Kỳ thi giáo viên giỏi: Thi giảng bài hay thi quay phim?

19/12/2013 - 16:19

PNO - PN - Khởi động từ tháng Chín, đến nay Hội thi giáo viên giỏi TP.HCM năm 2013-2014 đang bước vào vòng thi cấp thành phố, nhưng hào hứng đâu chẳng thấy, chỉ thấy mệt mỏi, tốn kém...

edf40wrjww2tblPage:Content

KHỔ SỞ KIẾM TIỀN LÀM CLIP

Hội thi được tổ chức theo ba vòng. Vòng đầu tiến hành tại các phòng GD-ĐT quận huyện (đối với bậc THCS) và các cụm chuyên môn (đối với bậc THPT). Vượt qua vòng quận/cụm, giáo viên sẽ dự thi cấp thành phố. Từ hồ sơ các quận, huyện và cụm gửi lên, Ban tổ chức cấp thành sẽ xét chọn - công nhận giáo viên giỏi (GVG) và chọn một số GV vào thi vòng chung kết - xếp hạng (tối đa là tám GV cho mỗi môn học).

Nét “mới” của hội thi năm nay là tất cả các tiết dạy của GV dự thi đều phải quay phim lưu hồ sơ để ban giám khảo (BGK) cấp trên xem xét tuyển chọn. Theo đó, vòng thi cấp quận/cụm, GV sẽ thực hiện hai tiết giảng, quay hai clip. Những GV được chọn vào “đội tuyển” quận/cụm dự thi cấp thành phố sẽ giảng hai tiết và quay hai clip nữa. Vào được vòng chung kết, GV sẽ dạy thực tế một tiết, có quay clip.

Việc phải quay phim tiết giảng để nộp hồ sơ đăng ký thi GVG đang trở thành gánh nặng cho các trường. Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.3 than: trường được quận chọn năm GV dự thi vòng quận, phải quay 10 clip, tốn 10 triệu đồng. Sau đó, hai GV được chọn tham gia thi cấp thành, lại tốn thêm bốn triệu đồng quay phim. Kinh phí nhà nước đâu có chi vào những khoản này! Trường không có máy quay, không ai biết quay, nên buộc lòng phải thuê người thực hiện. Theo hiệu trưởng một trường THCS khác, giá quay hiện từ 1,5-3 triệu đồng/đĩa tùy số lượng máy quay.

Tại Q.5, một hiệu trưởng băn khoăn: “Chuyện quay phim là không ổn, vì đã quay thì phải chuyên nghiệp, phải quay nhiều máy mới có hình ảnh sinh động, nhiều góc độ, nhưng tiền đâu để quay nhiều máy?”. Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 - cho biết, Q.5 chỉ làm kiểu “cây nhà lá vườn”, chủ yếu là ghi lại hình ảnh thầy cô lên tiết dạy. “Nhưng đúng là nếu có ý tưởng tốt, quay và dựng phim tốt sẽ hiệu quả hơn”, bà Thu nhìn nhận. Vì kinh phí có hạn, Trường THPT Tân Phong (Q.7) đã nhờ một phụ huynh quay giúp chín tiết dạy. Cô Đinh Thị Mỹ Hạnh, Phó hiệu trưởng trường, thừa nhận: “Vì chỉ quay một máy nên hình ảnh chủ yếu là từ dưới lớp quay lên, quay cô giáo là chính, không thấy được học trò tiếp thu bài giảng như thế nào trong giờ học…”.

Ky thi giao vien gioi: Thi giang bai hay thi quay phim?

Xét giáo viên giỏi phải toàn diện trong cả quá trình - Ảnh: Phùng Huy

KHÔNG CÓ SỨC LAN TỎA

Sáng kiến kinh nghiệm là điều kiện tiên quyết trong hồ sơ đăng ký dự thi GVG ngay từ cấp cơ sở. Khi lọt vào vòng thi cấp thành phố, GV còn phải làm thêm bài kiểm tra năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm trong hai tuần. Ban giám khảo sẽ căn cứ vào các tiết giảng (qua đĩa), bài thi kiểm tra năng lực (qua email) và sáng kiến kinh nghiệm của GV để xét chọn - công nhận GVG và chọn GV vào vòng chung kết. Thực tế, sáng kiến kinh nghiệm luôn là nỗi ám ảnh của nhiều thầy cô giáo dự thi. Một vị hiệu trưởng ở Q.5 than: “Năm nào cũng thi GVG thì lấy đâu ra sáng kiến? Còn kinh nghiệm thì cũng phải nhiều năm dạy học mới rút ra được. Cho nên, kinh nghiệm năm nào cũng hao hao nhau, người chấm luôn có cảm giác là đã đọc ở đâu đó rồi”.

Tương tự, bài kiểm tra năng lực sư phạm cũng vậy. Một vị từng làm BGK nói với chúng tôi: “Cả sáng kiến kinh nghiệm và bài kiểm tra nghiệp vụ, chúng tôi không thể xác định được có phải là của GV không, hay là của tập thể tổ bộ môn, của trường, của quận, thậm chí là của... cư dân mạng!”. Tính khách quan, công bằng và trung thực của cuộc thi, vì thế, khó mà đảm bảo.

Vì không thiết thực nên cuộc thi cũng thiếu sức hấp dẫn. Tại một cụm thi gồm năm quận với 14 trường THPT nhưng chỉ có ba GV lịch sử dự thi và tất nhiên những GV này được đặc cách vào thẳng vòng thi thành phố mà không cần phải qua vòng thi cụm. Một GV dự thi GVG năm nay nói: “Tụi em không mặn mà vì áp lực dữ lắm” và giải thích: “Đi thi đâu chỉ cho riêng mình mà là đại diện cho cả trường. Dù anh có chuẩn bị kỹ đến mấy nhưng khi giảng thi, chỉ trục trặc tí xíu là có thể không thành công”.

Kết quả kỳ thi GVG được Sở GD-ĐT TP.HCM xác định dùng để làm căn cứ đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị và cá nhân; danh hiệu GV dạy giỏi là căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với GV. Một GV dạy môn Giáo dục công dân khá có tiếng kể, năm ngoái có một nữ GV ở quận khác đến nhờ hỗ trợ tư liệu để về dạy thao giảng và đạt kết quả cao. Năm nay, cũng GV ấy lại liên hệ nhờ anh hỗ trợ để dự thi GVG. Cô này tiết lộ: nếu đoạt danh hiệu GVG, cô sẽ có cơ hội lên làm cán bộ quản lý. Phải chăng đây là lý do khiến cho các trường và GV dù không mặn mà nhưng vẫn cứ phải… thi GVG? Và với những mục tiêu như thế, học sinh (HS) được hưởng lợi gì từ phong trào này?

Nhiều nhà quản lý GD cho rằng, với cách tổ chức như hiện nay thì mục đích của cuộc thi là “tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy” không thể đạt được, vì những tiết giảng dự thi chẳng có đồng nghiệp nào tham dự, trừ BGK. Sau cuộc thi, các tiết dạy giỏi không được duy trì và kinh nghiệm của những GVG cũng không lan tỏa được đến với các đồng nghiệp khác. Nhiều trường tư (không bị ràng buộc nhiều về thi đua như trường công) rất dửng dưng với cuộc thi này.

Khi được hỏi, hiệu trưởng một trường tư thục thẳng thắn: “Xét GVG là phải toàn diện trong cả quá trình, phải căn cứ vào nhiều mặt như lòng yêu nghề, cái tâm, cái đức, sức hút của họ đối với HS và phụ huynh… và kết quả cuối cùng là HS có tiến bộ trong học tập, trong nhận thức hay không. Chỉ chấm một - hai tiết dạy trên bục giảng, nếu may mắn, giảng xuất thần thì được danh hiệu GVG; còn nếu tinh thần hôm đó mệt mỏi, giảng dạy có sơ suất, chắc chắn sẽ không được GVG. Điều này rất vô lý”.

Một vị khác lý luận: “GV có tiết dạy hay hoàn toàn khác với GV dạy giỏi. GVG thì mọi tiết dạy và mọi hoạt động của họ đều vì HS, được HS hiểu, thẩm thấu và vận dụng vào cuộc sống, thậm chí là còn hình thành được một điều gì đó về nhân cách cho HS. Vì thế, đánh giá GV là phải rất bao quát, chẳng có BGK nào chấm chính xác bằng HS!”. Nhiều nhà giáo đúc kết: hội thi GVG đang rơi vào thế “một dư” (lãng phí) và “ba thiếu” (thiếu thiết thực, hấp dẫn và sức lan tỏa).

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI