Theo quảng cáo, khi gắn thiết bị này vào quạt máy hoặc máy lạnh thì có thể diệt virus, bảo vệ an toàn cho gia đình. Thế nhưng, theo xác minh của chúng tôi, hiện cơ quan chức năng chưa cấp phép cho thiết bị nào có thể diệt được virus SARS-CoV-2.
Máy “diệt virus Corona” được rao bán trên mạng với giá 650.000 đồng
Phát minh lạ, bán giá “bèo”
Khoảng một tuần qua, khu vực xóm trọ nơi anh N.D.K. đang sống (Q.Bình Tân, TPHCM) xôn xao về một thiết bị được cho là có công năng “diệt virus COVID-19”. Theo lời anh K., người hàng xóm của anh lên mạng thấy quảng cáo về thiết bị có thể diệt virus COVID-19 nên đã đặt mua về dùng thử. Thiết bị này nhỏ gọn bằng bàn tay, được hướng dẫn là gắn lên quạt hoặc máy lạnh để phát ra các ion có khả năng tiêu diệt virus, kể cả virus SARS-CoV-2. “Chỗ tôi đang sống là vùng dịch nên người dân rất quan tâm sản phẩm này. Theo tôi biết, máy diệt virus COVID-19 được bán với giá chưa đến một triệu đồng. Nếu có công hiệu đúng như quảng cáo thì nên giới thiệu rộng rãi để người dân dùng. Còn trường hợp không đúng thì nên cảnh báo để người dân không bị lừa”, anh K. chia sẻ.
Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi đã truy cập vào một trang mạng đang rao bán khá nhiều thiết bị được quảng cáo là sẽ bảo vệ người dân trước đại dịch COVID-19. Đặc biệt, trang mạng này có rao bán hai thiết bị là máy phun sương khử khuẩn được quảng cáo “sát khuẩn đến 99%” và “máy diệt virus Corona”. Tài khoản L.L., rao bán “máy diệt virus Corona”, cho biết thiết bị có giá 650.000 đồng. Người dùng có thể kích hoạt thiết bị bằng cách gắn lên bầu quạt hoặc máy lạnh. Khi chúng tôi thắc mắc về nguyên lý hoạt động, người phụ nữ tên L. gửi bảng “hướng dẫn sử dụng” bao gồm cả chứng nhận sở hữu trí tuệ và nguyên lý hoạt động của thiết bị.
Tài liệu của người bán giới thiệu thiết bị có tên đầy đủ là “máy diệt virus CV19 ECO G9” do một công ty ở Q.12 nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh. Thiết bị này có khả năng diệt khuẩn, diệt virus, nấm mốc, khử độc và tác nhân gây mùi dựa trên nguyên lý hoạt động công nghệ Plasma phát ra ion âm từ các đầu sợi thủy tinh. Về nguyên lý hoạt động, người bán giới thiệu thêm: “Hệ thống ion của máy được phát ra không khí với công suất 50 triệu ion/giây/cm3 và có tính ô-xy hóa cực cao. Các gốc ion này bám trên bề mặt của vi khuẩn, virus, nấm mốc hút lấy hydro từ protein của chúng, làm chúng suy yếu và bị tiêu diệt… Vì vậy, không khí được làm sạch, ngăn chặn hoạt động xâm nhập của vi khuẩn và virus, giúp con người tăng cường khả năng miễn dịch, tinh thần thoải mái”. Cũng theo người bán, sản phẩm đã được cấp bằng độc quyền sáng chế. Thiết kế sản phẩm rất nhỏ gọn, tương thích với phòng có diện tích 27 mét vuông.
Do tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM đang diễn biến phức tạp nên sản phẩm này nhận được sự quan tâm của khá đông người dân. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại đây chỉ là trò lừa đảo của người bán. Trong đợt dịch năm ngoái, nhiều trang mạng cũng rao bán rầm rộ “thẻ diệt virus Corona” với giá 200.000 - 300.000 đồng/sản phẩm. Nhiều người đã mua thẻ đeo này với hy vọng “miễn nhiễm” với COVID-19. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, chưa có bằng chứng là đeo thẻ diệt virus có thể phòng, chống bệnh. Sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhiều trường hợp rao bán sản phẩm này.
Chưa có thiết bị diệt virus trong không khí được công nhận
Để làm rõ hơn về sản phẩm “máy diệt virus COVID-19”, chúng tôi đã liên hệ với công ty được cho là đơn vị nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhận được phản hồi. Số điện thoại được quảng cáo là “tổng đài tư vấn” của công ty vẫn không thể liên lạc được.
Trong khi đó, Sở Y tế TPHCM khẳng định, hiện chưa có sản phẩm nào có công dụng “diệt virus COVID-19” được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng. Nhiều chuyên gia về dịch bệnh cũng cho rằng “máy diệt virus COVID-19” chỉ là chiêu trò lừa đảo. Bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết hiện tại chưa có thiết bị nào diệt virus trong không khí mà được Bộ Y tế công nhận.
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, hiện có hai phương pháp diệt virus là trong y tế và trong gia dụng. Trong y tế, áp dụng cho những dụng cụ y tế thì có các phương cách khử khuẩn, tiệt khuẩn đã được Bộ Y tế quy định. Những phương cách này chắc chắn tiêu diệt được mọi loại mầm bệnh để đảm bảo an toàn cho người bệnh chứ không riêng gì SARS-CoV-2. Tuy nhiên, việc áp dụng phương cách này đòi hỏi phải có máy móc chuyên sâu, hóa chất chuyên dụng, con người được đào tạo chuyên môn.
Trong gia dụng, những phương pháp thông thường có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày đều tiêu diệt được virus là: lau chùi bằng cồn và các dung dịch giặt, tẩy vệ sinh (bột giặt, thuốc tẩy). Nhưng, điều quan trọng không phải loại nào mà là số lần thực hiện. Ví dụ, khi tiếp một người khách, người này có khả năng bị SARS-CoV-2 gây ô nhiễm ghế, bàn… Lúc này, chủ nhà lấy xà bông vệ sinh bề mặt ghế, bàn, sàn nhà. Tuy nhiên, sau khi làm xong thì có một người khách khác đến. Người này cũng có khả năng bị bệnh thì sẽ lập tức gây ô nhiễm trở lại. Do đó, muốn an toàn thì phải vệ sinh nữa. Tần suất vệ sinh là ngay sau khi nghi có người nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, phân tích về khía cạnh kỹ thuật, kỹ sư Lê Văn Đạo, công tác tại công ty chuyên bán thiết bị điện gia dụng ở TPHCM, cho hay cách hướng dẫn sử dụng thiết bị như trên là bất ổn. “Các thiết bị như quạt, máy lạnh đều được thiết kế và có công năng sử dụng riêng, là thiết bị hoạt động riêng lẻ. Việc người dân tự mua một thiết bị về đấu nối vào hệ thống điện trong quạt hay máy lạnh thì rất dễ làm hỏng thiết bị, gây cháy nổ. Công dụng diệt virus không biết có thật không, nhưng khả năng tiền mất, tật mang là đang hiện hữu”, kỹ sư Lê Văn Đạo cảnh báo.
Nên giữ môi trường không khí thông thoáng
Bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn cho biết, người bị bệnh là có mang virus ở trong phổi. Khi nói chuyện, ho, hắt hơi thì phát tán ra không khí ở xung quanh. Những con virus ở trong không khí xung quanh sẽ lơ lửng vài ba tiếng đồng hồ trước khi rớt xuống bám vào các bề mặt. Như vậy, nếu môi trường không khí càng kín (phòng kín và sử dụng máy lạnh) sự lưu thông không khí càng chậm thì virus sẽ lơ lửng ở trong đó lâu hơn là ở môi trường không khí mở (có mở hai cửa trước và sau để gió lùa đi) có sự trao đổi khí trời, khí tươi nhanh chóng. Khí trời vào trao đổi nhanh chóng nó sẽ hòa loãng và đẩy mầm bệnh đi rất nhanh.
Lưu ý, giữ cho môi trường không khí thông thoáng và nên mở cả hai cửa (cửa trước và cửa sau) để lưu thông không khí. Nếu ở chỗ không có không khí hoặc đứng gió, chúng ta tạo luồng cưỡng bức không khí bằng quạt (quạt hút và quạt đẩy) sẽ đẩy không khí đi nhanh hơn.
Cảnh báo lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo
Mới đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có thông tin cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng. Theo đó, lợi dụng tâm lý lo sợ lây nhiễm COVID-19 của người dân, các đối tượng xấu sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vắc xin để lừa nạn nhân hoặc tuyên truyền các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng.
Không những vậy, các đối tượng xấu còn giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện, mạo nhận đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi COVID-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị.
Cùng với việc nỗ lực ngăn chặn, xử lý các đối tượng lừa đảo, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo. Việc mà người dân có thể làm ngay để ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua mạng là trực tiếp gửi các đường link lừa đảo hoặc nghi ngờ lừa đảo đến
https://canhbao.ncsc.gov.vn.
Thường xuyên làm việc với áp lực cao, mệt mỏi, căng thẳng kéo dài, nhưng không có thời gian khám bệnh, các chủ doanh nghiệp, doanh nhân trẻ rơi vào nguy hiểm.