"Mekong 2030": Tiếng nói đa thanh của những dòng sông

08/12/2020 - 18:47

PNO - Chùm phim ngắn "Mekong 2030" là dự án thể hiện tầm nhìn của các nhà làm phim Đông Nam Á về tương lai của dòng sông này.

Dự án phim ngắn Mekong 2030 quy tụ những nhãn quan đương đại về vai trò và giá trị thẩm mỹ, triết lý của dòng Mekong, cũng như số phận của các cộng đồng dân cư gắn liền với dòng sông này.

Được đưa vào sản xuất từ năm 2019, dự án có tổng cộng 5 phim ngắn độc lập được thực hiện bởi 5 đạo diễn đến từ các quốc gia khác nhau, bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Đại diện của Việt Nam là bộ phim Giòng sông không nhìn thấy (tiếng Anh: The Unseen River) của Phạm Ngọc Lân, một nhà làm phim trẻ đầy tiềm năng từng có tác phẩm tham dự Liên hoan phim Berlin 2019 (Giòng sông không nhìn thấy cũng từng nhận giải thưởng Lừa vàng - Asino d’Oro -cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Concorto, Ý).

Tương lai của dòng sông

Dù khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và dân tộc, cả 5 quốc gia trên được gắn kết bởi đặc điểm địa lý khi cùng thuộc Đông Nam Á và có dòng Mekong chảy qua lãnh thổ. Trình độ phát triển về kinh tế, văn hóa và xã hội của các nước cũng không quá chênh lệch, dẫn đến sự tương đồng nhất định trong cách các nhà làm phim khai thác câu chuyện về dòng sông.

Các tác phẩm trong dự án Mekong 2030 gắn liền những thảm họa môi trường với sự suy thoái đạo đức của con người. Ảnh: Phim The Che Brother (Anysay Keola)
Các tác phẩm trong dự án Mekong 2030 gắn những thảm họa môi trường với sự suy thoái đạo đức của con người - Ảnh: Phim The Che Brother (Anysay Keola)

Sự bất an, vô định về tương lai mang màu sắc bi quan là cảm thức chủ đạo trong 3 bộ phim đầu tiên: Soul River (Kulikar Sotho – Campuchia), The Che Brother (Anysay Keola – Lào) và The Forgotten Voices of the Mekong (Sai Naw Kham – Myanmar). Các tác phẩm xoáy sâu vào hậu quả của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đối với đời sống con người, đặc biệt là các cộng đồng định cư bên bờ sông Mekong.

Trong tương lai, Mekong được hình dung như một dòng sông chết, khi tình trạng ngập lụt diễn ra quanh năm khiến các sinh vật không thể tồn tại. Đó cũng là lúc con người mất đi kế sinh nhai, bị bủa vây bởi đói nghèo, khốn cùng và tha hóa. Cuộc sống bí bách tột cùng đặt họ trước những phép thử nghiệt ngã của đạo đức và số phận, bên cạnh sự mất mát nguồn cội và đặc tính văn hóa.

Nếu Soul River đặt câu hỏi về tương lai của những kiếp người trôi nổi trên dòng Mekong, thì The Che Brother khắc họa viễn cảnh về một thế giới hiện đại nhưng vô cảm, khi vật chất lên ngôi còn giá trị gia đình bị suy thoái. Ở đó, sự bế tắc dẫn con người đến với lối sống thực dụng, sẵn sàng hãm hại đồng loại và người thân của mình để trục lợi.

Trailer Mekong 2030:

 

Bên cạnh những băn khoăn về nhân sinh, các tác phẩm còn là nỗ lực để đối thoại về sự phát triển từ điểm nhìn của tầng lớp dưới trong xã hội. Trong Soul River, một nhân vật cho rằng, khi ta biến tài nguyên thiên nhiên thành lợi nhuận để đầu tư xây dựng đường xá, trường học, cao ốc thì đó là phát triển. Tuy nhiên, một nhân vật khác lập tức hỏi vặn lại: “Phát triển ở đâu? Sao tôi không thấy?”.

Cuộc đối thoại trên diễn ra trong lòng một chiếc ghe hẹp, khi hai người đang trên đường đi bán bức tượng đồng vừa đào được trong rừng. Đó là hy vọng duy nhất giúp họ thoát khỏi cuộc sống bấp bênh lần hồi trên sông Mekong, khi “không còn đất, chẳng còn rừng” để kiếm ăn.

Chính tư duy lệch lạc, thực dụng về sự phát triển đã góp phần đẩy người nghèo đến gần hơn những “cái bẫy bần hàn” (Nguyễn Thu Quỳnh), khi nhu cầu và lợi ích của họ chưa phải là trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội.

Các tác phẩm gửi gắm nhiều suy tư về sự phát triển. Ảnh: Phim Soul River (Kulikar Sotho)
Các tác phẩm gửi gắm nhiều suy tư về sự phát triển - Ảnh: Phim Soul River (Kulikar Sotho)

Giống với Soul River, phim The Forgotten Voices of the Mekong cũng đề cập đến ám ảnh về sự phát triển và cải thiện đời sống của các cộng đồng nghèo ở Đông Nam Á. Bộ phim xoay quanh dự án khai thác mỏ ở một bản hẻo lánh của Myanmar, hứa hẹn đem lại công ăn việc làm nhưng cũng đe dọa đến cuộc sống bình yên của người dân.

Trong phim, người trưởng bản tên Charlie mở cửa cho dự án vào vì không muốn dân bản tiếp tục “sống mòn” trong nghèo đói. Tuy nhiên, anh không lường được những hậu quả về môi trường mà công việc khai thác mỏ gây ra cho vùng đất quê hương.

Bộ phim khép lại bằng đám tang của cô bé bị nhiễm độc do uống nước gần mỏ, cùng những giọt nước mắt bàng hoàng, cay đắng của Charlie. Đến tận cùng, làm sao để cân bằng giữa cải thiện đời sống với bảo vệ môi trường vẫn luôn là một câu hỏi nhức nhối.

Dòng sông trong tâm tưởng

Nếu 3 bộ phim đầu mang đến thông điệp về những vấn đề xã hội cấp bách, thì 2 bộ phim sau – The Line của Anocha Suwichakornpong (Thái Lan) và Giòng sông không nhìn thấy của Phạm Ngọc Lân lại trừu tượng, mơ màng hơn khi tiếp cận dòng Mekong trên khía cạnh văn hóa, thẩm mỹ.

The Line, với dư vị bảng lảng hòa quyện giữa thực tại và ảo mộng, là một hành trình kiếm tìm linh hồn của dòng sông gắn liền với những ý niệm thời gian. Không khí kỳ ảo, mơ hồ cùng một cốt truyện khó nắm bắt và sự xuất hiện của yếu tố tâm linh khiến bộ phim có nét tương đồng với các tác phẩm của đạo diễn lừng danh người Thái Apichatpong Weerasethakul.

Tuy nhiên, phong cách của The Line nhẹ nhàng, nữ tính, ít gai góc và đánh đố hơn. Nó mềm mại và êm ả như một dòng sông, giấu kín những suy tư bên dưới vô vàn lớp sóng.

Giống như The Line, Giòng sông không nhìn thấy cũng hướng người xem đến những dòng sông trong tâm tưởng. Bộ phim xoay quanh hai câu chuyện độc lập: một cặp tình nhân cũ hội ngộ sau 30 năm tại nhà máy thủy điện, và một chàng trai trẻ cùng bạn gái tìm đến ngôi chùa để chữa chứng mất ngủ.

Với tác phẩm này, Phạm Ngọc Lân đã biến dòng Mekong thành một hình dung về sự chảy trôi của thời gian. Dẫu rằng ý tưởng này không mới, nhưng những tự sự, nỗi lòng mà nhân vật của anh đeo mang đã níu chân khán giả.

Giòng sông không nhìn thấy đưa người xem đến những dòng sông trong tâm tưởng
Bộ phim Giòng sông không nhìn thấy đưa người xem đến những dòng sông trong tâm tưởng

Ở câu chuyện thứ nhất, bà Nguyện (nghệ sĩ Minh Châu) thừa nhận bấy lâu nay mình chỉ sống trong quá khứ, khi đã kết hôn nhiều năm mà không thể dứt bỏ hình bóng người cũ. Còn ở câu chuyện thứ hai, đôi tình nhân trẻ tuổi (Wean và Naomi) lại hướng đến tương lai với sự băn khoăn, vô định. Họ yêu nhau, nhưng không dám hình dung đến một tương lai có nhau.

Phạm Ngọc Lân nhẹ nhàng kết nối hai tuyến truyện bằng những giấc mơ. Khi tâm sự với người yêu cũ, bà Nguyện nói rằng nỗi nhớ ông đã khiến bà nhiều lúc không thể phân biệt được mơ hay thực.

Trong khi đó, vị sư thầy (nghệ sĩ Mạc Can) ở ngôi chùa mà cặp đôi trẻ tìm đến lại nói rằng, điều tệ nhất của việc không thể ngủ là không thể mơ. Các nhân vật cứ thế vờn đuổi nhau trong những giấc mơ kỳ lạ, ở một vùng sông nước mênh mang, với ánh sáng xanh của chiếc lưỡi câu.

Hay phải chăng chính cuộc đời họ cũng là một giấc mơ? Một giấc mơ không bắt đầu, không kết thúc, không lý giải, chỉ mải miết trôi với những nỗi buồn đã hóa thành dòng sông.

*Xem phim trực tuyến tại web của LHP Luang Prabang: https://watch.lpfilmfest.org/film/mekong-2030  từ nay đến 10/12.

Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI