Làm thế nào để thích nghi với lễ khai giảng, bế giảng online?

24/08/2021 - 06:30

PNO - Có lẽ chúng ta từng cảm thấy “ghê ghê” khi chứng kiến những hình nhân robot đeo hình mặt người lên bục nhận bằng tốt nghiệp cho sinh viên tại một trường đại học ở Nhật Bản. Nhưng, có lẽ đó sẽ là “bình thường mới” của những buổi lễ trong giáo dục sau đại dịch.

Trong những ngày chống dịch dài đằng đẵng, hẳn không ít lần chúng ta đặt câu hỏi: “Khi nào cuộc sống mới trở lại bình thường?”. Chắc chắn, cuộc sống sẽ trở lại bình thường nhưng đó là sẽ bình thường rất khác với trước đây. Giáo dục cũng vậy, phải chấp nhận một bình thường mới, kể cả những buổi lễ quan trọng nhất của người học. 

Làm quen với khai giảng online, truyền hình

Đại dịch COVID-19 khiến cuộc sống, công việc, học tập của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi, mọi thứ đảo lộn so với trước đây khi tất cả đều buộc phải hạn chế ra đường, tụ tập nơi đông người. TP.HCM sẽ không tổ chức lễ khai giảng. Hà Nội và một số địa phương sẽ làm lễ khai giảng trực tuyến hoặc trên sóng truyền hình… 

Cũng chính bởi dịch bệnh khiến công nghệ được ứng dụng nhiều hơn để phục vụ, hỗ trợ con người. Một số trường học tăng cường đầu tư các hoạt động online, để giúp học sinh khởi động và bắt đầu năm học mới một cách hứng thú. Trường quốc tế Tây Úc tổ chức lễ khai giảng online cho học sinh của hệ thống. Còn học sinh Trường Vinschool sẽ có một tuần lễ khai trường với nhiều hoạt động Warm-up online, các em sẽ làm vlog kể lại một ngày trong mùa dịch bằng tiếng Anh.

Các trường quốc tế Canada, Á Châu, Việt Úc… cũng tìm nhiều cách, bổ sung nhiều hoạt động để tuần lễ tựu trường online của học sinh không bị đơn điệu. 

Bé Nguyễn Khải Anh đang làm quen học online lớp Một
Bé Nguyễn Khải Anh đang làm quen học online lớp Một

Chị Ngọc Diệp, phụ huynh bé Nguyễn Khải Anh, học sinh lớp Một Trường quốc tế Hoàng Gia (Q.7, TP.HCM), chia sẻ: “Tôi rất háo hức khi con bước vào cấp học mới và mong chờ ngày tựu trường của con vì đây là dấu ấn đặc biệt trên hành trình của con. Nhưng nhà trường thông báo sẽ không tổ chức buổi khai trường đầu cấp như các anh chị đi trước mà phải bắt đầu làm quen với lớp học qua màn hình máy tính. Đây sẽ là một sự thiệt thòi về mặt cảm xúc của con. Đến sáng 6/9, con sẽ tham gia lễ khai giảng online cùng cả trường. May mắn là thầy cô cũng tâm lý, mang sách và đồng phục đến tận nhà cho học sinh để ngày khai giảng, dù chỉ nhìn nhau qua màn hình máy tính thì các con cũng được xúng xính trong bộ đồng phục của trường”.

Khi Trường đại học Business Breakthrough (Nhật Bản) tiến hành một buổi lễ trao bằng tốt nghiệp “đúng chuẩn” mùa dịch COVID-19, nhiều người cảm thấy thật khó chấp nhận. Sinh viên dự buổi lễ chỉ cần ngồi nhà và điều khiển những con robot có tên Newme nhận bằng thay mình thông qua ứng dụng điều khiển từ xa. Các sinh viên sẽ theo dõi buổi lễ qua ứng dụng trực tuyến và chờ tới khi mình được gọi tên nhận bằng. Mỗi đợt lên nhận bằng sẽ có bốn con robot với lễ phục và đội mũ cử nhân, chúng cũng được trang bị một máy tính bảng để hiển thị hình ảnh khuôn mặt sinh viên nhận bằng. Hiệu trưởng tiến hành nghi lễ trao bằng một cách trang trọng…

Thầy Nguyễn Nhựt Linh, giáo viên một trường tư thục ở Q.Tân Phú, TP.HCM, nói: “Nhiều người cảm thấy lạ lẫm, thậm chí là sợ sệt với lễ khai giảng, tổng kết trông có vẻ quái dị. Nhưng có lẽ chúng ta phải tập làm quen, thích nghi với những buổi lễ như thế, bởi sẽ không ai biết được tương lai sẽ có chuyện gì xảy đến, trường học khi nào được mở cửa hoạt động trở lại bình thường. Công nghệ là phương tiện để chúng ta kết nối. Chỉ mong rằng, nhà trường và thầy cô phải tư duy để tạo ra những buổi lễ tuy xa mặt nhưng không cách lòng, hấp dẫn người học”.

Học online: Không chỉ tạm thời

Theo các nhà sư phạm, đã đến lúc cả người dạy lẫn người học phải dần dà làm chủ những giờ học trên không gian mạng.

Chị Ngọc Diệp nói: “Học sinh lớp Một phải làm quen với cách cầm bút viết, làm quen với cách học, do đó, khi học trực tuyến, tôi thực sự lo lắng không biết kết quả sẽ như thế nào. Tôi nghĩ, không chỉ giáo viên mà cả học sinh và phụ huynh đều sẽ vất vả. Nhưng rồi tôi nghiệm ra mình phải đặt niềm tin ở giáo viên và bắt đầu điều chỉnh lại công tác, việc nhà của mình để đồng hành cùng con”.

Còn Trường Song ngữ Quốc tế Canada chào đón một năm học mới 2021 - 2022 với nhiều niềm vui, sáng tạo trong các hoạt động học tập, trải nghiệm bổ ích và lý thú, vượt qua những thử thách trong bối cảnh vô cùng đặc biệt hiện nay. Trường bắt đầu ngày đầu tiên của năm học mới từ 18/8, bằng hình thức dạy học trực tuyến để có thể duy trì các hoạt động học tập, gặp gỡ và chia sẻ cùng bạn bè, thầy cô. Từ 18/8 - 31/8 là tuần học định hướng, các em học sinh sẽ cùng trải nghiệm các hoạt động học tập và rèn luyện những kiến thức cơ bản, nền tảng của chương trình. Các hoạt động học tập sẽ được thay đổi đa dạng, linh hoạt, phù hợp và hấp dẫn cũng như tránh việc các em học sinh phải nhìn vào màn hình hoặc ngồi một chỗ quá lâu.

Học online không chỉ còn là giải pháp tạm thời
Học online không chỉ còn là giải pháp tạm thời, sinh viên Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn trong những buổi học đầu tiên

Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, cho biết: chúng ta không thể chờ đến khi hết dịch mới bắt đầu, trường đã tổ chức cho 500 tân sinh viên nhập học trực tuyến và dự lễ khai giảng trực tuyến trong hai đợt của tháng Tám. Trước đó, trường đã tổ chức tập huấn kỹ năng học trực tuyến giúp tân sinh viên chuẩn bị tốt cho việc học trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. “Các sinh viên đã được thầy cô hướng dẫn cách sử dụng phần mềm, đồng thời được trải nghiệm một bài giảng học thử trong vòng 15 phút. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được phổ biến quy chế đào tạo, nội quy và gặp gỡ, trao đổi với các khoa về ngành học trong lễ khai giảng”, tiến sĩ Lê Lâm chia sẻ.

Không nằm ngoài xu hướng, các trường cao đẳng cũng nhanh chóng thích nghi hoàn cảnh, chấp nhận sinh viên nhập học vào trường bằng hình thức online. Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đã có hơn 2.880 tân sinh viên chính thức nhập học bằng hình thức trực tuyến, dự kiến sẽ khai giảng từ ngày 13/9 bằng hình thức trực tuyến. Trường cao đẳng Công thương TP.HCM thông tin: tất cả thí sinh trúng tuyển được cấp mã số sinh viên và mật khẩu để đăng nhập hệ thống đào tạo trực tuyến của trường…

Thanh Thanh

Học online, xa mặt mà không cách lòng!

Vậy là Nghé đã bắt đầu năm học lớp Bảy theo một cách không ngờ tới: học, sinh hoạt tất tần tật đều online. Ngày đầu tiên đi học cũng là ngày tổng kết năm học cũ vì đã kết thúc chóng vánh. Thiếu những ánh mắt hân hoan, những cái ôm thắm thiết khi cách xa suốt mùa hè, nhưng qua Zoom, khung chat vẫn hiện lên những câu chúc sẻ chia, những emotion… thật xúc động. Trước đó, các con tập huấn về phần mềm học tập mới gồm: Canvas, Zoom và Microsoft Teams… mỗi phần mềm đều có ưu khuyết và các con được quyền phản hồi lại như một người dùng có trách nhiệm.

Đúng lịch thường niên 15/8, trường bắt đầu buổi học đầu tiên của năm học mới. Trước đó, vào ngày 13/8, học sinh các khối lớp đều nhận được email từ giáo viên chủ nhiệm: “Thời gian bắt đầu sinh hoạt là 7g20. Do đó, các con cần đăng nhập vào link sớm hơn ít nhất là 10 phút để phòng trục trặc kỹ thuật. Chương trình ngày định hướng có hai phần: sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm buổi sáng, tham gia các thử thách buổi chiều. Mong các con có mặt đầy đủ và đúng giờ để chúng ta có một khởi đầu năm học mới nhiều niềm vui và thuận lợi”.

Ngày 14/8, phụ huynh các khối lớp tham gia họp với Ban Giám hiệu về định hướng giáo dục. Thay đổi lớn nhất của năm học này có lẽ nằm ở tầm nhìn, sự quyết đoán của Ban Giám hiệu là bỏ bớt các môn tự chọn. Khi cắt bớt các môn tự chọn này, đặc biệt là môn ngoại ngữ phụ (tiếng Nhật, tiếng Hoa…), Ban Giám hiệu cũng gặp sự phản đối từ các khối lớp và câu trả lời của Ban Giám hiệu là dựa trên kết quả nghiên cứu về thời gian sử dụng máy vi tính/giờ/ngày theo lứa tuổi học sinh. Nếu thêm nữa sẽ quá tải, ưu tiên sức khỏe con trẻ bởi việc học là cả đời.

Điểm nhân văn nhất của năm học này là sự quan tâm của nhà trường đến các bậc phụ huynh khi dịch bệnh ập đến. Trong khi các trường khác tăng học phí, giữ mức thu học phí, thì Ban Giám hiệu nhà trường chủ động liên lạc với phụ huynh nhằm hỗ trợ, giải quyết kịp thời việc miễn giảm, đóng học phí thành nhiều đợt, chia sẻ khó khăn với phụ huynh nhằm đảm bảo các em được đến trường, được tiếp tục con đường học tập.

Buổi học đầu năm đã diễn ra qua Zoom với tình cảm dạt dào như thế! Bạn có nghĩ xa mặt cách lòng không? Thầy trò và phụ huynh Trường Đinh Thiện Lý đã gắn kết, yêu thương nhau, dìu nhau qua khó khăn để chinh phục tri thức và cùng nuôi dưỡng những mầm xanh.

Nguyễn Thị Thu Sương,
phụ huynh Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI