Theo các doanh nghiệp (DN) lữ hành, lưu trú, hàng không... ngành du lịch sẽ mở cửa đón khách quốc tế từ 15/3, các đơn vị mong muốn cần sớm công bố kế hoạch, hướng dẫn đón khách, đặc biệt là phải thống nhất trong các quy định đón khách như xét nghiệm, cách ly du khách... để sớm cung cấp thông tin cho đối tác nước ngoài.
Theo thông tin mà các DN cập nhật, Bộ Y tế đưa đề xuất giám sát khách quốc tế 72 tiếng sau khi nhập cảnh tại cơ sở lưu trú. Quy định này sẽ ít nhiều ảnh hưởng, có thể là rào cản, khi mở cửa du lịch.
|
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM (người đứng) - chủ trì tọa đàm giải pháp thu hút khách quốc tế đến TPHCM năm 2022 vào sáng 3/3 |
Theo các DN, du khách xuất hay nhập cảnh hiện đều phải test PCR, sau 3 ngày nhập cảnh cũng phải test... điều này khiến du khách mất thêm chi phí, hoặc chi phí tour cao hơn. Các DN đề xuất, cơ quan chức năng có thể chỉ áp dụng xét nghiệm nhanh đối với du khách quốc tế hoặc cho phép đội ngũ y tế test cho du khách tại điểm lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, resort...) thay vì phải thực hiện tại các bệnh viện, cơ sở y tế được chỉ định.
Ông Bùi Thế Duy - Tổng giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt - dẫn chứng, trong gần 9.000 khách đến Việt Nam trong 3 tháng qua, chỉ có 27 người nhiễm COVID-19, và chỉ có 1 trường hợp chuyển nặng phải nhập viện. Nếu so tỷ lệ nhiễm thực tế ở TPHCM hay các tỉnh, thành khác thì tỷ lệ du khách nhiễm bệnh rất thấp. Do đó, Sở Du lịch TPHCM cần mạnh dạn kiến cấp quản lý nên có cơ chế đặc thù là toàn bộ khách đến TPHCM không cần xét nghiệm, chỉ cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
"Nếu có phát sinh thì bảo hiểm du lịch sẽ lo, chúng ta hoàn toàn có thể bán bảo hiểm đắt hơn hoặc khách sẽ tự chịu chi phí điều trị... ", ông Duy chia sẻ.
Cũng theo ông Bùi Thế Duy, giá thành các sản phẩm du lịch đang tăng nhanh do giá vé máy bay tăng cao và chi phí phòng chống dịch. Một tour inbound (khách vào Việt Nam) hiện phải test PCR ít nhất 3 lần (trước khi xuất phát, ngay khi nhập cảnh và khi chuẩn bị xuất cảnh. Chi phí xét nghiệm này rất lớn.
|
Lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM chào mừng chuyến bay thẳng đầu tiên từ Melbourne (Úc) hạ cánh tại TPHCM |
Ông Trương Phương Thành - Phó tổng giám đốc Bamboo Airways - cũng cho rằng cần phải tạo điều kiện thông thoáng hơn để mở của đón khách quốc tế trở lại. Thông thường, một chuyến bay quốc tế, hãng cần 2 - 2,5 giờ làm thủ tục, nhưng bây giờ là từ 5-6 giờ, khách phải xuất trình rất nhiều giấy tờ, trong đó có các thủ tục liên quan đến kiểm soát dịch bệnh COVID-19 để xuất cảnh. Chuyến bay từ Melbourne (Úc) về Việt Nam của hãng mới đây có 260 khách đăng ký, nhưng khi xét thủ tục, 26 khách không đủ điều kiện nhập cảnh... Tới đây các đường bay quốc tế được nối lại nhiều hơn, nếu không thay đổi chính sách giám sát, sẽ phát sinh nhiều vấn đề.
Đại diện Bamboo Airways cũng đề xuất các DN lữ hành, lưu trú, hàng không cần liên kết để xây dựng sản phẩm du lịch theo combo chào bán ra nước ngoài nhằm giảm chi phí, gia tăng lợi ích cho du khách và DN.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM bày tỏ, sẽ tiếp thu các đóng góp và kiến nghị Chính phủ cùng các bộ ngành cho TPHCM một cơ chế riêng trong việc thu hút khách du lịch quốc tế, trong trường hợp ngày 15/3 các địa phương chưa sẵn sàng để mở cửa hoàn toàn. Dù vậy, các đơn vị trong ngành cần luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng để đón khách. Các DN cần rà soát, làm mới các sản phẩm và dịch vụ".
Kế hoạch phục hồi du lịch sẽ đổ vỡ nếu làm theo đề xuất của Bộ Y tế Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng, đề xuất giám sát du khách quốc tế 72 giờ sau nhập cảnh tại cơ sở lưu trú của Bộ Y tế, cùng các yêu cầu xét nghiệm sẽ làm mọi kế hoạch của ngành du lịch đổ vỡ. Trước khi COVID-19 xuất hiện, khách du lịch chiếm 30% số khách đến Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài. Nếu không có nguồn khách này, hàng không quốc tế cũng khó hoạt động. Ông Nam đánh giá chương trình thí điểm đón khách quốc tế tại 5 địa phương vừa rồi không thành công khi chỉ có 3 địa phương có chuyến bay và có khách, 2 địa phương chưa có khách. Nếu chia ra, mỗi tháng cả nước đón được 3.000 khách, con số này quá ít. Do nhiều yêu cầu gây khó cho cả DN lẫn du khách, thậm chí còn gây tổn hại uy tín của du lịch Việt Nam trong mắt khách quốc tế. "Tôi cho rằng chỉ cần sàng lọc du khách ở nước ngoài với điều kiện đã tiêm 2 liều vắc xin, xét nghiệm PCR 72 tiếng trước giờ bay là đủ. Không cần áp thêm điều kiện đối với du khách. Một khi du khách nhập cảnh Việt Nam, đi qua cửa khẩu rồi cần đối xử với họ như đối xử với người nhà. Nếu phân biệt khách Việt, du khách nước ngoài thì việc kinh doanh sẽ không hiệu quả", ông Nam nói. Ông Nam cũng kiến nghị, trước đây miễn đơn phương cho bao nhiêu quốc gia để phát triển du lịch thì bây giờ phải khôi phục chính sách miễn visa. Hiện Việt Nam miễn visa đơn phương cho 13 nước, song phương cho 11 nước. Tổng cộng có 24 nước được miễn visa, trong khi đó Thái Lan miễn visa cho 64 nước, Malaysia và Singapore khoảng 120-130 nước, Indonesia hơn 150 nước... "Vì miễn visa quá ít so với các quốc gia khác, nên tỷ lệ cạnh tranh, phát triển du lịch của chúng ta rất hạn chế. Do đó cần miễn visa cho nhiều quốc gia hơn, tốt nhất là cho toàn bộ các quốc gia EU, vì hiện nay có nước được miễn, nước không được, điều này dẫn đến việc khó mở đường bay, khó có khách cũng như thu hút du lịch", ông nói. |
Quốc Thái