Miền Trung, nơi con người tìm thấy con người

22/10/2020 - 07:57

PNO - Sài Gòn đã bắt đầu có nắng lên, nhưng những cơn bão ngoài khơi vẫn đang hình thành, dự báo sẽ đổ bộ miền Trung trong vài ngày tới. Nhưng bất luận thế nào, người dân cả nước vẫn hết lòng hướng về miền Trung.

Chị em phụ nữ ở thị trấn Cam Lộ nấu 2.000 suất cơm mỗi ngày gửi đến đồng bào đang cùng chịu bão lũ
Chị em phụ nữ ở thị trấn Cam Lộ nấu 2.000 suất cơm mỗi ngày gửi đến đồng bào đang cùng chịu bão lũ

Suốt đêm trước, người dân huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) cùng nhau gói bánh chưng hỗ trợ bà con vùng lũ Hà Tĩnh. Trước đó, người dân làng La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) thâu đêm gói hàng ngàn chiếc bánh chưng để kịp chuyển vào miền Trung. Hàng trăm người huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) cũng trắng đêm gói bánh… Những hình ảnh thật ấm lòng người. Mọi đóng góp - dù nhỏ - vẫn nối dài sợi dây yêu thương, là sức mạnh tinh thần để tất cả dìu bước nhau qua hoạn nạn. 

Hôm kia là ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, nhưng lời kêu gọi ‘’Thay vì tặng hoa, hãy chuyển thành quà cho vùng lũ” đã được truyền nhau từ vài ngày trước. Mọi niềm vui cá nhân của người ở những “vùng đất cao” bây giờ có lẽ cũng chỉ là phù phiếm, khi mà đồng bào miền Trung đang thiếu thốn nước uống, thức ăn đến những đồ dùng cơ bản, thiết yếu mỗi ngày.

“Ai bán gạo cho gạo, ai bán mì cho mì…”, cứ thế, sẻ chia truyền đi và những tấm lòng lặng thầm đóng góp. Ngoài tiền, những vật dụng thiết thực nhất như muối, xà phòng rửa tay, giấy vệ sinh, bật lửa, chất khử trùng, thuốc… cũng đã được cộng đồng để ý đến, kêu gọi cùng nhau chuẩn bị sẵn cho bà con. 

Đút vội miếng cơm lót dạ
Già - trẻ, nam - nữ... những miếng cơm đều được san sẻ cho nhau

Miền Trung đang bị bão lũ chia cắt, nhưng không gì có thể ngăn cách nghĩa đồng bào. Từ khắp mọi miền, người dấn thân lội nước cứu trợ từng gia đình, người không ngừng kêu gọi quyên góp, tích cực “sáng tạo” ra những món đồ mà người dân miền Trung có thể cần.

Chiều 18/10, một chuyên gia khí hậu cực đoan đang sống tại Nhật đăng nhờ bạn bè Facebook mua giúp 1.000 áo phao gửi đồng bào vùng lũ. Ngay lập tức, hàng chục người vào cung cấp thông tin, tình nguyện giúp đỡ. Giữa lúc áo phao tại chỗ “cháy hàng”, nhiều người là tài xế ở các tỉnh lân cận tình nguyện vận chuyển áo phao về vùng lũ. Facebook Trần Thanh Hà đề xuất mọi người chia sẻ cách làm áo phao tự chế để hiến kế cho bà con. Chị viết: “Có thể gom chai nhựa phế thải, can nhựa… thay áo phao. Người dân ở các tỉnh lân cận có thể chung tay gom rồi gửi ra. Tận dụng được cái gì thì tận dụng thôi, một phút trôi qua lúc này rất quý”.

Ngay trong vùng lũ, những gia đình có thuyền sẵn sàng chia sẻ phương tiện, đàn ông chia nhau hỗ trợ dân mình, phụ nữ ở nhà nấu cơm phát tận tay bà con. Người từ muôn ngả cùng đến chung sức, danh sách số điện thoại ca-nô cứu hộ truyền nhau mỗi lúc một dày lên. Tấm lòng từ mạng xã hội rộng mở hơn bao giờ hết, mọi người liên tục mời dùng xe, ca-nô, dịch vụ cứu thương, chia sẻ phòng ngủ…

Trong các thành phố, chị em phụ nữ tổ chức các đợt thanh lý, quyên góp cho miền Trung. Các nhà làm sách cũng tổ chức đấu giá sản phẩm tinh thần quý hiếm của đơn vị mình ủng hộ đồng bào. Ở những vùng quê, người lớn dạy trẻ nhỏ tinh thần tương ái bằng việc đóng góp sách vở cũ, chuẩn bị sẵn sàng để gửi về cho bạn nhỏ miền Trung khi lũ rút… 

Lót bụng vội vàng sau buổi sáng quần ghe cứu hộ
Lót bụng vội vàng sau buổi sáng quần ghe cứu hộ

Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh - vùng đất mà những ngày qua được gọi tên cứ khiến lòng người thắt lại. Có những đứa trẻ đứng trên nóc nhà, những người già run lẩy bẩy trong đêm mưa, được đặt lên bè chuối… Mỗi dòng tin báo rằng họ vừa được cứu là một niềm vui vỡ òa trong lòng người đọc. Xúc động đến cả hình ảnh những chiếc thuyền cứu hộ mà trên ấy ngoài người còn có đàn chó nhỏ…Vẻ đẹp ấy làm ấm lòng triệu con tim đang hướng về miền Trung ruột thịt. 

Một người đàn ông được cứu sau hai ngày đêm ngâm nước đói khát đến run tay run chân, đưa bát cơm đến tận tay vẫn không ăn nổi. Vào lúc khốn cùng, ông được đoàn người cứu trợ tìm thấy, được nhận chiếc áo ủ ấm, uống bịch sữa hồi sức và được đưa đến nơi an toàn. Có biết bao người đã được cứu trợ kịp thời như vậy. Nơi con người tìm thấy con người trong bão lũ khiến lòng người rung động.

Trong đêm tối, giữa bốn bề là nước, người bị mắc kẹt nghe một tiếng gọi: “Bà con ơi, có ai cần cứu hộ không?” là biết mình được cứu rồi. Những chiến sĩ bộ đội, dù tinh sương hay đêm tối vẫn không quản ngại len lỏi vào vùng nước ngập đến mái nhà, cố gắng hết sức mình để không bỏ sót một ai. Giữa hoang tàn mênh mông, còn biết phải mong chờ điều gì ngoài sự sống…

Xin cảm ơn muôn vạn tấm lòng, những yêu thương san sẻ, cứu rỗi cho nhau giữa những ngày đất trời tơi bời, mất mát… 

 Bùi Tiểu Quyên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI