Mất chân vì tưởng tắc hẹp động mạch chi là... viêm khớp, lão hóa

24/12/2022 - 17:32

PNO - Nhiều trường hợp bị tắc hẹp động mạch chi không kịp thời phát hiện và điều trị nên phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng tới mức phải cắt chi, trở nên tàn phế. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ - bác sĩ Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - để giúp mọi người hiểu rõ hơn về căn bệnh này và tránh những hậu quả đáng tiếc.

 

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Thanh Vỹ đang tư vấn cho một trường hợp tắc hẹp động mạch chi - ẢNH: T.ANH
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Thanh Vỹ đang tư vấn cho một trường hợp tắc hẹp động mạch chi - Ảnh: T.Anh

Không chỉ gặp ở người già

*Phóng viên: Thưa bác sĩ, tình trạng tắc hẹp động mạch chi thường xảy ra ở lứa tuổi nào? Bệnh viện Đại học y dược TPHCM có hay gặp các trường hợp này không? 

- Bác sĩ Trần Thanh Vỹ: Tắc hẹp động mạch chi hay gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ghi nhận tình trạng này cả ở người trẻ. Ngày nào Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cũng phẫu thuật 1 ca tắc hẹp động mạch chi. Mỗi tháng, chúng tôi khám khoảng 500 trường hợp liên quan tới tắc hẹp động mạch chi.

Không phải bệnh nhân nào khi đến với chúng tôi cũng may mắn vì bệnh còn ở mức độ nhẹ. Bản thân tôi đã gặp vài ca rất nặng, phát hiện quá muộn màng nên bệnh nhân phải gánh chịu các biến chứng nghiêm trọng.

Mới đây là trường hợp bệnh nhân nam 50 tuổi, ngụ tại Cà Mau, tên P.V.H. Trước đó, ông H. đã có các biểu hiện như đau chi phải, các ngón chân và bàn chân phải cũng bị tím tái. Thế nhưng, thay vì tới bệnh viện khám, ông lại đi thầy lang châm cứu. Khi quá đau đớn, không chịu nổi, bệnh nhân mới tới bệnh viện. Lúc đó, mọi việc đã quá trễ: bàn chân của ông H. bị hoại tử lan cả lên cẳng chân. Chúng tôi đành phải đoạn chi để cứu sống người bệnh, nếu không ông H. sẽ bị nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.

Trường hợp của ông H. là tình trạng tắc hẹp động mạch chi cấp tính. Tắc hẹp động mạch chi còn có thể mạn tính, tiến triển từ từ. Ở thể này, các triệu chứng không dữ dội, ồ ạt như thể cấp tính nên mọi người rất dễ bỏ qua các dấu hiệu sớm của bệnh. Cách đây không lâu, tôi khám cho một trường hợp điển hình của thể tắc hẹp động mạch chi mạn tính.

Bệnh nhân là nữ, tên N.T.K.O., 60 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Bà O. kể rằng khi nghỉ ngơi, bà không cảm thấy gì nhưng hễ đi bộ khoảng chừng 500 mét là bị đau chân trái. Cơn đau sẽ thuyên giảm nếu bà ngồi nghỉ một lát nhưng khi đứng lên tiếp tục đi một đoạn, chân lại bắt đầu đau. Trong trường hợp bà cố gắng đi tiếp, cơn đau sẽ trở nên dữ dội. Khi chúng tôi kiểm tra thì lòng động mạch bên chân trái của bệnh nhân bị tắc hẹp 70%.

Thông thường, khi lòng mạch hẹp từ 70%, bệnh nhân mới cảm thấy các triệu chứng rõ rệt gây ảnh hưởng cuộc sống. Tình trạng của bà O. được gọi là “đau cách hồi”, nghĩa là cơn đau ở chi không liên tục mà xảy ra từng hồi cách nhau. Sở dĩ như vậy vì động mạch chi bệnh nhân bị hẹp nên chỉ có thể cung cấp ô xy cho cơ ở chi trái tới ngưỡng đó, vậy nên bà O. cứ đi một quãng lại bị đau chân.

* Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân dẫn tới tình trạng tắc hẹp động mạch chi. Ai là đối tượng dễ bị tắc hẹp động mạch chi nhất?

- Tắc hẹp động mạch chi xảy ra bởi các mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa này mang tính di truyền. Vậy nhưng, nếu chúng ta có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khoa học, duy trì việc chăm sóc và theo dõi sức khỏe định kỳ, tình trạng xơ vữa động mạch sẽ xảy ra trễ (khoảng 80-90 tuổi). Ngược lại, chế độ sinh hoạt không điều độ, không tích cực sẽ khiến tình trạng xơ vữa được kích hoạt sớm.

Bệnh tắc hẹp động mạch chi phần lớn xuất hiện ở nam giới. Ngoài ra, người lớn tuổi, người bị đái tháo đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, tăng homocystein máu hoặc béo phì, hút thuốc lá nhiều cũng là những đối tượng có nguy cơ cao bị tắc hẹp động mạch chi.

Ở giai đoạn đầu, hơn 75% trường hợp không có triệu chứng

* Dấu hiệu nhận biết bệnh là gì? Nếu không kịp thời điều trị, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nào? Hiện nay, có những phương pháp nào để điều trị tình trạng tắc hẹp động mạch chi, thưa bác sĩ?

- Ở giai đoạn bệnh khởi phát, hơn 75% trường hợp không có triệu chứng. Một số ít người cho biết họ có những cơn đau nhẹ ở bắp chân, tức “đau cách hồi”. Bệnh nhân sẽ cảm thấy hết đau khi ở trạng thái nghỉ ngơi. Cũng vì vậy mà nhiều người nhầm lẫn tình trạng tắc hẹp động mạch chi với bệnh viêm khớp, căng cơ hay dấu hiệu lão hóa của tuổi già. Ở giai đoạn nặng, cơn đau sẽ tiếp diễn ngay cả khi nghỉ ngơi. Khi đó, khả năng vận động của người bệnh bị giới hạn. Về lâu dài, các vết lở loét, hoại tử ở chân bắt đầu xuất hiện và lan rộng, da đầu chi đen, các cơn đau cũng nặng nề hơn.

Nhìn chung, nếu tình trạng loét chỉ xuất hiện ở đầu các chi là tắc hẹp động mạch chi nhẹ. Ngược lại, nếu vết loét đã lan rộng tới nửa bàn chân hoặc đến gót chân thì được xem là nặng.

Tắc hẹp động mạch chi nếu không được điều trị sẽ có tiên lượng rất xấu. Trong một số trường hợp, người bệnh buộc phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng. Có khoảng 25% người bệnh tắc hẹp động mạch chi sẽ tử vong và 30 - 40% còn lại phải cắt cụt chi. Phần lớn các trường hợp tử vong ở người bệnh tắc hẹp động mạch chi là do các biến cố về tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nếu người bệnh không điều trị tốt, tỉ lệ tử vong trong 5 năm tiếp theo là rất cao. 

Có nhiều phương pháp để điều trị tắc hẹp động mạch chi. Trước tiên, nếu ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ ưu tiên dùng thuốc điều trị nội khoa bảo tồn cho bệnh nhân. Ngoài ra, còn có các phương pháp can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật bắc cầu mạch máu, can thiệp nội mạch (luồn dây dẫn vào lòng mạch rồi dùng bóng nong phần bị hẹp ra, thậm chí đặt stent cho những vị trí bị hẹp nặng).

Điều này giúp tăng lưu lượng máu ở chi, đảm bảo các phần chi ở vị trí xa nhất nhận được đủ ô xy và các chất dinh dưỡng cần thiết để có thể lành vết loét. Trong trường hợp bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng loét hoại tử chi, bác sĩ buộc phải cắt bỏ phần chi đã chết ở mức tối thiểu, đồng thời kết hợp nong mạch máu để cải thiện tình trạng tắc hẹp và hạn chế nguy cơ hình thành vết loét mới.

Chúng ta có thể phòng ngừa tình trạng tắc động mạch chi bằng cách duy trì lối sống khoa học. Hãy tránh dùng thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thịt nguội, giò chả vì gây hại cho huyết áp. Những món nhiều cholesterol xấu gây hại khiến ta dễ bị béo phì. Người đang mắc các bệnh lý về chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tim mạch, huyết áp phải kiểm soát tốt các chỉ số về đường huyết, mỡ máu, huyết áp của bản thân.

Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường cần theo dõi và chăm sóc bàn chân thật kỹ. Mạch máu ngoại biên của họ bị ảnh hưởng nên không cảm thấy đau khi bàn chân hoặc ngón chân bị lở loét. Tắc hẹp động mạch chi thường gây lở loét ở những vùng xa của cơ thể (như ngón chân) trước rồi mới lan dần lên bàn chân, cẳng chân. Do đó, nếu bệnh nhân đái tháo đường không theo dõi, chăm sóc bàn chân kỹ, khi bị tắc hẹp động mạch chi gây lở loét, vết loét sẽ tiến triển nhanh và vô cùng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá (kể cả hút thuốc lá thụ động) có nguy cơ cao gây tắc hẹp động mạch chi. Vì vậy, không hút thuốc lá và tránh lui tới những nơi có khói thuốc là một cách bảo vệ bản thân khỏi bệnh lý này. 

Ngoài ra, tập thể dục đều đặn mỗi ngày cũng giúp ích cho hệ tuần hoàn. Nhờ vậy, máu vận chuyển ô xy tới các cơ dễ dàng hơn. 

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI