Làm sao để học sinh không bị “hổng chân” khi học chương trình mới

18/03/2023 - 14:02

PNO - Sáng 18/3, Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Lãnh đạo Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội chủ trì buổi làm việc
Lãnh đạo Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội chủ trì buổi làm việc

Nhiều ý kiến của các cấp thẩm quyền, chuyên gia phân tích những khó khăn, tồn tại trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại TPHCM thời gian qua. 

Bệnh nặng cần thầy thuốc giỏi”

Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội - nhận xét có những nơi như trường quốc tế, tư thục rất chủ động trong thực hiện chương trình mới. Trong khi những trường ở nơi khó khăn thì gần như điều kiện cơ sở vật chất chưa có gì. Như vậy, phải chăng khó khăn không nằm ở chương trình hay việc đổi mới sách giáo khoa, mà ở công tác chuẩn bị và cơ chế dành cho giáo dục? Trước đây, con tàu đứng yên thì được, nhưng nay bắt đầu chạy thì có chuyện.

Theo ông, lãnh đạo địa phương cần quan tâm hơn đến các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng đang phải triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong bối cảnh nhiều khó khăn về mô hình, tổ chức. Hiện nay, các trung tâm này vừa do ngành giáo dục vừa do ngành lao động - thương binh - xã hội quản lý về chuyên môn, trong khi phân cấp quản lý là thuộc UBND quận huyện, dẫn tới nhiều chỉ đạo “lệch pha”.

“Khi hỏi lãnh đạo địa phương có ai đến thăm trung tâm không, thì gần như không, vì học trò ít, cơ sở vật chất cũ. Trong khi đáng lẽ lãnh đạo nên đến chỗ khó khăn nhất, không phải chỉ đến lúc khai giảng, cờ hoa mà vào ngày bình thường. Bởi vì nơi bệnh nặng thì phải có thầy thuốc tốt. Chỗ yếu kém hơn thì cần được quan tâm để đạt mặt bằng, mục tiêu chung” - ông Đỗ Chí Nghĩa nói.

Trong khi đó, ông Đinh Công Sỹ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội - đánh giá qua 2 ngày giám sát tại TPHCM, có thể thấy nhiều trường vẫn chưa được đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai chương trình mới, trong khi đây là yếu tố đóng vai trò tiên quyết. Chẳng hạn các trường học ở huyện Cần Giờ còn rất thiếu thốn.

Tại trường trong nội thành là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thì điều kiện cơ sở tương đối tốt, trang thiết bị dạy học được sự quan tâm. Tuy vậy, để thực hiện đảm bảo theo chương trình mới thì nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học, hoá chất thí nghiệm do các trường cân đối trong khả năng. Để các đơn vị tự “lăn lộn” với kinh phí chi thường xuyên thì liệu có đảm bảo được yêu cầu chương trình mới đề ra hay không?

Ông Đinh Công Sỹ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội
Ông Đinh Công Sỹ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội

Bên cạnh đó, hầu như đơn vị nào cũng nêu khó khăn về thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Hiện nay chương trình giáo dục linh hoạt, có môn lựa chọn nên việc thừa thiếu cục bộ là khó tránh khỏi. Do đó, ngành giáo dục cần chủ động tính toán việc tham mưu xây dựng đội ngũ giáo viên phù hợp, có độ mở, tránh cứng nhắc. "Hiện cũng chưa nhận định, đánh giá được chất lượng bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao trình độ giáo viên thời gian qua. Một số nội dung mà thầy cô được bồi dưỡng có tới 30-40% chưa có nhận xét đánh giá. Khi chưa có đánh giá mà đã tham gia giảng dạy thì liệu đã đáp ứng yêu cầu chương trình mới chưa?” - ông đặt câu hỏi.

Lo khi học sinh chỉ được học “phần ngọn”

Ông Nguyễn Hải Hiệu - Phó trưởng Phòng Tổ chức biên chế sự nghiệp, Sở Nội vụ - chia sẻ thực trạng của TPHCM là số học sinh tăng, số trường học tăng qua từng năm nhưng vẫn phải tinh giản biên chế 10%/năm theo lộ trình. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương với giáo viên đúng là rất thấp. Giáo viên trình độ đại học mới ra trường nếu nhận 100% lương cũng chỉ hơn 3,4 triệu đồng. Chưa kể nếu tập sự chỉ hưởng 85%, sau khi trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì thực lãnh chỉ hơn 2 triệu đồng.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM - kiến nghị Đoàn giám sát nghiên cứu đề xuất Chính phủ có giải pháp phù hợp để đảm bảo thu nhập cho giáo viên. Riêng TPHCM cũng đang nghiên cứu cơ chế riêng, làm sao để giáo viên đến trường chỉ quan tâm đến chuyện dạy chữ, dạy người. Còn hiện nay, quá nhiều áp lực chi phối thầy cô và cán bộ quản lý nên thời gian dành cho chuyên môn không còn nhiều như xưa.

Đồng thời, mong Chính phủ sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày, cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp bù để chi trả lương.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội - cho hay, qua theo dõi thấy chương trình đặt ra rất lý tưởng, rất hay, nhưng lại vướng về tổ chức thực hiện, khó, thiếu, chưa tương thích. Do đó, câu chuyện phải bàn đến là giải pháp để thực hiện chương trình đạt hiệu quả một cách thực chất. Bởi, đâu đó ngoài kia dư luận xã hội vẫn rất băn khoăn.

Thực tế, chương trình khi triển khai thì cuốn chiếu theo từng cấp học với mục tiêu rút ngắn thời gian thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy vậy, lại xảy ra tình trạng học sinh ở lớp dưới học chương trình cũ nhưng lên lớp 6 và 10 phải học ngay chương trình mới. Việc “hổng chân” của học sinh là câu chuyện chúng ta phải tìm giải pháp để các em không bị thiệt thòi khi chỉ học "phần ngọn" của chương trình mới.

Đối với việc bố trí giáo viên dạy tích hợp, ở TP Hà Nội đã có bồi dưỡng cho giáo viên nhưng đa phần vẫn bố trí từng giáo viên dạy đơn môn. Trong khi ở TPHCM bồi dưỡng về là cho dạy luôn. Nhưng khi hỏi giáo viên là liệu có đảm bảo chất lượng không thì không ai dám khẳng định. Trong quá trình tập huấn thì vẫn là chuyên gia môn nào bồi dưỡng môn đó cho giáo viên, cho nên tính tích hợp như thế nào thì còn lúng túng. Do đó, cần bàn giải pháp cho giai đoạn quá độ cho đến khi có được đội ngũ được đào tạo dạy tích hợp bài bản.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, thiếu phòng học và xây mới trường lớp vẫn là câu chuyện TPHCM đang phải chịu nhiều sức ép. Khi được hỏi thì có quận cho rằng đất nếu cần vẫn bố trí được nhưng tiền mới là vấn đề. Chẳng hạn, quận 12 đến năm 2025 nhu cầu cần 1.700 phòng học thì không biết bao giờ mới được bố trí đủ vốn. Đoàn giám sát sẽ ghi nhận các ý kiến, hoàn thành báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới để có những giải pháp phù hợp cho việc triển khai chương trình mới.

P.Thanh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI