Lập lờ tên gọi sản phẩm “thiên nhiên”

22/04/2014 - 07:45

PNO - PN - Nhiều người tiêu dùng “chết mê chết mệt” với các loại thực phẩm, nước giải khát, mỹ phẩm có tên gọi tạo cảm giác tốt cho sức khỏe, sắc đẹp. Thực tế, có nhà sản xuất đã lạm dụng một thành phần trong sản phẩm,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Kiểm tra nửa vời

Loại mì khoai tây Omachi được nhiều khách hàng chọn lựa và yêu thích vì theo quảng cáo thì “ăn mì khoai tây không lo bị nóng”. Thế nhưng khi đọc kỹ thành phần mới thấy, tỷ lệ tinh chất từ bột khoai tây chỉ chiếm một phần cực nhỏ: 20g/kg. Theo đó, trọng lượng gói mì là 87g thì tỷ lệ tinh chất khoai tây trong đó chỉ chưa đến 2g, chiếm tỷ lệ chưa đến 2% trọng lượng gói mì. Hoặc một sản phẩm (SP) khác như tương ớt Chinsu có ghi nổi bật trên mặt chính của bao bì là “ớt tươi tỏi tươi 100%”. Tuy nhiên, thành phần ớt lại chỉ có 85g/kg, tỏi: 35g/kg; trọng lượng của chai tương 250g nên cả ớt và tỏi cộng lại cũng chỉ 30g, tương đương 12%. Vậy nhưng nhà sản xuất vẫn đặt tên cho sản phẩm là tương ớt “ớt tươi tỏi tươi 100%”(!?)

“Nguyên chất” hay “100% thiên nhiên” là những cụm từ thường được lạm dụng trong các SP nước ép trái cây; hoặc nhà sản xuất chỉ ghi chung là sinh tố - nước ép cam/táo/xoài/cà rốt… Thoạt nhìn, không ít người tiêu dùng (NTD) nghĩ rằng đó là SP sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên. Tuy nhiên, khi xem nội dung thành phần mới "tá hỏa" phần nguyên liệu thiên nhiên mà nhà sản xuất dùng để đặt tên, thực chất chỉ chiếm khoảng 15-20%, thậm chí chưa tới 10%. Kèm theo đó là hàng loạt chất khác như đường, nước, màu thực phẩm, hương liệu thực phẩm, chất tạo vị, hóa chất bảo quản… Nước cam ép DeeDo chỉ có 10% là nước cam; 6% đường, 6% fructose, 0,15% acid citric, số còn lại không rõ là gì. Tương tự là nước trái cây Foodstar đủ loại cam, dứa, nho, vải… cũng chỉ có 10% nước cốt.

Lap lo ten goi san pham “thien nhien”

Chữ ghi thành phần trên gói mì rất nhỏ nên khách hàng không để ý bột khoai tây chỉ có 20g/kg - Ảnh: P.Huy

Thậm chí có những SP chỉ liệt kê chứ không ghi cụ thể định lượng bao nhiêu, chẳng hạn trong nước cam - cà rốt ép Mr. Drink, ngoài nước cốt cam, cà rốt thì có đến gần mười hóa chất tổng hợp khác như: acid citric, sodium citrate, kali sorbet, chất nhũ hóa, hương cam…

Ở mặt hàng mỹ phẩm, hồng sâm, tổ yến, nha đam, mủ trôm... được nhiều nhà sản xuất đặt tên cho các loại kem dưỡng da. Trên các vỏ hộp kem, tên và hình ảnh của chúng được sử dụng triệt để và nổi bật. Tại một quầy mỹ phẩm trong chợ Vườn Chuối (Q.3, TP.HCM), người bán hàng đưa ra loại kem trắng da Sâm - Tổ yến Bala kèm theo lời giới thiệu: “Em biết sâm với tổ yến tốt như thế nào rồi đó. Xài kem này bảo đảm da em sẽ chỉ có đẹp thôi”. Tương tự, tại chợ Tân Định (Q.1), chúng tôi cũng được giới thiệu loại kem trị mụn huyết yến và hồng sâm Kittdy, kem tổ yến HP care... có hiệu quả sau bảy ngày sử dụng… Được giới thiệu là kem “thảo dược thiên nhiên”, thế nhưng thành phần của các loại kem này có đến hàng chục hóa chất tổng hợp. Hồng sâm, huyết yến vốn rất đắt tiền nhưng mỗi hũ kem chỉ trên dưới 100.000đ. TS Lê Ngọc Diệp, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: Theo y văn thế giới, tổ yến hay hồng sâm đều chưa thấy có tác dụng khi thoa ngoài da mà chỉ tốt khi bổ sung bằng đường ăn uống.

TS Huỳnh Khánh Duy, Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa-ĐHQG TP.HCM, phân tích: được gọi là nguyên chất nghĩa là không lẫn tạp chất nào. Một SP dù có thành phần là các nguyên liệu từ thiên nhiên nhưng nếu đã pha thêm các phụ gia có nguồn gốc nhân tạo thì không thể gọi là nguyên chất hay 100% thiên nhiên. Trường hợp này chỉ có thể nói rằng SP có sử dụng một số nguyên liệu thiên nhiên hay có nguồn gốc thiên nhiên.

Đáng nói khi trải qua khâu kiểm tra chất lượng, các SP cũng chỉ được các đơn vị chức năng đo lường về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, về hàm lượng các tạp chất. Việc phân tích xem trong SP chứa cụ thể bao nhiêu phần trăm nguyên vật liệu thiên nhiên, bao nhiêu phần trăm nguyên vật liệu tổng hợp không được thực hiện vì không nằm trong quy định bắt buộc.

Có quy định vẫn làm sai

Điều 13 Nghị định 89/2006/NĐ-CP, quy định: “Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tự đặt. Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất và công dụng của hàng hóa. Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng”.

Khoản 2, điều 18, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định các thực phẩm bao gói sẵn phải ghi nhãn theo quy định của pháp luật về ghi nhãn thực phẩm. Đồng thời, thông tin trên nhãn phải đúng bản chất SP, trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm cho người sử dụng. Đặc biệt, khi lấy thành phần nào đó trong SP làm tên SP thì phải ghi rõ hàm lượng thành phần đó bên cạnh tên SP.

Như vậy, có thể thấy rằng, các quy định về ghi nhãn hàng hóa đã rõ, nhưng thực tế các quy định này đã không được áp dụng đúng. BS Trần Văn Ký - Phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN cho biết, về nguyên tắc khi đăng ký hồ sơ công bố SP, đơn vị sản xuất, nhập khẩu phải tuân thủ đúng các quy định thì hồ sơ mới được duyệt. Nhưng từ được duyệt đến thực hiện đúng khi ra SP hay không lại là vấn đề khác. “Tại sao nhãn SP không tuân thủ đúng quy định mà vẫn được lưu thông, bày bán? Cơ quan kiểm duyệt, các lực lượng thanh tra độc lập phải tuân thủ quy định và kiểm soát, xử lý tới nơi thì mới hạn chế được sai phạm”, BS Ký nói.

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM), cho biết, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp vi phạm nhãn hàng hóa với các sai phạm: nhãn ghi không đúng nội dung bắt buộc; nhãn có nội dung lập lờ gây hiểu lầm cho NTD… “Bên cạnh sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng thì NTD phải am hiểu, đọc kỹ thông tin trên nhãn SP và có quyền lựa chọn hay tẩy chay những SP có nội dung lập lờ", BS Mai khuyến nghị.

Phải chăng các cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm? Bởi, thực tế, tình trạng đặt tên hàng hóa gây hiểu nhầm cho NTD không hiếm, rất dễ nhìn thấy.

 Hà-Cẩm-Hảo 

Tại Mỹ, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) quy định cụ thể đối với mỹ phẩm, phải ghi trên nhãn chất lượng sản phẩm, độ tinh khiết và an toàn, các thành phần được cho phép.

Với thực phẩm, FDA yêu cầu tất cả các nhà sản xuất liệt kê thành phần trên nhãn theo khối lượng từ cao đến thấp.

Những chất gây dị ứng phải được rõ ràng trong danh sách thành phần trên nhãn hiệu.

An Khê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI