Kỹ sư, cử nhân thất nghiệp tràn lan - Bài 1: ĐH rớt giá, nghề lên ngôi

13/06/2013 - 09:47

PNO - PN - Kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho thấy, tính đến đầu năm 2013, tỉnh có 11.569 SV tốt nghiệp thất nghiệp, trong đó có một thạc sĩ, 3.047 cử nhân ĐH, 4.042 CĐ. Cuối năm 2012, tỉnh chính thức tạm dừng chính sách thu...

KỸ SƯ, CỬ NHÂN LÀM… “CÒ”

Phải nhiều lần thuyết phục, Thắng - một cử nhân thất nghiệp mới chịu gặp chúng tôi. Thắng tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng đã mấy năm nay, năm-bảy lần vác đơn đi xin việc nhưng không được. Khoảng hai năm trở lại đây, anh gia nhập đội ngũ "cò" ngân hàng - một nghề theo anh là “chuyên đi rình rập, lôi kéo và đôi khi phải lừa dối” thì mới kiếm được tiền! Trò chuyện thân tình, Thắng mở tin nhắn, bảo chúng tôi xem: “Con không nợ nần gì cô nên đừng ngại. Con cứ nghe máy đi, xem còn cách nào giúp cô không”. Anh kể: “Khách hàng này đã nhắn không biết bao nhiêu tin, gọi không biết bao nhiêu cuộc cho em, nhưng em không dám nghe máy, không gọi lại. Em ân hận và cũng thấy thương chị ấy lắm, nhưng chẳng có cách nào giúp chị ấy cả”.

Thắng kể, khách hàng này cần vay 1,5 tỷ đồng để đáo nợ ngân hàng và còn ít vốn xoay xở làm ăn. Với kinh nghiệm của một tay “cò” ngân hàng, Thắng biết, trường hợp của chị chỉ có thể vay được một tỷ nhưng anh vẫn hứa “sẽ có cách” giúp chị vay được 1,5 tỷ như ý muốn. Rồi anh “dẫn lối” cho chị vay nóng 1,1 tỷ đồng dưới hình thức ký mua bán nhà để có tiền đáo nợ ngân hàng, lấy giấy tờ ra để đi vay 1,5 tỷ đồng ở một ngân hàng khác. Kết cục: khách hàng này mất nhà (chính xác là phải bán nhà giá rẻ cho dịch vụ cho vay nặng lãi). Thắng ân hận: “Lúc mình dụ dỗ, chỉ nghĩ làm sao giao dịch thành công để được 1,5% tiền “cò” (16,5 triệu đồng), không nghĩ là chị ấy sẽ mất nhà”.

Gia nhập đội ngũ “cò” với Thắng còn có nhiều kỹ sư, cử nhân như Trung (tốt nghiệp ĐH Công nghiệp), Hoàng (tốt nghiệp ĐH Luật), Quá (tốt nghiệp ĐH Hàng hải)…

Tương tự, cử nhân Lê Kim H., tốt nghiệp loại giỏi ngành lịch sử trường ĐH KHXH&NV, có khả năng ngoại ngữ và có cả chứng chỉ sư phạm, nhưng chờ hơn một năm vẫn không tìm được việc làm tại TP.HCM, H. đành về quê xin dạy hợp đồng tại một trung tâm giáo dục thường xuyên. Không sống nổi với đồng lương bèo bọt, năm 2012, H. quay lại TP.HCM, được một doanh nghiệp tuyển về Bình Dương làm nghề tư vấn bất động sản. Rồi cô lấy chồng, sinh con và sống dựa nhà chồng.

Tình trạng của T.L. mới đáng lo. Tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế-Luật loại khá từ hai năm nay nhưng không xin được việc làm, nên L. chấp nhận làm mọi công việc có thể, từ phụ bán hàng, làm gia sư, giúp việc nhà… để kiếm sống và tiếp tục chờ cơ hội. Để tránh ánh mắt ái ngại của những người xung quanh, mỗi buổi sáng L. cũng ăn mặc đẹp xách giỏ ra đi, nhưng tối về cô lại lặng lẽ khóc thầm. Áp lực của cuộc sống hàng ngày và sự kỳ vọng của gia đình khiến cô như bị mất phương hướng. Cũng theo L., những SV tốt nghiệp cùng khóa, cùng trường với cô hiện thất nghiệp khá đông, làm đủ thứ công việc để kiếm sống như phục vụ quán ăn, nhà hàng, bán sim điện thoại, bán bảo hiểm xe gắn máy, dạy kèm…

Ky su, cu nhan that nghiep tran lan - Bai 1: DH rot gia, nghe len ngoi

Không ít các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp ĐH-CĐ không tìm được việc làm đúng chuyên môn, hàng ngày phải kiếm sống với đủ thứ công việc hoặc phải la cà tại các quán cà phê như thế này

CƠ HỘI CHO NGƯỜI HỌC NGHỀ

Dù không có số liệu cụ thể, nhưng theo bà Trần Thị Túc - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm cho trí thức (Rajci), số lao động có bằng ĐH tại TP.HCM hiện thất nghiệp rất nhiều. Những ngành còn tuyển lác đác là điện, cơ khí, công nghệ thông tin, môi trường. “Các ngành khác đều ứ đọng. Kế toán là ế nhất, lúc nào trung tâm cũng có 30-40 hồ sơ mà không có nơi tuyển. Ngày trước lương kế toán luôn hơn lương kỹ sư. Giờ tình hình đã xoay chiều, lương kế toán giỏi lắm cũng chỉ bằng kỹ sư, nhưng tuyển kế toán thì khó hơn, ứng viên phải có kinh nghiệm năm-bảy năm. Các em học kế toán mới ra trường, lương khởi điểm chỉ ba triệu mà không ai tuyển. Nhiều em chấp nhận đi bán hàng, phục vụ nhà hàng khách sạn”. Để chứng minh điều mình nói, bà Túc cho chúng tôi xem thông báo tuyển dụng nhân viên sale và marketing của một công ty. Điều kiện dự tuyển là: tốt nghiệp ĐH (hoặc CĐ) chuyên ngành quản trị kinh doanh (hoặc marketing), vi tính văn phòng, Anh văn trình độ B trở lên, giao tiếp tốt, nhanh nhẹn, hoạt bát, trung thực, có khả năng làm việc nhóm, ưu tiên người có kinh nghiệm… nhưng mức lương thì không hề đề cập đến.

Ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên cho biết, từ đầu năm đến nay, kỹ sư, cử nhân các ngành xây dựng, kế toán và hóa thị trường không có nhu cầu tuyển. Khá hơn thì chỉ có ngành du lịch khách sạn và thương mại. Ông Sang nói: “Trong khi nhiều SV tốt nghiệp ĐH-CĐ không tìm được việc làm và làm đúng chuyên môn thì những người học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và CĐ nghề (gọi tắt là học nghề) lại rất dễ tìm việc làm ổn định, mức lương khởi điểm cũng chẳng kém cử nhân (ba triệu đồng trở lên), nhất là ở các ngành kỹ thuật công nghệ như hàn, cơ khí”. Cô Trần Thúy Hằng - nhân viên phụ trách giới thiệu việc làm cho HS, SV tốt nghiệp tại Trường CĐ nghề TP.HCM, cũng cho biết thực trạng việc làm của HS-SV tại trường như sau: các ngành cơ khí, điện công nghiệp, điện lạnh thì được doanh nghiệp tuyển ngay trong quá trình thực tập với mức lương khởi điểm là 3,5 triệu. Sau 5 năm làm việc, lương có thể được nâng lên năm-bảy triệu, số lượng tuyển khá nhiều, từ 10-20 em mỗi doanh nghiệp, nhưng không có đủ người để đáp ứng.

Nguyễn Giao Chi - công nhân một công ty cơ khí tại KCN Amata (Đồng Nai), cho biết: sau khi tốt nghiệp hệ công nhân kỹ thuật ngành cơ khí tại Trường trung học Công nghiệp TP.HCM (hiện là CĐ nghề Nguyễn Trường Tộ), anh đi làm hai năm tại Việt Nam rồi đi lao động xuất khẩu ba năm tại Nhật. Năm 2011, trở về, anh xin vào làm công nhân tại công ty hiện tại với mức lương 4,5 triệu đồng. Sau 1,5 năm làm việc, lương của Chi hiện là bảy triệu đồng. Chi cho biết, nhóm năm-sáu người bạn cùng học nghề chung với anh hiện đều làm việc với mức lương sáu-bảy triệu đồng.

Ông Lê Sỹ Thắng - Giám đốc Công ty Việt Linh - một công ty chuyên sản xuất thiết bị điện mặt trời tại Q.Tân Bình - cho biết, cơ cấu nhân sự của công ty gồm: 10% kỹ sư, 40% công nhân trình độ TC và CĐ nghề, 50% lao động phổ thông. Nhiều công nhân kỹ thuật có lương đến bảy triệu đồng, không kém gì kỹ sư.

Khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động trong năm 2012 và quý I năm 2013 trên 100.000 doanh nghiệp của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy: số lao động có trình độ ĐH-CĐ mà các doanh nghiệp đã tuyển chỉ chiếm gần 25%, còn lại là lao động kỹ thuật có tay nghề trong các lĩnh vực vận hành máy móc, tạo ra sản phẩm, sản xuất kinh doanh, ở các nhóm ngành cơ khí, luyện kim, công nghệ ô tô xe máy; hóa chất, y, dược, mỹ phẩm; công nghệ chế biến thực phẩm, dệt-may, da-giày, thủ công mỹ nghệ. Tỷ lệ SV-HS trường nghề tìm được việc làm sau ba tháng tốt nghiệp là trên 82%.

 Minh Nhật 

Bài 2: Phải thay đổi cán cân đào tạo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI