻm phải “mở trộm” lối đi qua ruộng của một người ở xa.

Bà Anh trình bày, bà và các hộ dân đã sinh sống và đi lại trên con hẻm 164B/6 Tân Nhiễu từ lâu. Đến năm 2015, ông Nguyễn Văn Hiền và bà Trần Thị Em nhà ở đầu hẻm đem đặt chậu cây, xây thềm xi măng lấn ra hẻm gây khó khăn cho việc đi lại của họ. UBND xã An Phú Tây thời điểm đó có can thiệp nhưng không thành.

Tháng 3/2016, một hộ dân trong hẻm làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) H.Bình Chánh. Khi biết có người khởi kiện, vợ chồng ông Hiền - bà Em đã bít luôn lối đi của họ. Để tạm thoát khỏi tình trạng “bị giam lỏng”, người dân phải đập tường nhà phía sau để đi băng qua ruộng. 

Mỏi mòn chờ thi hành án

Ngày 21/5/2019, TAND TPHCM xét xử phúc thẩm và tuyên án con hẻm 164B/6 Tân Nhiễu là lối đi chung của các hộ dân, buộc vợ chồng ông Hiền - bà Em chấm dứt hành vi ngăn cản sự tự do đi lại của mọi người; đồng thời buộc vợ chồng này tháo dỡ và di dời vật cản trả lại lối đi.

Sau khi bản án có hiệu lực, ông Hiền và bà Em vẫn không tự nguyện tháo dỡ vật cản nên người dân đã có đơn đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự (CCTHADS) H.Bình Chánh thi hành bản án. Ngày 8/7/2020, CCTHADS H.Bình Chánh đã có quyết định thi hành án theo yêu cầu.

Tuy nhiên, đến ngày 14/8/2022 vừa qua, tức hơn ba năm sau khi bản án có hiệu lực, người dân lại có đơn yêu cầu thi hành án lần thứ ba. Bà con thắc mắc, tại sao vụ việc đúng - sai đã quá rõ ràng, bản án đã được tuyên từ tháng 5/2019, CCTHADS H.Bình Chánh đã có quyết định thi hành án theo yêu cầu từ tháng 7/2020, nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay bản án vẫn chưa được thi hành?

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) quy định thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định hoặc thông báo. Hết thời hạn trên, nếu không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế.

Luật sư Đức cho rằng, trách nhiệm thuộc về CCTHADS H.Bình Chánh: “Lẽ ra, khi ông Hiền, bà Em không tự nguyện thi hành, thì CCTHADS H.Bình Chánh phải thực hiện cưỡng chế”.

Bị phạt tù về tội chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự phiên tòa

Do tranh chấp, gia đình ông Hiền, bà Em đã nhiều lần đánh nhau và gây thương tích cho các gia đình trong hẻm. Những lần như thế đều được các cơ quan chức năng xã An Phú Tây ghi nhận.

Ngày 23/7/2018, TAND H.Bình Chánh đưa vụ án tranh chấp lối đi chung nói trên ra xét xử sơ thẩm. Khi bản án được tuyên và phiên tòa chuẩn bị kết thúc thì ông Hiền và hai người khác đã lao đến đánh kiểm sát viên. Sự việc khiến ông Hiền bị phạt hai năm tù về tội chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự phiên tòa; Nguyễn Văn Sang (em trai ông Hiền) và Lê Thị Ngọc Loan cũng bị tuyên phạt một năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI