Mất 3 căn nhà mặt tiền đầu tư cho con du học 7 năm, cuối cùng không "gỡ được vốn"

08/11/2016 - 11:40

PNO - Chán nản, uể oải trong quá trình học, lãng phí tuổi trẻ, tiền bạc, ra trường thất nghiệp,... là những viễn cảnh không ai mong muốn nhưng vẫn diễn ra nếu bạn trẻ và gia đình không có sự chuẩn bị tốt.

Dành hàng trăm triệu đồng cho bốn năm đại học trong nước hay hàng tỷ đồng cho chương trình du học, phụ huynh sẽ thấy đó hẳn là một sự đầu tư chứ không đơn giản là bổn phận làm cha làm mẹ như số đông vẫn nghĩ.

Khi con ngồi trước hồ sơ đăng ký dự thi, tự khắc gia đình mình biến thành… một công ty cổ phần. Trong đó “cổ đông con” góp tâm sức, trí não, thời gian để học hành, rèn luyện còn “cổ đông cha mẹ” góp tài chính cùng sự kỳ vọng tương ứng với số tiền bỏ ra. Điều tiên quyết là xác định đúng hướng đầu tư để “công ty” sinh lợi hay ít nhất có thể thu hồi vốn trong khoảng thời gian thích hợp.

Mất tám năm ròng để hiểu mình và gọi đúng tên niềm đam mê, ông Dương Thanh Sơn (hiện là giám đốc đào tạo của một hệ thống bán lẻ hàng đầu Việt Nam) muốn chia sẻ kinh nghiệm “xương máu” của bản thân cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời.

Mat 3 can nha mat tien dau tu cho con du hoc 7 nam, cuoi cung khong
Ảnh mang tính chất minh họa. Shutterstock

Tốt nghiệp phổ thông ở một trường chuyên nổi tiếng tại TP.HCM, đậu năm trường đại học, ông chọn vào ngành xây dựng của trường ĐH Bách khoa TP.HCM đơn giản vì trường này danh giá, có nhiều sân thể thao và nhóm bạn thân cùng đỗ vào đấy. Mất 5 năm đèn sách, ông Sơn làm đúng ngành chỉ được tám tháng vì dị ứng với môi trường làm việc.

Trải qua nhiều ngành nghề, cuối cùng công tác ở mảng đào tạo và quản lý nguồn nhân lực, ông mới có niềm đam mê thực sự trong công việc. Mỗi sáng, ông chỉ mong chạy thật nhanh đến công ty để làm việc và gặp gỡ đồng nghiệp. Ông được cất nhắc rất nhanh, mỗi vị trí mới đem đến cho ông sự hứng khởi, cảm giác thú vị và hạnh phúc.

Tiếc rẻ những tháng ngày tuổi trẻ, những cơ hội ngoài tầm với, ông cho rằng: “Chắc chắn tôi sẽ thành công hơn, đóng góp được nhiều hơn nếu ngay từ đầu chọn đúng ngành, được đào tạo bài bản và tập trung toàn bộ tâm sức cho niềm đam mê đó”.

Thực trạng việc làm ở Việt Nam theo khảo sát, đánh giá của ông Thanh Sơn là con số đáng buồn. Có đến 33% sinh viên năm nhất muốn được thi lại vào năm sau, 76% sinh viên không thỏa mãn với sự lựa chọn ngành học của mình, 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp, 70% chọn nghề, trường học theo cảm tính.

Bức tranh chọn nghề, lập nghiệp của du học sinh cũng không sáng sủa hơn với 66% du học sinh gặp khó khăn tìm việc làm, 83% chưa hài lòng với chuyện lương, thưởng. Không hiếm những trường hợp tốt nghiệp đại học, cao học ở nước ngoài, về nước thất nghiệp hoặc làm trái nghề, thậm chí lao động chân tay.

Chán nản, uể oải trong quá trình học, không đảm bảo kết quả, lãng phí tuổi trẻ, tiền bạc, sức lực, ra trường thất nghiệp, phát sinh những vấn đề tiêu cực, tệ nạn, trở thành gánh nặng của gia đình là những viễn cảnh không ai mong muốn nhưng vẫn diễn ra nếu bạn trẻ và gia đình không có sự chuẩn bị tốt, nghiêm túc.

Một sinh viên ngành y ở Q.Tân Bình (TP.HCM) vừa có hành động đáng tiếc - tự tử sau khi tốt nghiệp. Ngày đám tang, cha cậu cứ đứng cạnh quan tài, khóc như đứa trẻ, lặp đi lặp lại câu nói: “Con ơi! Chỉ cần con sống lại, con muốn làm gì thì làm, cha ủng hộ con hết!”. Cha mẹ là bác sĩ, dược sĩ nên ép buộc cậu theo ngành y nhưng cậu chỉ thích làm đầu bếp. Đó là nguồn gốc của bất hòa, xa cách, nặng nề của mối quan hệ cha con, mẹ con suốt nhiều năm và bồi thêm cú sốc bạn gái chia tay, cậu không còn thiết sống nữa.

Ngày nay, chuyện cha mẹ áp đặt, “cướp đoạt” vai chính của con trong chọn lựa ngành nghề không còn nhiều và không nguy hiểm bằng con "hào phóng" nhượng quyền này cho cha mẹ. Bạn trẻ đã quen không tự quyết định, tự chịu trách nhiệm và cũng không đủ hiểu mình thích gì, có khả năng vượt trội gì nên cứ buông xuôi, phó mặc người lớn định liệu.

Sau bảy năm du học Mỹ, Hoài Kim, 27 tuổi, có bốn lần chuyển ngành học. “Theo lỡ, theo luôn”, cha mẹ Hoài Kim mất dần ba căn nhà mặt tiền ở Q.11, Q.Bình Thạnh cho con gái ở trời Tây. Hoài Kim tốt nghiệp, về nước, cha mẹ nôn nao trông chờ ngày con đi làm để “gỡ lại vốn” thì Hoài Kim tuyên bố “xanh rờn”: không thích đi làm ngành kinh tế vừa được đào tạo, rằng mỗi ngày rị mọ với sổ sách, với những con số sẽ là một ngày tù.

Qua bài trắc nghiệm và tư vấn cùng chuyên gia của chương trình Hướng nghề, định nghiệp tại Công ty Quà Của Bố (Q.3, TP.HCM), Hoài Kim ngộ ra tất cả những vấn đề của mình như: không hứng thú trong học tập, kết quả học kém, gặp nhiều khó khăn và thiếu động lực chính là do bản thân không phù hợp với ngành kinh tế mà có thiên hướng về công tác xã hội, tâm lý, giáo dục trẻ…

Ngẫm lại, Hoài Kim thấy đúng vì cô luôn thoải mái, tự tin, hào hứng với việc chia sẻ, thấu cảm, kết nối người - người với nhau, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, với suy nghĩ “chết người” thuở còn học cấp III rằng “cha mẹ nhìn xa trông rộng lại là chủ chi, để cha mẹ quyết định”, Hoài Kim đã ngoan ngoãn làm theo sự sắp đặt.

Theo ông Trần Đình Dũng, chuyên gia tư vấn giáo dục gia đình Công ty Quà Của Bố, những nguyên nhân đưa đến sai lầm trong chọn lựa ngành nghề ở bạn trẻ là thiếu định hướng, thiếu thông tin về ngành học; thiếu thông tin về nhu cầu và tiêu chí của xã hội; chưa biết giá trị bản thân phù hợp với ngành mình học; lựa chọn theo định hướng của gia đình, theo phong trào hay cảm tính cá nhân; tâm lý trọng bằng cấp còn tồn tại hầu hết ở các bậc phụ huynh mà bạn trẻ ít chủ động, suy nghĩ độc lập và mạnh dạn thuyết phục.

Phụ huynh và con cái cần lập kế hoạch hướng nghiệp: xác định mục tiêu rõ ràng, nên có kế hoạch từ tuổi 15; phân định thích - muốn - cần - có thể. Nếu cha mẹ cho con trải nghiệm nhiều môi trường làm việc từ bé; ghi nhận năng khiếu, sở thích của con; tạo điều kiện để con tiếp xúc nhiều người ở nhiều lĩnh vực cùng những mô tả công việc xác thực, toàn diện, cụ thể; cho con sống với nghề dù chỉ trong một vài ngày, một vài tuần, con sẽ tự cảm nhận, từ đó hiểu mình, hiểu nghề và có sự lựa chọn chín chắn, hiệu quả nhất.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI