Kiểm soát súng đạn giúp giảm thiểu bạo lực chết người

11/07/2022 - 06:38

PNO - Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới, giữa bối cảnh bạo lực súng đạn liên tục diễn ra ở Mỹ.

Quy định nghiêm ngặt về súng đạn

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe ở Nhật Bản giống như một cú đánh vào luật kiểm soát súng nghiêm ngặt của đất nước này vì luật hạn chế sở hữu vũ khí của Nhật khá thành công. Các chuyên gia nghiên cứu luật về súng nhấn mạnh rằng: Ngay cả những biện pháp nghiêm ngặt nhất cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn khả năng bạo lực của con người. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát nếu thành công, có thể làm giảm cả mức độ nghiêm trọng của bạo lực súng đạn, cũng như áp đặt các rào cản khiến nó khó có thể diễn ra hơn.

Nhân viên an ninh khống chế nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe ở Nara, Nhật Bản - ẢNH: KYODO
Nhân viên an ninh khống chế nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe ở Nara, Nhật Bản - Ảnh: KYODO

Bạo lực súng đạn là cực kỳ hiếm ở Nhật Bản. Theo dữ liệu của Đại học Sydney (Úc), năm 2018, quốc gia có 125 triệu dân này chỉ xảy ra 9 trường hợp tử vong vì súng so với 39.740 người chết vì súng ở Mỹ trong cùng năm. Nancy Snow - Giám đốc Hội đồng Công nghiệp an ninh Quốc tế Nhật Bản - cho biết: “Vụ nổ súng sẽ thay đổi Nhật Bản mãi mãi. Nó không chỉ hiếm mà còn thực sự khó hiểu về mặt văn hóa”. Đài Truyền hình Nhật Bản NHK dẫn lời cảnh sát, tiết lộ nghi phạm trong vụ nổ súng hôm 8/7 là một người đàn ông địa phương khoảng 40 tuổi, sử dụng súng tự chế. 

Theo luật kiểm soát súng của Nhật Bản, các loại súng được phép mua bán là súng săn và súng hơi. Nhưng để có thể sở hữu chúng phải mất một quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi nỗ lực và rất nhiều kiên nhẫn. Để đủ điều kiện nhận giấy phép sử dụng súng, người mua tiềm năng phải tham gia một lớp học, vượt qua bài kiểm tra viết và bài kiểm tra bắn súng với độ chính xác ít nhất là 95%. Họ cũng phải trải qua một cuộc đánh giá sức khỏe tâm thần và kiểm tra ma túy, cũng như kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt, bao gồm xem xét hồ sơ tội phạm, nợ cá nhân và các mối quan hệ với gia đình và bạn bè.

Sau khi mua được súng, chủ sở hữu phải đăng ký vũ khí của họ với cảnh sát. Khẩu súng phải được cảnh sát kiểm tra mỗi năm 1 lần. Những người sở hữu súng phải học, thi lại 3 năm 1 lần để gia hạn giấy phép. Các quy định hạn chế nghiêm ngặt đã khiến số lượng chủ sở hữu súng tư nhân ở Nhật Bản rất thấp. Năm 2017, Nhật Bản chỉ có trung bình 0,25 khẩu súng/100 dân, so với khoảng 120 khẩu súng/100 dân ở Mỹ. Tỷ lệ người chết vì bạo lực súng đạn ở Nhật là khoảng 1/5.000.000 vào năm 2019.

Giảm nguy cơ bạo lực súng đạn

Người bắn ông Shinzo Abe sử dụng một vũ khí được chế tạo thô sơ bằng băng keo và ống kim loại. Những vũ khí như vậy có thể được lắp ráp bằng vật liệu có ở hầu hết các cửa hàng. Dù vậy, điều đó cũng cho thấy các biện pháp quản lý đã khiến kẻ thủ ác đã không thể tìm được loại vũ khí thực sự, từ đó sẽ có ít vụ bạo lực súng đạn gây chết người hơn. Hung thủ đã buộc phải sử dụng các phương pháp bất thường và khó khăn để chế tạo súng, đòi hỏi thời gian và chuyên môn. Việc mày mò nhét chất nổ tự chế vào một ống kim loại cũng mang lại rủi ro cá nhân cho hung thủ. 

Trong khi đó ở hàng loạt vụ xả súng xảy ra ở Mỹ, hung thủ dễ dàng phạm tội bằng vũ khí mà mình sở hữu. Điển hình như tại thị trấn Uvalde, bang Texas (Mỹ), nơi hung thủ sử dụng khẩu súng trường AR-15 giết 19 trẻ em và hai giáo viên vào ngày 24/5. Tương tự, một kẻ tấn công khác đã sử dụng súng trường để giết chết mười người tại một cửa hàng tạp hóa ở TP.Buffalo, bang New York vào ngày 14/5. Tất cả hung thủ đều sở hữu súng một cách hợp pháp. Đây chỉ là hai trong số hơn 300 vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ tính riêng trong nửa đầu năm 2022.

Trung Quốc - quốc gia cũng có luật sử dụng súng nghiêm ngặt - cũng trải qua nhiều vụ tấn công bằng dao, cướp đi sinh mạng của khoảng chục trẻ em mỗi năm. Dù vậy, so với các vụ xả súng hàng loạt của Mỹ, những vụ tấn công bằng dao của Trung Quốc gây chết người chỉ bằng 1/10. Mặt khác, truyền thông quốc tế chỉ ghi nhận 2 - 3 vụ tấn công hàng loạt bằng dao mỗi năm ở Trung Quốc, so với hàng trăm vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ. 

Vụ ám sát cố Thủ tướng Shinzo Abe là một ngoại lệ có thể làm rung chuyển Nhật Bản trong nhiều năm tới, nhưng đồng thời cũng là một lời nhắc nhở cho thế giới về sự cảnh giác hơn nữa với bạo lực súng đạn cũng như sự cần thiết của việc kiểm soát vũ khí. 

Tấn Vĩ (theo CNN, Guardian, New York Times)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI