Liên hoan phim châu Âu: Xa xa khỏi Hollywood

29/05/2013 - 08:25

PNO - PNO - 16 bộ phim ở LHP châu Âu vừa kết thúc một vòng sứ mệnh đưa người xem đến với châu Âu từng có một quá khứ vàng son và hiện tại đầy ray rứt. Nơi đó, xa với thực tế ồn ào và tương lai viễn tưởng u tối của Hollywood.

Lien hoan phim chau Au: Xa xa khoi HollywoodTháng năm, khi Hollywood bắt đầu cuộc đổ bộ phim hè với tràn ngập bom tấn và phần tiếp theo, đôi khi người ta muốn đi khỏi rạp chiếu xô bồ, chen chúc giữa hàng fan xếp hàng chờ xem Người Sắt, Star Trek... để tìm một phong vị khác biệt. 16 bộ phim châu Âu được giới thiệu trong liên hoan thuộc khuôn khổ Những ngày châu Âu kéo dài đến hết tháng năm không những đem lại sự khác biệt mà còn gây ấn tượng đặc sắc thực thụ.

Bộ phim được chờ đợi nhất liên hoan là Đồi gió hú (ảnh) - chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển Anh, do Anh quốc sản xuất. Không phải giải thưởng quay phim tại Venice, không phải những đề cử bộ phim nhận được ở những LHP như Sudance, Toronto, không phải vì đó là phim của đạo diễn nữ từng giành Oscar phim ngắn Andrea Arnold... khiến Đồi gió hú trở nên đáng xem.

Không ít khán giả đã quen với cái kiểu người Mỹ dát vàng lấp lánh lên những tác phẩm văn học, lấy kỹ xảo và bối cảnh hoành tráng bù đắp cho độ sâu trong cách truyền tải từ chữ lên hình. Ở Đồi gió hú phiên bản "chính quốc", chất dữ dội và lạnh lẽo phong cách sương mù gần với nguyên bản tiểu thuyết nhất. Diễn viên không phải các ngôi sao Mỹ quen mặt cũng giúp người xem tránh được cảm giác xem minh tinh đang diễn mà tiếp cận gần nhân vật hơn.

Hào quang dĩ vãng của nghệ thuật châu Âu được tái hiện qua hai bộ phim Những chiến binh Đa-xiThăm lại thời trong mộng. Cùng thời với những tác phẩm dã sử Spartacus, Cleopatra, Những chiến binh Đa-xi không tô vẽ thêm sự rực rỡ của đế chế La Mã như Hollywood thường làm. Đạo diễn Romania Sergiu Nicolaescu kể chuyện về sự anh dũng của người Dacian chống lại sự xâm lăng của La Mã, câu chuyện được kể từ thập niên 60 thế kỷ trước nhưng vẫn đầy thời sự nếu liên tưởng đến điện ảnh hiện đại: châu Âu đang níu giữ bản sắc phim ảnh của mình để cạnh tranh với cuộc phủ sóng toàn cầu của Hollywood.

Thăm lại thời trong mộng, bộ phim với "hình ảnh trong mơ" về đất nước Ireland, kết hợp lời thơ của huyền thoại Moriarty và những bản nhạc của O Riada đưa khán giả du hành đến một cõi êm đềm. Phong cách âm nhạc và hình ảnh đầy sức gợi cũng có thể gặp ở một phim tài liệu tưởng chừng khô khan bởi đề tài chính trị - Palme, vẽ lại chân dung vị Thủ tướng Thuỵ Điển Olof Palme xuất thân thượng lưu nhưng luôn đứng về phía tầng lớp bình dân với khát khao mãnh liệt về một xã hội công bằng.

Hai tác phẩm hoạt hình - Bức hoạ (Pháp) và Fimfarum (CH Séc) cô đặc nét lãng mạn và hóm hỉnh ý nhị phương Tây, cùng nét vẽ cách điệu có tính biểu tượng - có thể không bắt mắt và náo nhiệt như phim hoạt hình giải trí của Mỹ song đầy tinh tế.

Đề tài đương đại và các bộ phim đậm chất nghệ thuật vẫn luôn là thế mạnh của phim châu Âu. Chúng ta sẽ thấy một châu Âu hiện đại với những vấn đề nhức nhối. Đó là phụ nữ và nạn thất nghiệp, ở một thị trấn nhỏ Thuỵ Điển nơi mơ ước xã hội công bằng của Palme chưa thể thành hiện thực cho những công dân như Rasa (Ăn, ngủ, chết). Là hai thái cực giữa ánh sáng, tham vọng, thành công được đánh bóng bởi truyền thông và những con người khuyết tật thể xác, tâm hồn (Cậu bé anh đào - Slovakia). Là tình cảm lành lặn của Vincent và bạn bè anh, những người tâm thần, trong cuộc hành trình rải cốt tro người mẹ xuống biển (Vincent muốn ra biển - phim Đức hay nhất 2010). Là các thành viên của một gia đình phải tự nhìn nhận lại mình và gắn kết với nhau sau mất mát, đổ vỡ (Chiếc xe đạp của bố tôi - Ba Lan)...

Diễn tả tâm lý sâu sắc, nhìn nhận hiện thực không tô vẽ mà vẫn giàu chất thơ, phóng khoáng trong thử nghiệm, làm phim mang đậm cá tính riêng của đạo diễn và dân tộc, mỗi bộ phim là mỗi mảnh ghép để hình dung về châu Âu xa xôi nhưng không xa lạ khi đụng chạm đến các chủ đề nhân văn.

ÁI NGUYÊN
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI