Kỳ vọng vào sự tử tế qua 40 chiếc ví rơi ở Đà Nẵng, Hội An

29/08/2015 - 15:41

PNO - Một nhóm bạn trẻ đã thực hiện một cuộc khảo nghiệm xã hội tại Đà Nẵng và Hội An bằng cách cố tình đánh rơi 40 chiếc ví.

Ky vong vao su tu te qua 40 chiec vi roi o Da Nang, Hoi An

Những người dân tốt bụng đã nhắc nhở chủ nhân về chiếc ví bị đánh rơi. Ảnh cắt từ clip trên youtube.

Chỉ trong 2 ngày sau khi đăng tải trên mạng youtube, clip về cuộc khảo nghiệm về lòng trung thực ở Đà Nẵng và Hội An của nhóm “Đen hay trắng” đã tạo được sự chú ý trong cộng đồng.

Cuộc khảo nghiệm này vừa được tiến hành trong tháng 8 này, nhóm “Đen hay trắng” đã cử người cố tình làm rơi 40 chiếc ví ở các địa điểm công cộng đông người qua lại ở Đà Nẵng và phố cổ Hội An (Quảng Nam), sau đó bí mật ghi hình phản ứng của mọi người.

Kết quả trong số 40 chiếc ví bị làm rơi, có 34 chiếc ví được trả lại bằng cách nhặt và đưa tận tay nhân vật làm rơi hoặc gọi để nhân vật quay lại nhặt. Chỉ có 6 chiếc ví bị nhặt mà không trả lại, kết quả cho thấy 85% người được thử nghiệm cho thấy họ có đầy đủ lòng tốt và sự trung thực.

Xem clip này, thú thật tôi có rất nhiều cảm xúc khi chứng kiến những phản ứng của người dân ở hai địa danh nổi tiếng này. Họ là những người lao động bình thường, những người có mức thu nhập trung bình yếu (thông qua trang phục), những người già đang ngồi bên lề đường, một đứa bé đáng yêu đang chạy chơi trong công viên.

Họ không thuộc tầng lớp trung lưu để mà “chê tiền”, nhưng họ đã hành xử đúng với thiên lương của con người, thấy của rơi là trả lại, nhất định không tham thứ không phải của mình.

Chứng kiến những phản ứng vô cùng đẹp đẽ, vô cùng nhân bản đó của đồng loại mình, chúng ta bỗng dưng thấy cảm động, bỗng dưng thấy khóe mắt cay cay từ lúc nào.

85% người dân trả lại chiếc ví bị đáng rơi, trong thời điểm mà xã hội đang nhiều lúc thấy thiếu hụt lòng tin vào lòng tốt và sự tử tế, thì con số đó quả là một sự khích lệ vô cùng.

Trên youtube cũng có những cuộc khảo nghiệm tương tự như vậy ở một số quốc gia khác, kết quả như sau: Ở Dubai, 45/45 chiếc ví được trả lại, ở Hàn Quốc là 28/28 và Nhật Bản cũng được kết quả 100%.

Tôi chợt “nghĩ trộm” thế này, cũng may cuộc khảo nghiệm được tiến hành ở Đà Nẵng và Hội An, hai địa danh du lịch nhận được nhiều thiện cảm nhất của du khách trong nước và quốc tế.

Đà Nẵng được đánh giá cao về cách ứng xử rất có tình có lý với người dân của lực lượng CSGT và Hội An- thành phố nổi tiếng với ông Nguyễn Sự- nguyên Bí thư Thành ủy.

Liệu có thể nói rằng, ở hai thành phố ấy, người dân đã hành xử đúng với những gì mà họ nhận được từ chính quyền, họ cho đi sự tử tế như đã nhận về sự tử tế. Ấy thế nên con số mới đạt được 85% (dẫu chưa phải là kết quả 100% như mong đợi).

Còn ở những địa phương khác, liệu có đạt được con số như vậy không, cao hơn hay thấp hơn? Đặc biệt ở 2 trung tâm kinh tế văn hóa xã hội lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, kết quả sẽ thế nào?

Tôi và có lẽ nhiều người cũng giống như tôi, không dám chắc. Không dám khẳng định số chiếc ví được trả lại sẽ cao hơn 85% hay thấp hơn.

Bao giờ chúng ta có con số 100% chiếc ví được trả lại, trên khắp đất nước này, từ thành phố đến thôn quê, ở đâu cũng có những người dân trung thực như Dubai, Nhật Bản hay Hàn Quốc?

Điều đó là hoàn toàn có thể, nếu sự tử tế ngự trị trong xã hội, nếu tình người là giá trị lên ngôi và gắn kết cộng đồng. Sự trung thực, lòng tốt là kết quả một sự giáo dục chu đáo, cẩn thận mà một người nhận được từ khi ra đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Nhưng sự trung thực, lòng tốt cũng chỉ có thể được nuôi dưỡng trong một môi trường xã hội tốt đẹp, kích thích con người ta hướng thiện và làm nhiều việc thiện. Đó là một phản ứng hai chiều, “có đi có lại”.

Bởi vậy, nếu chưa có nhiều những người dân ham thích làm việc tốt và ứng xử tử tế với nhau, hơn ai hết, những người có trách nhiệm trong xã hội cần phải nhìn lại mình. Xem mình đã làm được những gì để khuyến khích tạo dựng được một xã hội tử tế, cộng đồng tử tế?

Tôi luôn tin rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”, con người sinh ra ai cũng đẹp đẽ trong lành như một tờ giấy trắng. Bởi vậy để duy trì được cái “bản thiện” tốt đẹp trong mỗi người, ngoài nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân, chúng ta còn rất cần sự giúp đỡ của đồng loại.

Chúng ta sẽ cho đi những gì chúng ta nhận về từ đồng loại, bởi vậy, mỗi người hãy cố gắng để sống đẹp hơn mỗi ngày.

  • Theo Mi An DVO
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI