Lì xì - vui hay nợ?

04/01/2023 - 06:03

PNO - Tình thân cứ thế nối dài. Chúng tôi lì xì qua lại là để nhắc với nhau tình máu mủ ruột rà, nối sợi dây yêu thương thêm bền chặt.

 

Người lớn phải dạy trẻ biết trân trọng khi nhận lì xì (Ảnh minh họa)
Người lớn phải dạy trẻ biết trân trọng khi nhận lì xì (Ảnh minh họa)

Chuyện lì xì ngày tết làm nóng mạng xã hội sau "phát pháo" của đạo diễn Lê Hoàng. Ông cho rằng làm lì xì nặng gánh cho nhiều người, nhất là những công nhân nghèo. Khoản tiền lì xì chiếm một khoản không nhỏ trong chi phí ngày tết khiến nhiều người không dám về quê.

Ý kiến của đạo diễn Lê Hoàng làm nổ ra những ý kiến trái chiều. Người ủng hộ cũng nhiều, người phản đối cũng không ít. 

Phe phản đối cho rằng muốn bỏ tục lì xì phải bắt đầu từ nhận thức. Phong tục lì xì có nhiều hạn chế và ngày càng biến tướng. Để trẻ con tiếm xúc sớm với tiền sẽ làm hỏng trẻ. Người lớn thì lạm dụng lì xì để đánh giá cách cư xử của nhau, hoặc lạm dụng với mục đích khác…

Nhiều người dạy con không nhận tiền lì xì của bất cứ ai. Họ sợ con cái tiếp xúc với tiền khi chưa đủ hiểu biết sẽ làm trẻ có ý nghĩ thực dụng hoặc tiêu xài hoang phí. Con cái nhận lì xì thì cha mẹ mắc nợ, phải tìm cách trả bằng bao lì xì lớn hơn. Cũng có nhiều người ngại người khác lì xì con mình để trả ơn hoặc nhờ vả… Lì xì trẻ bây giờ có cả đồng USD, Euro, tiền Việt thì cả xấp dày… Biến tướng của tục lì xì làm mất đi ý nghĩa chúc phúc vốn có.

Phe ủng hộ duy trì tục lì xì thì cho rằng lì xì ngày tết là để chúc phúc, mang niềm vui đến cho trẻ. Lì xì có tính tượng trưng, miễn đứa trẻ vui là được. Trẻ nhỏ thì lì xì ít. Trẻ lớn hơn thì lì xì nhiều hơn để trẻ bỏ ống heo hoặc mua đồ dùng học tập…

Nhiệm vụ của người lớn là phải dạy trẻ nhận lì xì bằng thái độ trân trọng, biết ơn, không xem trọng tiền nhiều hay ít. Việc trẻ mở ngay phong bì và tỏ ra thích thú khi nhiều tiền, hoặc chê ít… là tại người lớn giáo huấn không nghiêm.

Hồi tôi còn nhỏ, tết năm nào mấy chị em tôi cũng trông cô Út về chơi. Cô Út lấy chồng giàu, tết năm nào cô cũng lì xì cho đám cháu. Những năm 1980, cuộc sống còn khó khăn, chị em tôi rất sung sướng khi được cô lì xì, dù số tiền không nhiều. Tôi cảm nhận ở cô tình yêu thương thân thiết.

Sau này cô Út già, gia cảnh cô không còn dư dả như trước. Nhớ tình thương của cô, chị em tôi hay lì xì cô. Cô rất vui, hay khoe với lối xóm cô được con cháu yêu thương.

Rồi cô mất. Các con cô học theo nếp cũ, lì xì lại các con của chị em tôi. Tình thân cứ thế nối dài. Chúng tôi lì xì qua lại là để nhắc với nhau tình máu mủ ruột rà, nối sợi dây yêu thương thêm bền chặt. Món nợ ân tình khiến tình thân của chúng tôi thêm gắn bó.

Cả nhà thím tôi quây quần chúc tết và lì xì (Ảnh gia đình)
Cả nhà thím tôi quây quần chúc tết và lì xì (Ảnh gia đình cung cấp)

Nhà thím tôi có lệ rất hay. Ngày Mùng 2 tết, cả nhà tụ họp về nhà. Mọi người đều mặc áo đẹp rồi chúc tết, lì xì cho thím và lì xì lẫn nhau. Cùng chụp hình để lưu lại kỷ niệm. Thím tôi giờ nhớ nhớ quên quên, nhưng ngày tết thấy con cháu sum vầy, được chúc tết và lì xì, thím cười rất mãn nguyện.

Không chỉ trẻ nhỏ, người già cũng vui khi nhận lì xì. Họ thấy ấm áp và hạnh phúc với tình thương của con cháu, dù những phong bì đó chẳng mấy khi họ dùng tới.

Dân mạng hay nói vui: “Chứng nhận trở thành người lớn là không còn nhận lì xì, mà phải lì xì lại người khác”. Các cháu tôi khi bắt đầu có lương, hãnh diện cầm bao lì xì chúc tết cả nhà, như một cách chứng minh bản thân đã trưởng thành.

Tôi gọi đó là những phong bì đỏ vui vẻ, không quan tâm số tiền ít hay nhiều. Các con cháu tôi cũng vui và hãnh diện khi tíu tít đổi tiền mới, chuẩn bị phong bì cho ngày tết.

Giữ tục lì xì hay không do quan điểm của mỗi người, mỗi nhà. Đừng quá đặt nặng tiền nhiều hay ít, hơn hay kém. Vốn dĩ lì xì là để vui, không phải để đánh giá...

Thùy Gương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI