Lá cờ của ngày Độc lập

02/09/2022 - 17:18

PNO - Lúc còn sống, ông Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác Hồ - kể lại, để chuẩn bị cho lễ mít tinh tại quảng trường Ba Đình (TP.Hà Nội) ngày 2/9/1945, Bác đã gợi ý ban tổ chức nên chọn thành phần nữ tiêu biểu để kéo cờ trên lễ đài, như vậy sẽ làm tăng thêm ý nghĩa của ngày Độc lập. Đó cũng là thông điệp của Bác về giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới khi đất nước độc lập (trên thực tế trong Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới năm 1946 đã khẳng định nam nữ bình quyền).

 

Thế là, trên lễ đài ngày hôm đó, cô gái Đàm Thị Loan - dân tộc Tày, quê ở tỉnh Cao Bằng - đầu đội ca lô lệch đính quân hiệu sao vàng, áo nâu thít ngang, quần thâm chẽn gấu, đi giày ba ta cầm dây kéo cờ; nữ sinh thủ đô Lê Thi bận áo dài trắng nâng lá cờ. Cả hai nắm chắc dây, từ từ kéo theo nhịp bài hát Tiến quân ca hùng tráng. 

Sau đó, bằng chất giọng Nghệ Tĩnh đặc trưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Trong khi đó, ở Sài Gòn, chiều 2/9/1945, một buổi lễ long trọng chào mừng ngày Độc lập cũng được tổ chức phía sau nhà thờ Đức Bà với sự tham gia của khoảng 20 vạn người đủ mọi giới. Chính vào ngày hôm đó, lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nẻo. 

Trước đây, Việt Nam chỉ có cờ của các triều đình phong kiến. Phải từ ngày 2/9/1945, Việt Nam mới có quốc kỳ. Nếu Tuyên ngôn độc lập là văn bản tuyên bố độc lập, khẳng định chủ quyền của một quốc gia thì quốc kỳ tượng trưng chính khí dân tộc. Lá cờ Tổ quốc nền đỏ sao vàng năm cánh trở thành một biểu tượng hiệu triệu người Việt Nam đoàn kết, đấu tranh cho nền độc lập, tự do, thống nhất. 

Năm 2007, tôi miền Trung ra Hà Nội học đại học và tự nhủ lòng phải khám phá cho hết Hà Nội. Một trong những khám phá mà cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn tới hôm nay là đi xem lễ thượng cờ, hạ cờ trên quảng trường Ba Đình. Đây có lẽ là sự kiện “trọng đại nhất” của cả Hà Nội trong mắt lũ sinh viên tỉnh lẻ chúng tôi khi đó và có lẽ cho tới cả hôm nay. Sự kiện ấy diễn ra mỗi ngày, cứ 6g là kéo cờ lên, đến 21g lại hạ cờ xuống.  

Xung quanh chúng tôi khi đó, có người sống ở thủ đô, có người từ nơi khác đến. Già trẻ, lớn bé có đủ. Ai cũng im lặng dõi theo đoàn diễu hành đang thực hiện nghi lễ thượng cờ, hạ cờ.
Trong chúng tôi, giờ đã có người làm cha, làm mẹ. Chúng tôi thỉnh thoảng vẫn hẹn nhau đi xem lễ kéo cờ hoặc hạ cờ. Bạn dắt con cái mình theo để chúng biết có một lễ gọi là lễ thượng cờ và lễ hạ cờ. Những đứa trẻ lít nhít ấy chắc cũng như lũ chúng tôi hồi xưa, có lẽ thích xem nơi đông người tụ về bằng ánh mắt háo hức hồn nhiên. Chúng chưa hiểu một cách tường tận thế nào là độc lập và tự do. Chúng cũng không phải trải qua những ngày bom đạn như thế hệ cha ông để hiểu cái giá để giành được độc lập, tự do. Nhưng mắt trẻ em sáng lắm. Cứ cho các em tiếp xúc với những điều hay, điều đẹp, khi lớn rồi, các em sẽ hiểu.

Ngày xưa, tôi không hiểu vì sao cứ đến gần 2/9, khắp nơi lại cứ treo cờ Tổ quốc. Năm nào cũng như năm nào. Càng lớn, tìm hiểu lịch sử, sống trong bối cảnh toàn cầu, giữa những đợt sóng tin tức chiến tranh, xung đột sắc tộc từ khắp nơi trên thế giới đổ về thông qua đường truyền internet, tôi mới hiểu cảm giác được làm công dân của một đất nước độc lập, hòa bình. Ấy là một phước phần không dễ gì có được. 

Từ trong trải nghiệm và cảm nhận của tôi, hình ảnh lá cờ bay phấp phới trở thành một biểu tượng hết sức thiêng liêng và thành kính. Mỗi độ tuổi sẽ có một bài học khác nhau. Suy cảm về hai chữ “độc lập”, “tự do” cũng theo đó mà thay đổi. Tôi cũng như lũ trẻ con nhà bạn tôi, đang tiếp tục học bài học lịch sử của cá nhân mình, đang tiếp tục sống và làm đầy trải nghiệm của một con người Tự Do đúng nghĩa. 

Có lẽ, đó là lý do cho sự hiện hữu và nhắc nhớ của hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng năm cánh trong những ngày lễ trọng đại của đất nước, đặc biệt là ngày tết Độc lập.  

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI