Lúng túng kiểm tra, đánh giá môn văn theo chương trình mới

04/01/2023 - 05:54

PNO - Dù đã qua 1 học kỳ nhưng không ít học sinh, giáo viên vẫn lúng túng trước những yêu cầu mới trong kiểm tra, đánh giá môn văn lớp Mười theo chương trình mới.

Dù đã qua 1 học kỳ nhưng không ít học sinh, giáo viên vẫn lúng túng trước những yêu cầu mới trong kiểm tra, đánh giá môn văn lớp Mười theo chương trình mới.

Đề văn gây nhiều tranh cãi

Vừa qua, nhiều đề kiểm tra học kỳ I môn ngữ văn lớp Mười tại TPHCM gây sự chú ý trong dư luận vì tính mới mẻ về nội dung lẫn hình thức. Chẳng hạn, đề của Trường THPT Trưng Vương (quận 1) đưa ra một vấn đề vốn đang gây tranh cãi là có nên bỏ tết Nguyên đán hay không, bằng cách yêu cầu học sinh trình bày quan điểm về câu nói của giáo sư Võ Tòng Xuân: “Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa”. Có phụ huynh lo ngại việc đưa vào đề văn một câu hỏi đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau và liên quan đến cả những vấn đề về kinh tế, xã hội thì liệu có phù hợp với lứa tuổi học sinh hay không? 

Tiết học văn của học sinh lớp Mười Trường THPT Trưng Vương (quận 1) - ẢNH: P.T
Tiết học văn của học sinh lớp Mười Trường THPT Trưng Vương (quận 1) - Ảnh: P.T

Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên - Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Trưng Vương - cho rằng thực tế câu hỏi này là dạng nghị luận xã hội để học sinh được bày tỏ chính kiến theo cái nhìn của giới trẻ. Khi cho điểm, giáo viên vẫn phải tôn trọng quan điểm cá nhân, tập trung đánh giá kỹ năng làm văn, lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Câu hỏi được đặt ra trong mạch logic của đề kiểm tra, trước đó học sinh được đọc bài thơ Ông đồ về các nét văn hóa truyền thống ngày tết cổ truyền. Theo mạch đó, các em mới trả lời câu hỏi nên bỏ tết ta hay không.

Một học sinh lớp Mười Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) cũng băn khoăn về đề văn mới cả hình thức lẫn nội dung. Ở phần đọc hiểu có 6 câu trắc nghiệm và 3 câu tự luận. Đối với phần trắc nghiệm, theo học sinh này là khá đánh đố vì những đáp án na ná nhau. Ở phần làm văn, đề đưa ra 1 văn bản về việc sử dụng điện thoại di động, sau đó yêu cầu học sinh viết bài luận về tác động của phương tiện này. Bài nghị luận phải hạn chế các ý trùng với văn bản, tuy nhiên, văn bản đã nêu lên những luận điểm chính về tác động của điện thoại di động rồi, nên học sinh rất khó nghĩ thêm được những luận điểm khác.

Một số đề văn khác cũng gây choáng cho học sinh vì quá dài so với thời gian làm bài 90 phút. Với đề văn của Trường THPT Trần Quang Khải (quận 11), phần văn bản đọc hiểu đưa ra bài báo Bài chòi - nét văn hóa của người xứ Quảng. Bài báo hơn 1.200 chữ được đánh giá quá dài vì 6 câu hỏi hoàn toàn tự luận nên học sinh mất nhiều thời gian để đọc và viết. Còn đề văn của Trường THPT Hùng Vương (quận 5) dài đến 4 trang, chỉ riêng ngữ liệu cho phần đọc hiểu đã dài 2 trang và các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận cho phần này dài 1,5 trang.

Giáo viên vô cùng áp lực 

Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên chia sẻ thực tế, giáo viên không được tập huấn cách ra đề như thế nào mà chỉ từ kinh nghiệm, tự mày mò và học tập lẫn nhau. Trong đó, với yêu cầu chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa thực sự làm cho giáo viên rất áp lực. Nếu không chọn một văn bản thực sự mới mẻ thì có thể bị nói không chịu đổi mới, không sáng tạo.

“Áp lực đó khiến giáo viên phải đổi mới, mới đến mức đôi khi đi xa quá quên mất học trò của mình có theo kịp cái mới đó không. Chúng ta nói rất nhiều đến đổi mới, nhưng suốt 9 năm trước các em đã học theo phương pháp cũ. Việc lựa chọn một ngữ liệu mới và hay đối với giáo viên không hề khó. Tuy vậy, khi quyết định chọn ngữ liệu, giáo viên mất nhiều thời gian để trăn trở với suy nghĩ mình chọn văn bản mới lạ như thế này liệu có quá khó với học sinh hay không. Do đó, việc kiểm tra, đánh giá phải hài hòa các yếu tố vừa xóa được văn mẫu, vừa rèn luyện kỹ năng, có tính giáo dục mà vẫn tạo tâm lý thoải mái cho học sinh” - cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên nói.

Đồng quan điểm, thầy Phan Quan Thông - Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Hùng Vương (quận 5) - cũng cho rằng, giáo viên gặp không ít áp lực khi phải đưa ra văn bản không trùng với tất cả ngữ liệu trong cả 3 bộ sách giáo khoa. Đồng thời, ngữ liệu phải vừa sức học sinh, nếu chọn ngữ liệu vừa lạ vừa khó thì rất đánh đố các em. Đối với hình thức trắc nghiệm môn văn, tuy không bắt buộc nhưng yêu cầu của Bộ GD-ĐT là phải phối hợp nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá khác nhau. Hiện nay, việc lựa chọn hình thức và mức độ ra đề tùy thuộc vào mỗi trường, chứ hoàn toàn không có mẫu chung.

Theo thầy Phan Quan Thông, Trường THPT Hùng Vương thống nhất chọn đề kiểm tra văn theo cả hình thức trắc nghiệm lẫn tự luận, vì trắc nghiệm có thể kiểm tra được kiến thức của học sinh rộng hơn. Bên cạnh đó, trắc nghiệm đối với môn văn, tiếng Việt cũng không quá mới vì đã được đưa vào các đề đánh giá năng lực của đại học. Do đó, việc đưa dần hình thức trắc nghiệm vào đề kiểm tra cũng là cách chuẩn bị tâm thế cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. 

Nhìn nhận việc ra đề kiểm tra vẫn còn nhiều lúng túng, thầy Phan Quan Thông cho rằng Bộ Giáo dục nên ban hành đề minh họa để giáo viên tham khảo. Hiện nay, chỉ có hướng dẫn mà không có đề chuẩn khiến giáo viên hoang mang, đề đưa ra có thể gây nhiều tranh cãi, làm khó học sinh… càng tăng áp lực cho thầy cô. 

Giáo viên cần được tập huấn và định hướng

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm TPHCM - nhìn nhận việc kiểm tra, đánh giá môn văn vừa qua còn nhiều bất cập.

* Phóng viên: Thầy đánh giá thế nào về một số đề kiểm tra văn theo chương trình mới gây tranh cãi thời gian qua?

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi: Có thể thấy một số đề văn dùng ngữ liệu giảm cấp, chẳng hạn lấy bài thơ có nội dung phù hợp với cấp tiểu học hoặc THCS như thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh… Hoặc một số đề lại nâng cấp về độ khó như lấy các bài thơ có yếu tố tượng trưng, siêu thực thuộc phong trào Thơ mới. Một số ngữ liệu chứa vấn đề còn đang tranh luận, gây khó khăn nhất định cho học sinh khi phải trình bày quan điểm. Một số ngữ liệu chưa được cân nhắc kỹ về dung lượng, quá ngắn hoặc quá dài so với thời lượng làm bài.

* Nhiều giáo viên cho biết rất lúng túng với việc đảm bảo yêu cầu mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh nhưng vẫn phải phù hợp với khả năng của các em?

- Hiện nay, với hình thức thi trắc nghiệm, giáo viên đã được tập huấn về kiểm tra đánh giá nhưng đa số là trực tuyến, thiếu sự tương tác trực tiếp với giảng viên hoặc giáo viên cốt cán. Giáo viên cũng hầu như chưa được tập huấn về kỹ thuật lựa chọn ngữ liệu, chủ yếu tự mày mò theo kinh nghiệm hoặc quán tính bám sát định hướng văn bản trong sách giáo khoa.
Do đó, giáo viên rất cần được tập huấn về kiểm tra, đánh giá theo năng lực, đặc biệt là vấn đề lựa chọn ngữ liệu. Chẳng hạn, thầy cô cần hiểu rõ yêu cầu ngữ liệu “tương đương văn bản trong sách giáo khoa” là gồm những mặt cụ thể nào. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản có uy tín cần quan tâm đến việc tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên để có thể cung cấp cho giáo viên những đầu sách tham khảo đảm bảo chất lượng chuyên môn, phục vụ tốt cho việc kiểm tra đánh giá. Các trường cũng nên tăng cường hợp tác với giảng viên tổ phương pháp và lý luận dạy học ngữ văn ở các trường đại học sư phạm trọng điểm để có được sự tư vấn tốt nhất.

* Thực tế đang có việc đánh đồng đổi mới kiểm tra môn văn là phải thi trắc nghiệm, trong khi thực tế giáo viên chưa được tập huấn bài bản về cách thiết kế đề thi trắc nghiệm, thưa thầy?

- Đúng là vừa qua đề trắc nghiệm ngữ văn ở một số trường chưa thống nhất về hình thức trình bày. Một số phương án “mồi nhử” chưa tốt, thiên về sai hiển nhiên hoặc đúng hiển nhiên. Do đó, các trường cần kiểm soát tốt khâu lựa chọn đề thi, đảm bảo chuẩn xác về hình thức lẫn nội dung, có sự phân hóa cụ thể. Khi xây dựng câu hỏi và các phương án trả lời, giáo viên cần phân bổ hài hòa số lượng câu hỏi giữa các mức độ, tạo “mồi nhử” tốt.
Việc kiểm tra trắc nghiệm cần kết hợp hài hòa với câu hỏi tự luận vì môn ngữ văn không chỉ kiểm tra về kiến thức, xác định đúng sai mà còn đòi hỏi ở học sinh khả năng diễn đạt, trình bày vấn đề, bộc lộ cảm xúc khi viết. Điều này đặt ra cho những người làm công tác giáo dục nhiều vấn đề cần tháo gỡ, nhiều nội dung cần nghĩ kỹ, bàn sâu để triển khai hiệu quả.

* Cảm ơn thầy đã chia sẻ.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI