Lãnh đạo HueWACO nói gì về vụ dân kêu trả tiền nước sạch phải dùng nước bẩn?

03/08/2021 - 07:30

PNO - Dù sự việc đã xảy ra 1 tuần trước nhưng đến ngày 2/8 người dân 4 xã khu vực Chân Mây – Lăng Cô vẫn tiếp tục phản ánh về việc gia đình họ đang phải sử dụng nước sinh hoạt đục ngầu.

Dân “kêu” nước vẫn còn bẩn

Sau khi xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) dỡ bỏ phong tỏa, cách ly vào ngày 28/7 theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, người dân cho biết vẫn tiếp tục phải sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh, dù sự việc này đã được bà con phản ánh một tuần trước.

Chị N.T.Q. quê ở Thủy Yên thôn xã Lộc Thủy cho biết: “Suốt mấy hôm nay, nhiều bà con trong xã Lộc Thủy phải lấy đi chở nước suối về dùng. Đến hôm nay 2/8 nước đầu vòi vẫn còn xuất hiện đục ngầu, tôi yêu cầu lãnh đạo công ty phải giải thích rõ ràng cũng như tính toán để bồi thường cho khách hàng”.

Nhiều hộ dân phản ánh dến chiều 2/8 nhiều hộ dân ở Thủy Yên thôn, xã Lộc Thủy nước vẫn còn bẩn
Nhiều hộ dân phản ánh đến chiều 2/8 nhiều hộ dân ở Thủy Yên thôn, xã Lộc Thủy nước vẫn còn bẩn

Tương tự, trường hợp chị N.T.Q, anh Nguyễn Hữu C. ở thôn Phú Cường cũng phản ánh tình trạng nước đục vẫn diễn ra nhiều ngày nay nhưng phía công ty vẫn chưa xử lý sự cố. Điều mà hàng nghìn khách hàng ở 4 xã vùng Chân Mây – Lăng Cô đang thắc mắc đó chính là dựa vào tiêu chí nào mà suốt gần 3 năm qua Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWACO) lấy nước ở sông Thừa Lưu để hòa vào nguồn nước lấy từ Bò Ghè để cung cấp cho người dân ở đây?

Nhiều ngày người dân liên tiếp việc sử dụng nước đục ngầu
Nhiều ngày người dân liên tiếp việc sử dụng nước đục ngầu

“Lẽ ra chúng tôi là khách hàng sử dụng nước, khi sử dụng nguồn nước bổ sung từ sông Thừa Lưu vào nguồn nước hiện có của Nhà máy Chân Mây, bà con phải được thông báo rõ ràng. Phải có sự đồng thuận của dân, công khai các chỉ số đảm bảo an toàn vệ sinh rõ ràng để dân biết. Chúng tôi trả tiền mua nước sạch sao lại dùng nước bẩn”, một người dân nói.

Bao giờ nước mới sạch trở lại?

Để làm rõ hơn những phản ánh của người dân 4 xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và Thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) cũng như rộng đường dư luận, ngày 1/8, PV Báo Phụ Nữ TPHCM đã có buổi làm việc ông Trương Công Hân - Tổng giám đốc HueWACO.

Ông Hân cho biết, hiện nay HueWACO cung cấp nước cho 8.500 hộ dân ở 4 xã thị trấn vực Chân Mây, Lăng Cô. Nguyên nhân nước bị bẩn do ảnh hưởng sự cố từ bể lọc nước số 2 trong 5 bể lọc xuyên qua khu vực cấp nước của người dân. Phía công ty đã có đội phản ứng nhanh đến xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là trong những khu vực đang còn cách ly, giãn cách xã hội của xã Lộc Thủy.

Trong ngày 28/7, HueWACO đã có văn bản gửi Sở Y tế. Ngày 29/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cử cán bộ phối hợp cùng công ty đến kiểm tra nguồn nước tại nhà máy nước Chân Mây và lấy mẫu xét nghiệm nước ở khu vực nhà máy. Tuy nhiên, phải mất hơn 10 ngày mới có kết quả để công bố cho người dân biết.

Trong ngày 2/8 nhiều bà con ở xã Lộc Tiến phải đi mua nước  về dùng
Trong ngày 2/8 nhiều bà con ở xã Lộc Tiến phải đi mua nước về dùng

Theo giải thích của HueWACO, nguyên nhân do ảnh hưởng sự cố từ bể lọc nước số 2 trong 5 bể lọc xuyên qua khu vực cấp nước của người dân ở Nhà máy nước Chân Mây. Vì nhu cầu hiện nay cao không đáp ứng đủ nguồn nước lấy về từ khu vực Bò Ghè, Suối Voi suy giảm nên công ty phải lấy 70% nước từ suối và 30% từ sông Thừa Lưu bơm lên hòa vào nước sạch của nhà máy để cung cấp cho người dân. Trước đó HueWACO đã có trao đổi và được sự đồng ý của chính quyền xã, huyện.

Người dân Lộc Thủy cho biết nhiều nơi  trong ngày 2/8 khi lấy nước từ đầu vòi vẫn còn đen đặc
Người dân Lộc Thủy cho biết nhiều nơi trong ngày 2/8 khi lấy nước từ đầu vòi vẫn còn đen, đóng cặn.

Công ty muốn lấy nguồn nước Khe Thầy, thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến nhưng khi họp dân tại khu vực Khe Thầy bà con phản đối với lý do nguồn nước đó phục vụ các hoạt động tưới tiêu, du lịch, và để họ dùng phục vụ tưới cây cũng như sử dụng sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay, công ty đang xin nguồn nước từ Suối Mơ, và lấy nguồn nước từ hồ Thủy Yên để cung cấp nước khẩn cấp cho người dân.

“Hiện tại công ty đang tính toán giảm tiền từ 3 đến 5m3 nước cho người dân bị ảnh hưởng”, ông Hân cho hay.

Bà con trũ nước sách lấy từ khe suối
Bà con trữ nước sạch lấy từ khe suối

Giải thích việc vì sao công ty HueWACO cung cấp nước sông Thừa Lưu gần 3 năm nay khi chưa có sự đồng ý thỏa thuận của người dân, trong lúc đó trước đây theo hợp đồng HueWACO cung cấp nước lấy từ khu vực khe suối Bò Ghe, ông Hân lý giải: “Nếu không lấy nước sông Thừa Lưu trong mùa khô kiệt thì buộc phải cắt nước luân phiên. Hàng năm, ngoài các văn bản gửi về xã chúng tôi đều yêu cầu niêm yết công khai văn bản của HueWACO lấy nước bổ sung từ nguồn sông Thừa Lưu tại bảng thông tin đặt trụ sở ủy ban các xã để dân biết”.

Tuy nhiên, người dân khẳng định không hề biết thông tin này.

Trước câu hỏi của PV Báo Phụ Nữ TPHCM, sau sự cố này phía công ty HueWACO có tạm thời dừng cung cấp nước để đánh giá độ an toàn hay không, ông Mai Xuân Tấn - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước Công ty HueWACO trả lời: “Bây giờ để làm đầy đủ 99 chỉ tiêu nước sạch theo quy định của Bộ Y tế thì không đủ thời gian, kinh phí để làm”, ông Tấn thông tin.

Clip: Người dân Thủy Yên thôn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc phản ảnh nước vẫn còn bẩn.

Liên quan đến vụ việc trên, PV báo Phụ Nữ TPHCM đã liên hệ với luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc Công ty Luật Công Khánh, TP. Huế, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế để trao đổi rõ hơn ở khía cạnh pháp lý.

Phóng viên: Phía HueWACO nêu lý do thiếu nước do tác động của biến đổi khí hậu rồi không sử dụng nguồn nước từ Khe Bàu Ghè và Khe Mệ (núi cao của xã Lộc Tiến) mà hút nước sông Thừa Lưu, cung cấp cho người dân trong một thời gian dài khi chưa được sự thoả thuận, đồng ý của người dân. Theo luật sư, như vậy có đảm bảo tính pháp lý lẫn nhân đạo?

Luật sư Võ Công Hạnh: Trước sự việc người dân 4 xã Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang dùng nguồn nước sinh hoạt do Nhà máy nước Chân Mây thuộc HueWACO cung cấp theo hợp đồng cung cấp nước sạch, trong những ngày gần đây người dân phải dùng nước bẩn, nước chuyển màu như nhớt gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân. Cụ thể đối với vụ việc này người dân có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật, bởi những lý do sau:

- Thứ nhất, căn cứ điểm c Khoản 7 Điều 5 Thông tư 41/2018/TT-BYT có quy định “đơn vị cấp nước có trách nhiệm lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch”, trong đó phải “công khai thông tin về chất lượng nước sạch”. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự việc người dân phát hiện nước bẩn thì phía công ty thừa nhận Nhà máy nước Chân Mây thuộc HueWaco đã lấy nước sông Thừa Lưu rồi xử lý, cung ứng cho khách hàng nhưng đã được “kiểm nghiệm” và “đạt Quy chuẩn Việt Nam”. Việc công ty không thông báo cho người dân về việc sử dụng nguồn nước không đúng với chu trình xử lý và sản xuất nước tại nhà máy mà công ty đã thông tin trước đó gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cũng như sức khỏe của người dân.

- Thứ hai, việc công ty cố tình sử dụng nguồn nước tại sông Thừa Lưu không đảm bảo chất lượng nguồn nước, gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân thì “phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp” quy định tại điểm b Khoản 7 Điều 5 Thông tư 41/2018/TT-BYT.

- Thứ ba, căn cứ khoản 1 Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 có quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật”.

Trong vụ việc trên, nguồn nước mà công ty cung cấp gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, vì vậy công ty phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Khoản 3 Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, cụ thể là bồi thường theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 do công ty đã không thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp nước sạch cho người dân.

Như vậy, hành vi của HueWACO gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, vì vậy người dân có thể khởi hiện ra Tòa án theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Dân sự năm 2015. Căn cứ quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 về quyền khởi kiện và Hợp đồng dịch vụ cấp nước mà các Bên đã ký kết, người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết khi thấy quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Thuận Hóa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI