Làng buôn trâu bò xuyên quốc gia

13/02/2021 - 10:11

PNO - Chẳng biết nghề có từ lúc nào, người dân xã Đại Sơn (Nghệ An) cứ thế “cha truyền con nối” kéo nhau sang Lào, Thái Lan, Campuchia... săn trâu bò về bán sang Trung Quốc. Cái nghề chẳng học qua sách vở ấy lại cho họ doanh thu từ vài chục đến vài trăm triệu cả tháng.

Xuất ngoại săn trâu bò

Xế chiều, những chiếc xe tải chở trâu bò nối đuôi nhau về xã Đại Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An). Nhóm thanh niên lùa 40 con trâu từ thùng xe xuống đường rồi tiếp tục lùa về tập kết ở một khu chuồng trại nơi cuối làng.

Số trâu bò này chủ yếu được mua từ Lào, Thái Lan rồi về tập kết tại khu vực chợ Ú (xã Đại Sơn) trước khi bán cho các thương lái Trung Quốc hoặc chuyển đi các tỉnh thành trong nước. Vào những ngày trước Tết Nguyên đán, cảnh mua bán trâu bò ở địa phương này thường trở nên nhộn nhịp, khẩn trương hơn bao giờ hết.

Công nhân cho đàn bò ăn cám trước khi đưa lên xe xuất sang Trung Quốc
Công nhân cho đàn bò ăn cám trước khi đưa lên xe xuất sang Trung Quốc

Sau cuộc điện thoại chốt đơn hàng 90 con trâu và 100 con bò, ông Hoàng Văn Bình (51 tuổi) cho biết, cận tết, việc mua bán trâu bò nơi đây không còn trông chờ vào những phiên chợ như trước mà diễn ra hàng ngày, hàng giờ miễn mình có hàng. Để đủ hàng đáp ứng nhu cầu, các “vệ tinh” mua bán được đặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Khi nguồn trâu bò trong nước không đủ, nhiều người lại khăn gói qua Lào, Thái Lan, Campuchia “săn” hàng.

“Nguồn trâu bò bên đó nhiều, việc mua bán cũng dễ. Nhưng để kiếm được trâu bò tốt, chúng tôi thường phải lặn lội hàng tuần lễ ở các bản làng vùng cao. Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, có lúc phải ăn ở ngay trong rừng sâu để mua cho kịp chuyến hàng” - ông Bình nói và cho hay nhà có 3 người con, trừ cô con gái đi lấy chồng thì cả hai cậu con trai đều nối nghiệp cha. Sau vài chuyến xuất ngoại theo ông Bình mua trâu, nhiều năm nay cả hai đều “cắm chốt” ở Thái Lan để mua trâu bò chuyển về quê cho ông bán.

Anh Hoa kiểm tra, chọn lựa đàn bò để chuẩn bị xuất sang Trung Quốc
Anh Hoa kiểm tra, chọn lựa đàn bò để chuẩn bị xuất sang Trung Quốc

“Chẳng biết nghề này có từ bao giờ, tôi cũng chỉ nhớ con trai tôi đã là đời thứ 5 nối cái nghiệp này. Có lẽ cũng vì cái duyên, chẳng phải học hỏi gì cả, mỗi lần đi mua trâu bò tôi cũng chỉ bảo các con cần tinh ý quan sát, những con trâu già, da mỏng, chân nhỏ... sẽ nhiều thịt, như vậy sẽ dễ bán hơn” - ông Bình nói và cho hay việc mua trâu bò thịt khá đơn giản, không cầu kỳ như lựa chọn trâu bò giống.

Tuy nhiên, muốn bước chân vào hoạt động mua bán trâu bò thì điều đầu tiên là phải có cái nhìn chuẩn xác, tinh tường. Mọi quá trình mặc cả, ra giá đều dựa trên sự quan sát bằng mắt, không qua một công đoạn cân đo nào. Cả người mua lẫn người bán đều biết ước đoán đúng trọng lượng con vật.

Người đàn ông có thâm niên hơn 30 năm buôn trâu này cho hay, ông đã trải qua nhiều thăng trầm với cái nghề này song năm 2020 vẫn là một năm đặc biệt khó khăn do dịch COVID-19. Đã có những thời điểm việc mua bán phải ngưng trệ, do mua bán xuyên qua nhiều quốc gia nên khi việc đi lại bị hạn chế, ông phải thuê nhiều khâu trung gian để chuyển trâu bò.

Một góc xã Đại Sơn
Một góc xã Đại Sơn

Hối thúc công nhân mang cám, cỏ... cho đàn trâu bò hơn 50 con vừa chuyển từ bên kia biên giới về, anh Trần Huy Hoa (45 tuổi) cho biết, ngoài 7 nhân công phục vụ ở nhà, anh còn thuê thêm 7 người khác “cắm chốt” ở Lào và Thái Lan để mua trâu bò. Trung bình mỗi tháng anh Hoa xuất bán gần 1.000 con trâu bò, số trâu bò này chủ yếu được bán sang thị trường Trung Quốc.

“May mắn thì tháng cũng kiếm được vài trăm triệu. Nhưng mà cũng có nhiều rủi ro như việc trâu bò đi quãng đường xa bị chết, hay thậm chí bị thương lái bùng hàng cũng dễ mất vốn như chơi” - anh Hoa nói và cho hay, ít tháng trước, chuyến trâu bò xuất sang Trung Quốc trị giá gần 1 tỷ đồng mất trắng do thương lái không giao hàng đúng nơi.

Vỗ béo trâu bò

Gần 30 năm trong nghề là chừng đó thời gian anh Nguyễn Văn Hành (47 tuổi) bôn ba khắp rừng này núi nọ, thậm chí bây giờ anh chẳng nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần xuất ngoại áp tải xe đưa trâu về.

Những mảnh đất trống được người dân tận dụng trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu bò
Những mảnh đất trống được tận dụng trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu bò

Nhớ lại những năm mới theo bố đi học nghề, anh Hành cho hay lúc đó hai bố con đi xe đạp hàng trăm cây số tìm mua trâu bò. “Ngày đó làm gì có xe cộ nhiều, đường sá lại khó khăn nên mua được trâu xong cũng phải thuê thuyền chở ngược ra. Nhiều lúc đưa được chục con trâu về nhà mất cả tuần chứ không dễ” - anh Hành kể.

Ai về chợ Ú Đại Sơn/ Mua con trâu mộng lập nên đại điền” - đây là câu ca vẫn được người dân xứ Nghệ lưu truyền khi nhắc đến chợ Ú. Theo anh Hành, khi con trâu không còn là “đầu cơ nghiệp”, việc mua bán trâu bò cũng ngày một thay đổi. Cũng từ đó, nghề vỗ béo trâu bò bắt đầu phát triển.

Theo ông Bình, vỗ béo trâu bò cũng không quá khó
Theo ông Bình, việc vỗ béo trâu bò không quá khó

Mang ít cỏ, cám vào cho đàn trâu bò đang nuôi nhốt ở chuồng phía sau nhà, anh Hành cho biết, số trâu bò này hơi gầy nên chưa thể xuất sang Trung Quốc. Tùy vào thể trạng của từng con, những con trâu bò không đạt chuẩn sẽ được giữ lại vỗ béo khoảng vài tuần đến vài tháng. Việc vỗ béo đàn trâu bò này cũng không quá khó, thức ăn chủ đạo vẫn là cỏ voi và một số phụ phẩm như cám cò, bã bia, cám ngô. 

"Những con quá yếu dễ chết trên đường đi, như vậy mình sẽ mất vốn” - anh Hoa nói và cho biết do trâu bò được vận chuyển quãng đường dài nên ngoài việc chọn lựa những con trâu bò tốt, họ còn phải chọn những con to, khỏe. Sau khi vận chuyển trâu bò từ bên kia biên giới về sẽ tiếp tục phân loại những con không đạt chuẩn để vỗ béo.

Những cánh đồng lúa bỏ hoang trở thành điểm chăn thả trâu bò lý tưởng của thương lái
Những cánh đồng lúa bỏ hoang trở thành điểm chăn thả trâu bò lý tưởng của thương lái

Vào buổi chiều những ngày này, không khó để bắt gặp cảnh người dân lùa cả trăm con trâu bò trên những cánh đồng lúa mênh mông bỏ không dọc tuyến đường N5. Một số thương lái còn dùng xe tải lớn vận chuyển trâu bò ra ruộng chăn thả.

Chủ tịch UBND xã Đại Sơn Nguyễn Văn Toàn nói vui: “Anh em đi vào xã thấy ở đâu có nhà lầu, xe hơi là nhà buôn trâu bò đó”. Toàn xã có trên 200 gia đình làm nghề buôn bán trâu bò, đây cũng là nghề làm giàu chính ở địa phương này. “Hiện có hơn 100 người đang ở Lào, Thái Lan làm nhiệm vụ mua trâu bò. Người buôn bán lớn tháng cũng kiếm được vài trăm triệu, còn trung bình thì vài chục triệu” - ông Toàn nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI