Máy móc “đóng băng”, bác sĩ Khoa Xạ trị bệnh viện hàng đầu làm việc đến 1-2g sáng

25/02/2023 - 11:36

PNO - Để người bệnh ung thư không phải chờ đợi quá lâu, nhân viên y tế của Khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy phải làm việc từ 6g sáng đến 1-2g sáng ngày hôm sau.

Loay hoay không biết phải làm thế nào

Chị Đoàn Thị Loan (Vĩnh Long) đã chăm chồng bị ung thư gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy nửa năm qua. Mỗi lần tái khám, chồng chị phải chụp CT để bác sĩ đánh giá tình trạng khối u. Lần nào anh chị cũng được xe chở từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến một bệnh viện khác để chụp chiếu, kết quả có trong ngày. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2, chị phải chờ 3 ngày mới nhận được kết quả CT của chồng. Vì không được thông báo trước, chị phải thuê nhà trọ ở lại.

“Khi đọc báo tôi mới biết lý do máy móc thiếu thốn, hóa chất hết là vì đấu thầu. Lỗi không phải của bệnh viện nhưng giờ bệnh nhân ung thư gánh hết, không biết khi nào tình hình mới ổn được” - chị Loan nói.

Người bệnh chờ nhiều tháng chưa được chụp CT vì máy móc xuống cấp, thiếu hóa chất
Người bệnh chờ nhiều tháng chưa được chụp CT vì máy móc xuống cấp, thiếu hóa chất

Ngổn ngang, mệt mỏi cũng là tâm trạng của anh Nguyễn Thanh Bình, 44 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu.

Anh Bình được chẩn đoán u ác vòm mũi, có chỉ định hóa trị và xạ trị. Đang xạ trị dở dang, anh nhận thông báo về nhà nghỉ ngơi, khi nào bệnh viện gọi thì lên xạ tiếp.

“Bạc Liêu quê tôi xa lắm, cách TPHCM trên 300 km, đi lại đâu có dễ dàng nhưng cũng phải về nhà nằm chờ. Mãi rồi bác sĩ cũng gọi lên và xạ đủ 35 tia. Mới tuần trước, tôi còn phải chờ đến 21g mới được xạ vì đông người bệnh quá” - anh Bình bộc bạch.

Tương tự, bà Bùi Thị Dung, 58 tuổi cũng đột ngột bị hoãn xạ trị sau 4 tia, vào ngày 20/1. Trong thời gian chờ điện thoại của bác sĩ, chồng bà Dung sốt ruột quá nên quyết tâm lên Bệnh viện Chợ Rẫy 2 lần để nghe ngóng. Câu trả lời vẫn không khác: “Chú về chờ điện thoại!”.

Đến ngày 13/2, việc điều trị của bà Dung mới được tiếp tục sau khi bệnh viện gọi lên. “Bác sĩ làm việc đến 1g sáng mới hết bệnh nhân” - chồng bà Dung cho hay.

Lý giải tình trạng trên, bác sĩ Nguyễn Văn Đô - Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, nơi đây có 4 máy xạ trị gia tốc hiện đại nhưng chỉ có 2 máy đang hoạt động. Số máy còn lại đã “đóng băng” gần 1 năm qua.

Bác sĩ Đô cho hay, trung bình mỗi ngày, gần 400 bệnh nhân ung thư tại đây được xạ trị. Tình trạng trang thiết bị hiện tại khiến cho anh và đồng nghiệp không thể đáp ứng nhu cầu thực tế. “Hai máy dừng hoạt động từ quý II/2022 vì đã hết thời gian bảo hành, đang chờ mua gói bảo trì nhưng vướng các vấn đề đấu thầu. Nếu xạ trị không đúng kế hoạch điều trị, việc kiểm soát bệnh chắc chắn sẽ không tốt” - bác sĩ Đô nói.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã tìm mọi phương thức để khắc phục tình cảnh trên. Một số người bệnh ung thư được hội chẩn lại để chuyển sang mô thức điều trị khác (như hóa trị) để tránh nguy cơ chuyển nặng trong thời gian chờ xạ. Bên cạnh đó, thời gian làm việc của y bác sĩ phải kéo dài từ 6g đến 1-2g sáng hôm sau, cố gắng giải quyết tốt nhất cho người bệnh. Nhờ vậy, số lượng chờ xạ trị giờ đây còn khoảng hơn 100 ca, thời gian từ 2-3 tuần.

“Tôi làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy bao nhiêu năm, đây là lần đầu tiên việc sửa chữa máy móc gặp khó khăn đến như vậy” - bác sĩ Đô bày tỏ.

Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ còn 2 máy CT hoạt động, thiết bị hàng chục tỉ đồng “đắp chiếu”

Bệnh viện hạng đặc biệt thuộc Bộ Y tế đang trong tình cảnh “vô tiền khoáng hậu”: máy móc đóng băng, người bệnh phải sang viện khác chụp chiếu, nhân viên y tế làm việc đến rạng sáng. Từ 6 ngàn lượt bệnh mỗi ngày, nay Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ tiếp nhận khoảng 2 ngàn lượt.

Bệnh viện có 5 máy chụp CT, hiện 3 máy ngưng hoạt động vì không được sửa chữa. Người bệnh có chỉ định chụp chiếu, chẩn đoán hình ảnh sẽ được chuyển sang Bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế thực hiện.

Phòng chụp CT cấp cứu được đặt ngay phía sau Khoa Cấp cứu để thuận tiện cho người bệnh. Tuy nhiên máy CT này đã hỏng, nhân viên y tế sẽ phải đẩy bệnh nhân một vòng bệnh viện để đến Khu D (Trung tâm ung bướu) chụp CT. Khu vực này vốn đông nghẹt người bệnh, thân nhân để chờ chụp chiếu.

Khoa Siêu âm có 35 máy siêu âm nhưng 10 máy hư hỏng. Các máy này có tuổi đời trên 15 năm, được sửa chữa đã nhiều lần và nay đã hư hoàn toàn, không thể thay thế. Thông thường, sau 3 năm máy sẽ được bảo trì, sau 5 năm sẽ có hội đồng thẩm định lại chất lượng. Mỗi ngày, bệnh viện siêu âm cho khoảng 2.000 đến 3000 bệnh nhân. Do máy hư, y bác sĩ phải làm thông tầm để đảm bảo kết quả cho người bệnh, bắt đầu từ 6g sáng và không nghỉ trưa.

Với điều kiện máy móc xuống cấp, nếu không được sửa chữa thay thế, nhân viên y tế rất vất vả trong việc thực hiện, chẩn đoán.

Bệnh viện Chợ Rẫy hiện chỉ còn 2 máy xạ trị gia tốc hoạt động. 2 máy còn lại phải “đắp chiếu” từ quý II/2022 do vướng mắc trong khâu sửa chữa, bảo trì. Mỗi ngày có hơn 400 bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị nhưng hiện chỉ đáp ứng được khoảng 2/3.

Để người bệnh ung thư không phải chờ đợi quá lâu, nhân viên y tế của Khoa Xạ trị phải làm việc từ 6g sáng đến 1-2g sáng ngày hôm sau. Hiện còn khoảng 100 bệnh nhân đang chờ đến lượt, thời gian khoảng 2-3 tuần.

Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam trang bị hệ thống máy xạ trị gia tốc, trị giá hơn 30 tỉ đồng. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho hay, hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy CT, máy MRI, máy siêu âm doppler màu… đều không có đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới cũng như sửa chữa, bảo trì. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện, gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh.

An Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI