Làm gì khi người lạ chiếm tài khoản ngân hàng của mình?

29/08/2019 - 11:21

PNO - Hãy biết nghi ngờ ngay cả khi người lạ nhận là nhân viên ngân hàng và có thể đọc vanh vách số chứng minh, tên truy cập tài khoản, số tiền ở tài khoản thẻ ATM, sổ tiết kiệm, thẻ tín dụng của bạn có bao nhiêu.

Khi người lạ biết tất tần tật

Chị Thùy H, đang làm việc tại Vietnam Airlines cho biết, chị vẫn chưa hết bàng hoàng vì đối tượng lừa đảo biết rất rõ tất cả thông tin cá nhân, tài khoản thẻ Techcombank chị đang sử dụng khiến chị suýt bị mất toàn bộ tiền trong đó.

Chị H kể, ngày 19/8 có người tên Trần Mạnh Tuấn gọi điện thoại cho chị, tự nhận là nhân viên phòng xử lý dữ liệu của ngân hàng Techcombank. Tuấn thông báo chị H có một khoản tiền 4,5 triệu đồng đang bị treo ở tài khoản… "em đọc bốn số đầu, chị đọc tiếp cho em bốn số cuối để em xác minh”, và Tuấn đọc đúng 4 số đầu tài khoản của chị H.

Thấy nghi ngờ khi người gọi cho mình không xác nhận danh tính khách hàng như nhân viên ngân hàng vẫn thường làm nên chị H dè chừng. Tuy nhiên, khi "thử nhanh" người gọi cho mình chị H đã gần như tin tuyệt đối vì Tuấn đọc vanh vách số CMND, tên truy cập tài khoản, số tiền ở tài khoản thẻ ATM, sổ tiết kiệm, thẻ tín dụng đang có bao nhiêu.

Từng bước khiến chị tin tưởng, Tuấn bắt đầu yêu cầu chị H làm theo chỉ dẫn của mình như yêu cầu cung cấp mật khẩu và nhắn cú pháp theo hướng dẫn gửi 8049 để hủy mã OTP (mật khẩu xác thực để thực hiện chuyển tiền qua ineternet banking). Đã cầm máy làm theo yêu cầu từ người lạ nhưng linh tính mách bảo khiến chị H giật mình, "tại sao liên quan đến dữ liệu tài khoản cá nhân mà nhân viên ngân hàng lại dùng số máy cá nhân để liên hệ...?", chị H nghi ngờ.

Lam gi khi nguoi la chiem tai khoan ngan hang cua minh?

Tin nhắn trao đổi của đối tượng và chị H. nghi ngờ đây là số giả không phải của ngân hàng

Chị H gọi vào số hotline của Techcombank thắc mắc, ngân hàng yêu cầu chị H ngay lập tức thao tác khóa thẻ lại vì thông tin bảo mật cá nhân của chị đã bị lộ. "Không bao giờ ngân hàng yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu...", nhân viên ngân hàng cho chị hay. Trong trường hợp chị H. soạn tin hủy OTP thì tất cả mã OTP mà điện thoại chị H. đăng ký sẽ mất. Khi đó đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm quyền sử dụng tài khoản của chị và có thể lấy hết tiền trong các thẻ của chị H.

Vì sao đối tượng nắm rõ thông tin chủ thẻ?

Anh Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena cho biết, rất có thể máy tính của nạn nhân đã bị cài phần mềm gián điệp nên đối tượng lừa đảo biết rõ được số tài khoản, mật mã đăng nhập, số tiền trong tài khoản của khách. Riêng yêu cầu tin nhắn OTP từ ngân hàng đến máy di động thì đối tượng không thể biết nên tìm cách lấy từ chủ thẻ bằng cách gọi điện yêu cầu chị H. nhắn tin hủy đăng ký OTP tại ngân hàng để có thể chiếm quyền sử dụng tài khoản của chị H.

Dựa theo thông tin từ chị H, anh Đỗ Thắng phân tích, chị H. kinh doanh hàng xách tay qua mạng, có thể các đối tượng đã thực hiện đặt hàng online và chuyển tiền giao dịch vài lần với chị H. để lấy niềm tin. Trong quá trình giao dịch mua bán, các đối tượng này nhờ chị H. đăng nhập vào các đường link chúng gửi. Đây là các link có chứa phần mềm gián điệp, nạn nhân nhấp vào và chúng biết được hết các thao tác hàng ngày chị H. thực hiện trên máy tính, từ đó giả mạo nhân viên nhân hàng để lừa gạt chị H.

Cách đây ít ngày, Ngân hàng Techcombank cũng phát đi cảnh báo hình thức lừa đảo đang nhắm vào các khách hàng của mình. Chúng giả mạo cán bộ công an, nhân viên ngân hàng để gọi điện thoại, nhắn tin thông báo trúng thưởng lớn, sau đó gửi đường dẫn tới các website giả mạo ngân hàng. Kẻ xấu yêu cầu khách hàng hoàn tất thủ tục nhận thưởng bằng cách cung cấp các thông tin bảo mật của tài khoản bao gồm: số CMND, số điện thoại, địa chỉ email, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, SmartOTP, số thẻ...

Một thủ đoạn lừa khác là giả danh người thân, bạn bè hoặc khách hàng để gửi các hướng dẫn đăng nhập vào các đường dẫn, trang web giả mạo hoặc đề nghị tải các ứng dụng độc hại, từ đó đánh cắp thông tin bảo mật tài khoản.

Techcombank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi tin nhắn hay các cuộc điện thoại thông báo trúng thưởng được gửi tới điện thoại. Khách hàng tuyệt đối không cung cấp các thông tin số CMND, số điện thoại, địa chỉ email, mật khẩu đăng nhập, mã SmartOTP, số thẻ... một cách dễ dãi.

Các ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng cũng không nên đứng tên hộ người khác để mở tài khoản, mở thẻ và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử; không cho người khác mượn, sử dụng, sở hữu và quản lý hộ thẻ; không cung cấp thông tin thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số PIN, địa chỉ, họ tên chủ thẻ...) khi nhận được email/điện thoại yêu cầu hay chia sẻ hình ảnh thẻ của khách hàng lên mạng xã hội.

Không nạp tiền/chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn. Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, khách hàng cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI