Làm dâu trong gia đình “đầy thương tích”

15/05/2021 - 11:30

PNO - Cuộc sống của em hôm nay là nhìn vào hiện tại, nhìn về tương lai, em không có nghĩa vụ phải lặn ngụp mãi trong những nỗi đau quá khứ.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em 29 tuổi, về làm dâu trong gia đình chồng được hai năm, dần dần em hiểu ra rất nhiều chuyện. Chắc cũng ít có gia đình nào như vậy.

Hồi đầu khi chưa biết gì, em thấy mọi người thật điềm đạm, ít khi nào có ai nói lớn tiếng, mọi người cư xử với nhau hòa nhã, lịch sự. Em cũng không hề bị bắt ne bắt nét trong thời gian mới về nhà chồng. 

Chỉ gần đây, khi em cấn bầu, mẹ chồng chia sẻ với em nhiều hơn, em mới biết thêm nhiều chuyện sau cảnh nhẹ nhàng, êm đềm trong nhà.

Mẹ chồng từng sảy thai bốn lần, nhà chồng hết hy vọng nên ép mẹ chia tay người chồng đầu, mẹ đã cam phận không thể có con, nhưng đến khi lấy chồng sau (là ba chồng em bây giờ) mẹ may mắn sinh hai lần liên tiếp. 

Ba chồng em cũng một lần ly hôn, phải nuôi con vì vợ cũ bỏ đi. Đến giờ, chị gái đầu trong nhà là con riêng của ba chồng, ba mẹ sinh thêm hai chị em, chồng em là con út. 

Chị gái đầu vì đau khổ chuyện mẹ ruột bỏ đi, nên đã có một thời gian trầm cảm. Sau này chị lấy chồng, không thể chịu được cảnh làm dâu, bệnh tái phát ở mức nặng, phải đi bệnh viện tâm thần chữa trị. Giờ chị sống một mình, đứa bé em tưởng là con gái chị, thực ra là con nuôi… 

Tính ra, mỗi thành viên trong nhà đều có lần bị đổ vỡ, dang dở chuyện gì đó, không chuyện hôn nhân thì cũng chuyện thành bại nghề nghiệp. Em nhận ra mình đang sống trong một gia đình đầy thương tích.

Từ khi hiểu hơn về gia đình em cảm thấy rất áp lực. Hễ nói câu nào ra cũng dễ động chạm đến chuyện riêng của người khác.

Nhìn mỗi người trong nhà, em thường hình dung ra họ trong những bối cảnh khác, cũng đã từng có chuyện này chuyện kia với những người khác…

Dù gia đình vẫn đầm ấm, không có chuyện gì, nhưng em thấy thật khó sống vô tư với mọi người như ngày trước. Em đang nghĩ hay là em ra ở riêng, chị thấy có nên không? 

Thúy Quyên (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Thúy Quyên thân mến, 

Gia đình nào cũng có phần nổi phần chìm, phần nổi thể hiện ra bên ngoài và phần chìm là những bí mật riêng cất giấu sâu trong từng thành viên của gia đình.

Em cứ coi đây là một chuyện bình thường. Như một tảng băng trôi, phần nhô lên trên mặt nước chỉ là phần rất nhỏ so với phần chìm khuất bên dưới. Mình không thể chỉ tiếp cận phần nổi, phần sáng, phần thể hiện rõ ràng; nhưng mình cũng không thể chỉ sống dưới mặt nước để đào sâu khám phá phần chìm khuất. Hãy chấp nhận cả hai, em ạ.

Chấp nhận như là chính bản thân em vậy: bây giờ em còn trẻ, chưa có gì nhiều để phải cất giấu; nhưng khi sống nhiều hơn, già hơn, đến lúc nào đó em sẽ thấy đời mình cũng chia làm hai phần, nổi và chìm, như vậy thôi. 

Em đang sống trong một gia đình đầm ấm. Điều đó thể hiện sự cố gắng của mỗi một thành viên gia đình. Gia đình em có thể đầy thương tích, nhưng những vết thương ấy đã được chữa trị, chắc chắn là chữa trị tốt, vì mọi người đã đứng lên được, vượt qua đau đớn thương tổn để xây dựng cuộc sống mới. Đó là một điều vô cùng quý giá em ạ.

Ai cũng có thể bị thương, nhưng chỉ những ai đầy nội lực, hệ miễn dịch tốt mới có thể vượt qua nỗi đau, trở thành người mạnh mẽ hơn. 

Cuộc sống của em hôm nay là nhìn vào hiện tại, nhìn về tương lai, em không có nghĩa vụ phải lặn ngụp mãi trong những nỗi đau quá khứ.

Ba mẹ, các chị… đã vượt qua những khó khăn, họ sẽ trân trọng hơn những hạnh phúc của ngày hôm nay, và em là một phần trong hạnh phúc của gia đình. Em hãy trân trọng gia đình mình nhé. Đó thực sự là một gia đình mạnh mẽ, là tổ ấm và khi cần thiết sẽ là một thành lũy cho mình đấy em ạ.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI