'Luận' về... đàn bà

08/03/2019 - 11:30

PNO - Có câu rất hay: “Phía sau một người đàn ông thành đạt, luôn có bóng dáng một phụ nữ”. Ý rằng, đàn ông dù tài ba đến mấy, để thành công, không thể không có sự đóng góp của người phụ nữ phía sau.

Nói cách khác, đàn ông không thể làm nên trò trống gì nếu thiếu phụ nữ. Tuy nhiên, có một câu cũng hay không kém: “Phía sau một người đàn ông thất bại, cũng luôn có bóng dáng một hoặc vài phụ nữ”.

'Luan' ve... dan ba

Thưa quý cô! Quý cô có ngày 8/3, ngày 20/10, trong khi bọn đàn ông chả có ngày nào. Thật “gato“ với các cô quá đi! Nhưng các cô xứng đáng được như vậy. Các cô thuộc phái đẹp, các cô sinh ra để đẹp, còn chúng tôi sinh ra để chiêm ngưỡng và phụng sự vẻ đẹp của các cô.

Quyền lực của nhan sắc

Nhan sắc phụ nữ là quyền lực của họ, được tạo hóa ban cho. Dù lũ đàn ông có muốn tiếm quyền, cũng không thể làm được. Bởi vậy, từ xa xưa, ở mọi nền văn hóa, đàn ông luôn phụng sự vẻ đẹp của phụ nữ, chịu cay đắng và vinh quang từ việc phụng sự đó và không ai than phiền cả. Đàn ông chân chính nên biết phụng sự vẻ đẹp của phụ nữ. Tạo hóa quy định thế rồi, cấm cãi!

Người ta thường nói, quyền lực của nhan sắc là quyền lực mềm. Các nàng mà cũng “cứng” lên như đàn ông thì hỏng bét. Câu chuyện về quyền lực mềm của phụ nữ đã tồn tại từ ngàn xưa, trong tâm thức dân gian của mọi dân tộc từ Đông sang Tây.

Như trong thần thoại Hy Lạp, câu chuyện tranh giành xem ai là người đẹp nhất của nữ thần Athena, Aphrodite và Hera đã dẫn đến cuộc chiến thành Troy đẫm máu trong lịch sử mà có thể bạn cũng biết khi xem bộ phim Cuộc chiến thành Troy.

Trong phim, có cảnh vua Priam tâm sự với con trai út mất nết ăn hại Paris, đêm trước cuộc tấn công của liên quân Hy Lạp. Vua Priam hỏi: “Con có yêu Helen không?”. Paris đáp: “Thưa cha, con biết cha yêu thành Troy đến từng viên đá lát đường, từng ngọn cỏ và mỗi người dân. Cha đang sống vì nó và sẵn sàng chết vì nó. Cha yêu Troy thế nào, con yêu Helen như vậy”.

Thật là cách trả lời khôn ngoan! Yêu một người đến mức không chỉ sống vì người đó, mà sẵn sàng chết vì người đó, đúng là tình yêu đích thực.

Vua Priam nói với con trai: “Cả cuộc đời cha, cùng với thanh gươm trên mình ngựa, đã trải bao cuộc chiến. Có những cuộc chiến tranh giành đất đai, có cuộc chiến tranh giành quyền lực, nhưng chỉ có tình yêu là thứ đáng để ta chiến đấu và hy sinh hơn cả”. Tóm lại là, nếu có đánh nhau và chết thì nên đánh và chết vì người phụ nữ mà ta yêu thương - người phụ nữ đẹp nhất đối với ta, cũng đáng thôi.

Cổ tích Việt Nam có câu chuyện Hà Ô Lôi - một nghệ sĩ đẹp trai, được trời phú cho dung mạo hào hoa và giọng hát “tan chảy”. Phụ nữ mê gã và gã cũng rất yêu chiều phụ nữ. Gã yêu đương mê mải, yêu luôn cả con quan tể tướng và bị phán tội chết.

'Luan' ve... dan ba
 

Trước khi chết, gã ngâm câu thơ hào sảng: “Chết vì gái đẹp cam đành chết”, nghĩa là chết vì gái đẹp mới là cái chết chân chính của đàn ông, chứ chết vì ngộ độc thực phẩm, hay bị xe cán… thì thật là tào lao.

Xin trích dẫn hai câu thơ hay của thi sĩ Bùi Giáng - người cả đời khốn khổ vì quyền lực của một nhan sắc phụ nữ:

“Bàn chân bước nghe một lần sóng dậy

Sắc khuynh thành một thủa động binh đao”.

Bàn chân bước thôi mà đất trời nổi sóng. Nhan sắc khiến thiên hạ động can qua. Cổ nhân nói: “Anh hùng không qua ải mỹ nhân”, ý vừa thương xót, vừa mỉa mai giễu cợt. Cơ mà anh hùng không chết vì mỹ nhân thì nên chết vì cái gì? Chết vì lao phổi hay chết chẹt ô tô sẽ vinh quang hơn hay sao?

Hỡi các người đẹp thuộc phái đẹp, các nàng hãy cứ xinh đẹp và sử dụng thật khéo cái quyền lực trời ban. Chả tên đàn ông nào đứng vững được trước quyền lực này đâu. Nếu có nàng xinh đẹp mà thất bại, ấy là vì nàng chưa biết sử dụng quyền lực hoặc sử dụng quá vụng về mà thôi. Ngay cả với các nàng U60, nếu biết sử dụng quyền lực của mình, thì bàn chân bước của các nàng vẫn thừa sức “nghe một lần sóng dậy” trong tim vài gã “đại ca U70” nào đó.

Sự bất công

Trong bộ phim lịch sử dài tập Spartacus của truyền hình Mỹ, có cảnh ông chủ Batiatus - chủ lò huấn luyện đấu sĩ - về nhà, lội xuống bể tắm. Phục vụ trong bể tắm là một bầy nô lệ nữ, tất nhiên toàn ở truồng. Ông chủ cũng cởi truồng và bỗng lên cơn hứng, tóm luôn một nàng nô lệ xinh đẹp, bắt chổng mông cho ông trút xả.

Xong việc, ông vỗ vào mông nàng nô lệ, ra lệnh: “Đi lấy cho ta bình rượu mật”. Đó là thời mà nô lệ là tài sản mà người chủ có quyền mua bán, sử dụng tùy ý.

Ngày nay, về hình thức thì không còn chế độ nô lệ nữa. Thế giới bình đẳng, tự do và bác ái. Tuy nhiên, thân phận phụ nữ, đặc biệt phụ nữ Á Đông, có vẻ chưa bao giờ được tự do, bình đẳng. Họ vẫn là nô lệ, bằng cách này hay cách khác, dù họ biết hay không. Nô lệ, ấy là khi con người bị cư xử như đồ vật hoặc tự biến mình thành đồ vật. Chuyện phụ nữ bị lạm dụng, tôi nghĩ có ở khắp nơi.

Tôi hỏi một cô bạn, nếu bạn đang xem phim, tự dưng bị chồng tốc váy lên… thì bạn làm thế nào. Bạn bảo, thì em chiều luôn. Bạn bảo, dù đang xem phim, chồng đòi thì mình phải chiều, vì mình là vợ cơ mà.

Thế hóa ra vợ được định nghĩa là người sinh con, nuôi con, phục vụ nhu cầu sinh lý. Thế thì có hơn gì cái xe máy của chồng.

'Luan' ve... dan ba
 

Có cô nàng bảo được chồng chiều, ngày nghỉ nào cũng đưa nàng đi mua sắm, thậm chí chải đầu, xoa lưng cho... A ha... thế cô đã nhìn thấy hắn lau xe, rửa xe âu yếm thế nào chưa? Thậm chí hắn mua đồ trang điểm cho xe tốn hơn mua đồ cho cô đấy nhé. Cô chỉ gặp may vì người sử dụng biết bảo dưỡng thôi!

Quyền của phụ nữ

Simone de Beauvoir - nữ triết gia hiện sinh, người tình của Jean Paul Satre - được xem là thủ lĩnh về tư tưởng nữ quyền châu Âu, tuyên bố: xưa nay, phụ nữ luôn được định nghĩa bởi đàn ông, nhưng đã đến lúc, phụ nữ phải tự định nghĩa mình.

Người ta đòi phụ nữ phải nữ tính, nhưng nữ tính là cái quái gì vậy? Là một lô những tiêu chí do đàn ông đặt ra. Phụ nữ, đàn ông hay con người nói chung, xuất phát điểm cũng như tờ giấy trắng. Họ sẽ trở thành cái gì là do họ tự vẽ nên. Thường thì phụ nữ tưởng mình tự vẽ chân dung mình, nhưng thật ra, họ luôn vẽ theo cách đàn ông áp đặt. Họ sợ đàn ông không xem họ là phụ nữ.

Vậy, làm thế nào để phụ nữ thật sự tự do? Làm thế nào phụ nữ có thể vẽ nên bản chất của mình, mà không cần phụ thuộc vào ai, đặc biệt là đàn ông? Thì cũng như đàn ông thôi. Phụ nữ cũng là người. Cuộc đời họ cũng là cuộc truy tìm bản ngã và quá trình trở lại với chính mình.

Mỗi người một cách vẽ nên con người họ. Một phụ nữ ngồi bên ly rượu, hút điếu xì gà, là hình ảnh xấu trong mắt đàn ông. Nhưng, kệ đàn ông chứ! Có điều, phụ nữ không nên cố gắng ngồi bên ly rượu, hút điếu xì gà, chỉ để chứng tỏ rằng, ta kệ bọn đàn ông. Hình ảnh đó chỉ có giá trị tự do khi nó đích thực là đòi hỏi của bản ngã, chứ không phải là sự a dua.

Bà Simone de Beauvoir đã tự vẽ bản chất của bà, theo cách bà muốn và cho là phù hợp với bà, chứ không phụ thuộc ai. Bà tự do. Bà có ba người tình và đều đắm đuối như nhau. Ngoài Jean Paul Satre còn có một nhà văn và một mối tình đồng giới cũng rất mãnh liệt.

Bà Simone có câu nói nổi tiếng: “Người ta không sinh ra đã là đàn bà, mà con người biến thành đàn bà”. Cuộc đời bà đã trở thành thứ bà muốn và đặc biệt không bao giờ là thứ phụ của đàn ông. Jean Paul Satre vĩ đại đến thế, muốn cưới bà mà bà cũng chả thèm. Nhưng họ lại yêu nhau đắm đuối đến chết và tình yêu kỳ diệu này lại cũng không ngăn bà yêu người khác, kể cả người đồng giới.

Ngày nay, nhiều phụ nữ biết lựa chọn, tìm ra bản ngã và tự vẽ nên số phận của mình. Họ có thể có gia đình hạnh phúc hoặc họ chỉ cần một mình, hoàn toàn do họ quyết định. Đó là những phụ nữ thành đạt, tự mình làm nên sự nghiệp, tự mình khẳng định mình, định nghĩa mình theo ý muốn của chính mình.

Hôm nay họ là phụ nữ, ngày mai họ là đàn ông, ngày kia họ... ở giữa hai thứ đó, tức là họ trở thành ai, vào lúc nào là do họ muốn, thật đáng khâm phục!

Đàn ông nên làm gì vào ngày 8/3

Quyền lực mềm là câu chuyện không có gì phải bàn nữa. Cộng với triết học “nữ quyền luận” thì ngày nay, phái đẹp không chỉ là phái đẹp mà còn là phái mạnh. Họ là tất cả, đàn ông dần trở thành đám ăn theo. Vậy thì những ngày này, ta - những gã đàn ông khốn khổ - đừng cưỡng lại định mệnh khắc nghiệt trớ trêu đó.

Hãy nghiến răng móc ví, cố uống thêm hai viên Rocket đặng làm đẹp lòng chị em. Hãy chia sẻ với nhau nỗi đau định mệnh, vì ta chả làm gì khác được và đừng ngoác mồm gào “chúc mừng” hay ca ngợi tào lao gì. Phụ nữ vốn đã vậy, ở vị trí như vậy rồi. Gào chi cho thừa.

Thế thôi!

Nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI