Lĩnh vực, hoạt động nào cũng cần người đảng viên dám nghĩ, dám làm

04/02/2020 - 17:33

PNO - Người dân vẫn cần lắm tính tiên phong, dám nghĩ, dám làm của người đảng viên trên mọi mặt trận.

90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chặng đường ấy Đảng đồng hành cùng dân tộc làm nên bao kỳ tích, xây dựng đất nước sánh vai bạn bè thế giới, cho cuộc sống người dân cải thiện, nhiều gia đình thật sự ấm no…

Thế nhưng, người dân vẫn cần lắm tính tiên phong, dám nghĩ, dám làm của người đảng viên trên mọi mặt trận.

Cần lắm những con người có cái tâm cùng sự quả cảm

Những ngày qua, theo dõi tin tức, tâm trạng tôi vô cùng ngổn ngang. Ngổn ngang bởi mối lo đại dịch cúm do nCoV, về thông tin các vụ án lớn, về tình hình đời sống người dân trong tâm bão, về chuyện học hành của các cháu, đi lại làm việc của con cái...

Trong thấp thỏm lo âu ấy, tôi lại thấy mừng bởi đâu đâu cũng thấy những người trẻ làm rất nhiều điều thiện, lành. Nhìn những người lính trẻ giữ chắc tay súng truy tìm Tuấn "khỉ" và đồng bọn, bỏ hết tết nhất tôi cứ muốn rơi nước mắt. Hy sinh, quên mình, đổi lấy sự bình yên cho dân chính là hình ảnh ấy chứ đâu xa!

Đại úy, cán bộ hưu trí Trần Thị Kiều An: Tôi vẫn luôn tin tưởng mình đang được sống trong sự bảo vệ dù giữa vùng tâm bão Corona
Đại úy, cán bộ hưu trí Trần Thị Kiều An: Tôi vẫn luôn tin tưởng mình đang được sống trong sự bảo vệ dù giữa vùng tâm bão corona

Càng thêm mừng vì sự quyết đoán, mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố trước việc tạm dừng các lễ hội; hoãn một tuần cho kế hoạch học tập, đào tạo của các trường; xây dựng bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch.

Khắp 24 quận huyện, các em xuống đường trao tặng khẩu trang, vận động mọi người giữ vệ sinh, tránh tụ tập đông người… Trong tâm bão đó, nhiều bạn trẻ tỏa về các chợ, các chung cư ở quận 6, 7, 10, các khu nhà trọ công nhân ở Bình Chánh, Bình Tân, phát tờ rơi, dán các tấm pa-nô tuyên truyền phòng dịch. Thậm chí các bạn còn lắp kệ để bày chai nước rửa tay, khử khuẩn cho mọi người dùng miễn phí.

Giữa tâm bão, ấy tôi thấy bóng dáng nhiều chiếc áo đoàn, áo hội, hình ảnh các chủ tịch, bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn cùng tham gia hướng dẫn, động viên nhân dân.

Sáng nay 4/2, xem trên báo, thấy thông tin hơn 3.000 cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) toàn TPHCM đang… họp, tôi thót tim. Nhưng nhìn kỹ lại, họ họp trực tuyến bàn chuyện hợp lực chống dịch cúm do virus corona chủng mới gây ra trên người. Qua cuộc họp trực tuyến, hình ảnh bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ ân cần nhắc nhở chăm lo sức khỏe người cao tuổi, rồi thái độ quyết đoán, mạnh mẽ của bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM khi bà đòi hỏi cán bộ của mình dốc toàn lực tuyên truyền và lên phương án bảo vệ sự an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người dân. Tôi như thấy tin tưởng hơn. Tin là mình đang được bảo vệ dù ở giữa vùng tâm bão!

Tự nghĩ Đảng không còn là cái gì đó xa xôi, không hiện hữu mà gần gũi bên mình. Người dân cần gì ở cán bộ? Câu hỏi hôm qua Báo Phụ Nữ nêu, hôm nay, tôi xin phản hồi, chúng tôi cần ở các vị sự quyết đoán, trí tuệ, cái tâm, sự quả cảm.

Trần Thị Kiều An, cán bộ hưu trí nhà máy Z751, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng

Thận trọng nhưng cũng rất cần mạnh dạn hơn trong quy hoạch, đào tạo cán bộ nguồn

Khâu cán bộ, 90 năm qua vẫn là khâu then chốt của Đảng ta. Bác Hồ từ dạy, Đảng được lòng dân hay mất lòng dân cũng vì cán bộ tốt hay xấu mà ra. Tôi nghĩ, qua những vụ việc cán bộ sai phạm trong công tác, vi phạm các quy chuẩn về đạo đức, vi phạm pháp luật trong thời gian qua đủ cảnh tỉnh tất cả chúng ta. Đã đến lúc không thể xem nhẹ công tác cán bộ, ngay từ khâu đào tạo cán bộ nguồn.

xuan dung
Bà Đỗ Xuân Dung – Ban chấp hành Đảng bộ P.5, Q.6: Đã đến lúc không thể xem nhẹ công tác cán bộ, ngay từ khâu đào tạo cán bộ nguồn

Một lần nữa, chúng tôi kiến nghị, quy chuẩn chức danh cán bộ theo quy định 214 của Bộ Chính trị vừa được ban hành hãy áp dụng ngay và luôn. Cấp Trung ương là vậy, các quy chuẩn này cũng phải xây dựng, ban hành cho cấp thành phố, quận huyện, cơ sở và chi bộ khu phố. Thiết nghĩ lúc ấy trước các kỳ đại hội, các anh chị không cần bằn khoăn, bày ra tỷ lệ phải có bao nhiêu phần trăm nữ, bao nhiêu phần trăm dân tộc ít người, bao nhiêu người có đạo…

Khi có quy chuẩn rõ ràng, minh bạch, ai, giới tính, thành phần nào nều có đủ tài, đức, nhận được sự tín nhiệm cao nhất của nhân dân sẽ được vào vị trí, chức danh đó.

Tôi nghĩ, nếu nghiêm túc, rõ ràng như vậy từ đó, chắc chắc sẽ không còn cảnh cơ quan này, đoàn thể kia, tổ chức chính quyền nọ khi xảy ra việc mới nhận ra mình đã đề đạt, bố trí sai người, sai việc.   

Công tác cán bộ rất quan trọng. Vì tầm quan trọng này nên chúng ta phải luôn thận trọng. Thận trọng từ khâu quy hoạch, đào tạo cán bộ nguồn. Thế nhưng, lựa chọn nhân tài, có tâm, có uy tín với dân cũng cần sự mạnh dạn của tổ chức Đảng từ cơ sở. Thiết nghĩ Đảng phải làm sao đừng để người đủ tâm, tài đức mỏi mòn phấn đấu, cống hiến nhưng không được nhìn nhận và sử dụng đúng nơi, đúng chỗ.

Đỗ Xuân DungĐảng ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ P.5, Q.6, TPHCM   

Nếu có “tính Đảng” họ đã ra quyết định về bảo vệ Quyền trẻ em nhanh và hiệu quả hơn

Chỉ từ đầu tháng 1/2019 đến nay, Hội bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM đã tiếp nhận lời kêu cứu đến 4 vụ việc liên quan đến việc xâm hại Quyền trẻ em.

Đây là những vụ kêu cứu của các bậc cha mẹ, người thân các bé về sự chậm trễ, thậm chí là tắc trách, sai lầm của cơ quan chức năng. Có đơn vị vi phạm tố tụng, đơn cử như vụ Thi hành án dân sự Q.5 đã không can thiệp cách ly bé gái con ông Nguyễn Trần Việt (Q.9, đã ly hôn) nghi bị bạn trai của mẹ xâm hại.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (bên phải) đang trợ giúp pháp lý cho mẹ của cháu bé N.T.B, nạn nhân 14 tuổi của vụ xâm hại trẻ em bị trưng cầu giám định xương cho kết quả thành 17 tuổi  6 tháng!
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (bên phải) đang trợ giúp pháp lý cho mẹ của cháu bé N.T.B, nạn nhân 14 tuổi của vụ xâm hại trẻ em bị trưng cầu giám định xương cho kết quả thành 17 tuổi 6 tháng!

Sau gần 20 ngày, Chi hội luật sư chúng tôi cùng các lãnh đạo ở Hội Bảo vệ Quyền trẻ em thành phố và Sở LĐ-TB&XH, kiên trì gõ cửa, gửi công văn khắp nơi, từ Tòa án, Thi hành án Q.5 đến thành phố để can thiệp. Thì Tòa án nhân dân Q.5  mới ban hành quyết định buộc vợ cũ của ông Việt phải giao con là bé gái tên Q (sinh tháng 12/2011) cho ông nhằm đảm bảo an toàn cho bé. Ông Việt được quyền tạm thời chăm sóc, nuôi dưỡng con từ ngày ban hành quyết định này cho đến khi có quyết định hoặc bản án hiệu lực của tòa. Căn cứ quyết định của tòa, ngày 21/1, Chi cục Thi hành án dân sự Q.5 đã ban hành quyết định thi hành án chủ động, buộc mẹ của bé Q. phải giao bé cho ông Việt và ban hành quyết định giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Việt mà cơ quan này đã ban hành ngày 13/1.

Tuy nhiên, dù muộn, cơ quan Thi hành án dân sự Q.5 cũng lập tức sửa sai, khắc phục sai lầm của chính mình. Thế nhưng, có vụ việc, chúng tôi mòn mỏi đợi chờ câu trả lời của cơ quan chức năng nhưng không thấy phản hồi, điển hình là vụ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh buộc giám định tuổi đứa bé là nạn nhân của vụ án xâm hại tình dục mà cơ quan này thụ lý dù bé đã có đủ giấy tờ tùy thân, trong đó có cả giấy khai sinh. Vụ án kéo dài hơn 3 tháng mà lẽ ra phải khởi tố hình sự với nghi can ngay từ khi có kết quả giám định về tổn thương của trẻ và xác định được DNA nghi phạm trong cơ thể nạn nhân thì cơ quan điều tra lại đi giám định xương của bị hại chứng minh nạn nhân đã quá tuổi 16! Không cần nói ra, ai cũng biết kết quả giám định này sẽ giúp nghi can "thoát" tội giao cấu với trẻ em! 

Trước đó nữa, Hội đã phải miệt mài cùng gia đình cháu V.Q.K (10 tuổi ngụ tại chung cư The Flemington, P.15, Q.11, TPHCM), nạn nhân trong vụ bị bố và mẹ kế bạo hành đi kiện hành chính Chủ tịch UBND P.15, Q.11. Bởi vị lãnh đạo này đã không ra quyết định cách ly cháu bé đến nơi an toàn theo luật định…

Trước những vụ việc này tôi được người nhà nạn nhân níu áo cầu cứu. Câu hỏi họ gửi đến tôi luôn là vì sao con, em họ vốn là nạn nhân các vụ xâm hại, nghi bị xâm hại trẻ em mà lại bị đối xử như vậy? Rằng những người “chấp pháp”, nắm công cụ pháp lý trong tay lại có thể cứ chần chừ, thậm chí ra quyết định sai lầm trong những vụ việc liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em?

Đôi lúc người dân, gia đình nạn nhân không biết cụ thể tên, chức danh công an, hay đại diện chính quyền, họ chỉ biết người đó là người đang nắm trong tay quyền lực, là người đang được họ gửi gắm niềm tin khi kêu cứu, tố cáo làm sáng tỏ vụ việc, xoa dịu nỗi đau, trả lại công bằng cho đứa trẻ.

Riêng tôi thì tôi biết rõ, để ở vị trí một cán bộ điều tra hình sự cấp quận, huyện, cán bộ tư pháp, trẻ em, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã phường trở lên, họ đều phải đạt các tiêu chuẩn về chức danh cán bộ (trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, có kiến thức pháp luật…) và đa phần họ còn là đảng viên. Thế nhưng tôi không tìm ra “tính Đảng” ở những người có trách nhiệm trong các vụ việc bảo vệ trẻ em này.

"Tính Đảng" - đó không gì hơn là sự công bằng, trung thực khi thực thi pháp luật, là cái tâm trong sáng, là lòng yêu thương con trẻ. Có khó rèn giũa cho mình lắm đâu?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ Quyền trẻ em

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI