Miền Trung vẫn là “vùng trũng” trong các vùng kinh tế trọng điểm

01/07/2022 - 16:01

PNO - Chiều ngày 1/7, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39 và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Tọa đàm “Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới”. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39 cùng lãnh đạo các ban ngành cùng tham dự.

 

Phát triển du lịch xanh, xây dựng đô thị ven sông- ven biển là một định hướng trong gia đoạn mới của kinh tế trọng điểm miền Trung
Phát triển du lịch xanh, xây dựng đô thị ven sông - ven biển là một định hướng trong giai đoạn mới của kinh tế trọng điểm miền Trung

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là một trong những tọa đàm có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá thực trạng liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung thời gian qua và thảo luận để tìm ra những giải pháp liên kết phát triển vùng trong thời gian tới, phù hợp bối cảnh, tình hình mới và thực trạng phát triển các địa phương trong vùng.

Vùng KTTĐ miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, có diện tích tự nhiên khoảng 27.881,7km; dân số khoảng 6,5 triệu người; là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh đối với cả khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và cả nước.

Vùng KTTĐ miền Trung có tài nguyên khoáng sản khá phong phú, có trên 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, nhiều bãi biển đẹp và một số hệ sinh thái điển hình; có 3/8 di sản văn hóa thế giới và 1/9 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam...

Toàn vùng hiện có 4 sân bay, 4 khu kinh tế ven biển, 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế; có chiều dài đường bờ biển khoảng 600km, là cửa ngõ ra biển, là bệ đỡ, cầu nối trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; có hệ thống cảng biển khá dày đặc với nhiều cảng biển quan trọng, hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thay đổi thể chế chính sách cởi mở hơn để thu hút đầu tư là một trong những giải phá được đề xuất cho miền Trung
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thay đổi chính sách cởi mở hơn để thu hút đầu tư là một trong những giải pháp được đề xuất cho miền Trung

Vùng KTTĐ miền Trung có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải... phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp, đóng mới và sửa chữa tầu biển; phát triển các khu kinh tế và các trung tâm thương mại, du lịch và giao dịch quốc tế của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ…

Ông Trần Tuấn Anh cũng đánh giá, phát triển Vùng KTTĐ miền Trung còn khá chậm, đang là “vùng trũng” trong các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước. Phát triển vùng KTTĐ miền Trung đang gặp phải nhiều tồn tại, hạn chế như: tăng trưởng kinh tế còn thiếu ổn định; quy mô kinh tế còn nhỏ, khoảng cách phát triển giữa các địa phương gia tăng nhất là mật độ kinh tế; Quy hoạch phát triển vùng KTTĐ miền Trung còn nhiều bất cập; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ cản trở tổ chức không gian phát triển; diện tích lớn trong khi nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; các đô thị thiếu liên kết thành một hệ thống thống nhất, vai trò hạt nhân của thành phố Đà Nẵng chưa cao…

“Đặc biệt là cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng đã được ban hành (như Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng...), nhưng chưa mang lại nhiều kết quả do thiếu cơ chế ra quyết định và điều phối liên kết giữa các địa phương, xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng”, ông Trần Anh Tuấn nói.

Cũng từ những nhược điểm đó, tại buổi tọa đàm, nhiều tham luận, ý kiến tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đã được đưa ra để phát triển vùng kinh tế trọng điểm như: phát triển nguồn nhân lực, thể chế đổi mới để thu hút nhà đầu tư… đã được đưa ra để cùng tham khảo.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, Quảng Nam đang vươn mình trở thành thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế đạt gần 103 nghìn tỷ đồng
Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, Quảng Nam đang vươn mình trở thành thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế đạt gần 103 ngàn tỷ đồng

Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, tọa đàm được tổ chức tại Quảng Nam là cơ hội rất tốt để tỉnh được tiếp cận thêm nhiều thông tin hữu ích, lĩnh hội những ý kiến tâm huyết từ các chuyên gia, nhà khoa học, giúp Quảng Nam nhận diện rõ hơn cơ hội, thách thức để tận dụng. Cũng qua đó, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong định hướng phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành đầu mối, “trạm trung chuyển quốc tế” đi các nước trên thế giới của khu vực và cả nước trong thời gian đến.

Quảng Nam là tỉnh nằm trong Vùng KTTĐ miền Trung, với diện tích tự nhiên 10.574km2, dân số hơn 1,5 triệu người. Toàn tỉnh có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố (Tam Kỳ, Hội An), 1 thị xã (Điện Bàn) và 15 huyện (trong đó, có 9 huyện miền núi). 

Quảng Nam được biết đến là địa phương có 2 di sản văn hóa thế giới: Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm với vẻ đẹp hoang sơ và nhiều loại sản vật quý hiếm; trải dài trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố có 125km bờ biển.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW; Quảng Nam đã từng bước liên kết, hợp tác phát triển KT-XH với các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên từ đó, chuyển mình thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế đạt gần 103 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 14,5 lần so với năm 2004, đứng thứ 2/5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và xếp thứ 4/14 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI