Kỳ vọng gì vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới?

25/11/2020 - 06:00

PNO - Ngày 24/11, tại Hà Nội, Hội nhà văn Việt Nam tổ chức Đại hội X, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bầu ban chấp hành khóa mới. Liệu các nhà văn có kỳ vọng gì vào ban chấp hành khóa mới? Báo Phụ nữ TP.HCM ghi nhận ý kiến chia sẻ của một số nhà văn, nhà thơ ngay bên lề đại hội.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Tránh cào bằng “hoa thơm mỗi người ngửi một tí”

Ở nhiệm kỳ 2020 - 2025, những nhà văn trên 70 tuổi đã không còn tham gia ban chấp hành (BCH), nghĩa là một sinh khí chống lão hóa đang được thực hiện ở Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, trách nhiệm của những người lãnh đạo mới cũng đầy thử thách. Đó là lấy lại vị trí của nhà văn trong xã hội, vốn đang bị lu mờ nhiều năm qua. Đã đến lúc Hội Nhà văn Việt Nam cần phát huy vai trò tập hợp những tài năng văn chương đích thực, để đóng góp vào quá trình vận động đi lên của dân tộc. Khi và chỉ khi chất lượng hội viên và chất lượng giải thưởng được nâng lên, thì ý thức sáng tạo mới được kích hoạt đúng mức. 

Hội Nhà văn Việt Nam khóa tới nên thay đổi phương thức hoạt động, tránh xa tâm lý cào bằng “hoa thơm mỗi người ngửi một ít” trong việc đầu tư sáng tác. Chú trọng đặt hàng thật thiện chí cả vật chất lẫn tinh thần, để các tác giả đang sung sức và các tác giả trẻ có được những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống mới, can đảm lý giải những bất cập đang đe dọa cộng đồng, và mạnh dạn đề xuất những ý tưởng nhân văn.

Đại hội khóa X Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra từ ngày 24 - 25/11
Đại hội khóa X Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra từ ngày 24 - 25/11

Mảng lý luận phê bình cũng cần song hành với sáng tác bằng những hoạt động bổ ích. Không nên hội thảo những chủ đề chung chung, mà thực hiện những chuyên đề cụ thể, bám sát hiện thực cuộc sống. Chẳng hạn: "Nhà văn có thể viết về tệ nạn tham nhũng ra sao?". Giới phê bình cũng cần được đặt hàng như giới sáng tác, thậm chí, phải đặt hàng thường xuyên.

Đặc biệt, có một nội dung quan trọng mà nhiệm kỳ cũ để lại, đó là văn học hòa hợp, hòa giải dân tộc. Kết nối với kiều bào và hòa giải các xung đột là mục tiêu cao đẹp cần tiếp tục theo đuổi. Làm từng bước, kiên trì và chân thành. May ra, khi nói văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển, ta mới đỡ băn khoăn.

Nhà văn Võ Thu Hương: Chờ sức trẻ thể hiện rõ hơn

Đại hội X không đưa ra con số thống kê về độ tuổi các đại biểu, nhưng nhìn chung, số lượng các nhà văn U50 trở lên chiếm áp đảo so với U40 trở xuống. Sáng 24/11, khi ngồi chung một nhà văn tuổi U60, ông nói với tôi rằng, ông muốn bầu các nhà văn U40. Nhìn lại thế hệ các nhà văn trước đây, đó đã là tuổi chín muồi. Đó mới là lứa tuổi sung sức để viết và cống hiến.

Trong đoàn đại biểu TP.HCM, tôi là gương mặt 8X duy nhất. Tuổi trung bình của nhà văn Việt Nam thuộc chi hội TP.HCM là 65. Đó là điều đáng buồn vì bên ngoài hội, trong số những bè bạn mà tôi biết, không hề hiếm những gương mặt tuổi 7X, 8X, 9X có khả năng viết tốt, có tác phẩm chất lượng. Việc nộp hồ sơ vào hội với nhiều bước xét duyệt có thể khiến các bạn trẻ ngại tham gia. Nếu ban văn trẻ trong hội chủ động đi tìm những gương mặt xứng đáng để giới thiệu đích danh, thì có thể giải quyết vấn đề này mà chẳng khó khăn gì.

Hiện, hội nhà văn có khá nhiều cuộc thi, nhưng chưa có cuộc thi viết về giới trẻ hoặc dành cho giới trẻ. Đó có thể là sân chơi gắn kết giữa hội và những người viết trẻ. Động lực để những bạn viết văn trẻ theo nghề chủ yếu vẫn tự thân vận động, song, đang thiếu kết nối. Tôi mong sức trẻ sẽ thể hiện rõ hơn trong nhiệm kỳ mới này.

Theo kết quả bỏ phiếu, BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X gồm 11 người, trong đó có hai nhà văn nữ là Nguyễn Thị Thu Huệ và Bích Ngân.
Theo kết quả bỏ phiếu, BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X gồm 11 người, trong đó có hai nhà văn nữ là Nguyễn Thị Thu Huệ và Bích Ngân

Thượng tá - nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó tổng biên tập báo Công An TP.HCM: Cần tiếng nói bảo vệ nhà văn, chấp nhận sự đa chiều trong sáng tạo 

Việc sáng tác văn chương lâu nay vẫn là nỗ lực tự thân, âm thầm của các nhà văn. Tác phẩm hay dở tự có sức lan tỏa hoặc không, thời gian rồi cũng sẽ bảo chứng được chất lượng, giá trị thật của từng tác phẩm. Vì vậy, tôi cũng không đánh giá cao những giải thưởng được trao theo cách an toàn, rồi sau đó lặng như sóng chìm. Như đợt trao giải Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V (giai đoạn 2016 - 2019) vừa rồi, công bố giải xong cũng có mấy ai biết đến những tác phẩm ấy. 

Tôi mong rằng nhiệm kỳ mới, BCH Hội Nhà văn Việt Nam nên quan tâm hội viên về mặt tinh thần nhiều hơn. Hội cần có “con mắt xanh” để thẩm định được, giới thiệu tác phẩm hay đến bạn đọc cả nước, tổ chức hội thảo, tọa đàm về giá trị tác phẩm, tạo cơ hội để sách hay được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông… Hội nhà văn cũng nên là không gian/mái nhà chung đúng nghĩa cho các hội viên, có tiếng nói cần thiết bảo vệ các nhà văn, chấp nhận sự đa chiều trong sáng tạo nghệ thuật. Đó cũng là vấn đề thực tế cần được BCH lưu tâm.  

Nhà thơ Vũ Thiên Kiều: Chú ý những vùng “trắng” hội viên trung ương

Sự kỳ vọng của các nhà văn, nhà thơ với BCH thể hiện ở lá phiếu bầu. Về cá nhân mình, tôi mong BCH khóa mới đoàn kết, toàn tâm toàn ý tập trung lãnh đạo hội với những hoạt động thiết thực ý nghĩa, khơi được niềm đam mê sáng tạo của người viết. Để Hội Nhà văn Việt Nam thực sự là một ngôi nhà văn chương, một địa chỉ tin cậy mà các nhà văn gửi gắm tâm tư nguyện vọng, thiên hướng, và các sáng tác của mình. 

Ngoài ra, cũng cần quan tâm hơn nữa văn học nghệ thuật ở các địa phương. Phát triển văn học, không chỉ ở công tác quản lý, mà phải ở chất lượng hoạt động. Lưu ý, phát triển hội viên ở địa phương vào các hội trung ương, không bỏ sót những cây bút trẻ có tiềm năng sáng tạo. Đặc biệt những hội viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn “trắng” hội viên trung ương. 

Theo kết quả bỏ phiếu chiều 24/11, 11 người trúng BCH Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Lương Ngọc An, nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà văn Vũ Hồng, nhà thơ Hữu Việt, nhà thơ Phan Hoàng, nhà văn Bích Ngân, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà thơ Trần Hùng.

Sau cuộc họp bầu nội bộ, ban chấp hành thông báo nhà văn Nguyễn Quang Thiều đắc cử chức chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, 2 phó chủ tịch là nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nguyễn Bình Phương.

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam thu hút sự tham gia của 597 đại biểu trên cả nước. Trước nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Hữu Thỉnh đảm nhận chức vụ chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam trong 4 khóa, từ năm 2000 đến nay

Minh Tú

Cốc Vũ - Lục Diệp (ghi) 

   

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI