Khu vui chơi của trẻ: con chơi, cha mẹ lo ngay ngáy

24/03/2015 - 08:01

PNO - PN - Hàng loạt vụ tai nạn tại các điểm vui chơi vừa qua khiến nhiều bậc phụ huynh và các cơ quan quản lý giật mình. Trẻ nhỏ đang rất thiếu chỗ chơi, trong khi đó, một số ít những khu vui chơi hiện hữu lại ẩn chứa nguy cơ tai nạn....

edf40wrjww2tblPage:Content

 Khu vui choi cua tre: con choi, cha me lo ngay ngay

Khu vui chơi tự phát trên đường Ba Vân (Q.Tân Bình) để dây điện la liệt dọc lối đi của trẻ em

Tàu trật đường ray, đu quay cót két…

Chiều 18/3, chúng tôi đến khu vui chơi trẻ em sát chợ Bàu Cát (đường Nguyễn Hồng Đào, P.14, Q.Tân Bình) khi hơn chục trẻ em đang có mặt. Điểm vui chơi này được mở ra hơn 10 năm nay với những trò: thú nhún, đu quay, xe điện, ngựa điện, đua xe, tàu điện với các loại đèn xanh đỏ bắt mắt. Trong số này, những con thú nhún, siêu nhân rất được các cháu nhỏ ưa thích. Giá vé của các trò chơi cưỡi ngựa, đu quay, thú nhún, nhà bóng… dao động từ 2.000 - 3.000đ. Những trò đua xe, xe điện, tàu điện giá 10.000đ.

Đến khoảng 17g, khu vui chơi này đông đúc hẳn khi lượng khách nhí được cha mẹ đón từ nhà trẻ về, tranh thủ ghé chơi. Anh Đào Vĩnh (ngụ Q.Tân Bình) cho biết: “Mỗi chiều đi học về, con tôi đều đòi vào đây. Khu này nhiều trò nhưng giá chỉ từ 2.000 - 10.000đ. Cháu chơi cả chục trò có khi chỉ hết 30.000đ”. Theo anh Vĩnh, các thiết bị trò chơi ở đây đã cũ kỹ, rỉ sét nhưng giá vé rẻ. Nếu đưa con tới chơi ở trung tâm thương mại hay công viên lớn như Đầm Sen, ít nhất cha mẹ cũng tốn 200.000đ.

Khu vui choi cua tre: con choi, cha me lo ngay ngay

Tại khu vui chơi dành cho trẻ em trên đường Tây Thạnh (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú), cũng xảy ra tình trạng thiết bị cũ kỹ, rỉ sét và bụi bặm bám đen. Máy móc quá cũ nên mỗi khi vận hành lại phát ra âm thanh ken két, chói tai. Một bé gái khoảng sáu tuổi được mẹ bế lên ngồi trên đu quay con ngựa. Ban đầu bé thích thú, nhưng khi nghe tiếng trục quay kẹt kẹt thì bắt đầu mếu máo đòi xuống. Khu vui chơi Gia Phú trên đường CN1, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú rộng khoảng 200m2. Các thiết bị chỉ được che đậy sơ sài nên cũ kỹ, rỉ sét. Ổ cắm điện đặt dưới đất, không an toàn.

Dạo một số điểm vui chơi trẻ em trên đường Hoàng Minh Giám (Q.Gò Vấp), Hà Huy Giáp (Q.12), khu dân cư gần trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình cơ sở 2 (Q.12)... chúng tôi cũng gặp những cảnh mất an toàn tương tự. Dây điện của các thiết bị thường được đấu nối lộ thiên, thô sơ và chạy dọc lối qua lại. Thậm chí, có điểm vui chơi, dây điện còn đấu nối ngay dưới ghế ngồi của các bé và được cuốn lại bởi một lớp băng keo mỏng, dễ bong tróc. Chỉ cần em nào hiếu động với tay, chân tới những mối dây điện trên, hiểm họa sẽ khôn lường.

Khu vui choi cua tre: con choi, cha me lo ngay ngay

Trụ điện điều khiển tại một khu trò chơi hoàn toàn không có thiết bị bảo vệ dù xung quanh có rất nhiều trẻ em - Ảnh: Phùng Huy

Điểm đáng lưu ý tại các khu vui chơi trẻ em là thiếu bảng chỉ dẫn và sự thờ ơ của nhân viên quản lý. Khi trẻ trình vé, nhân viên sẽ chỉ các em leo lên máy bay, thú nhún hay tàu lửa rồi quay ra bật công tắc điện cho thiết bị vận hành. Một nhân viên thường điều khiển từ ba-năm trò một lúc nên không thể chú ý tới các khách hàng nhí... Tại điểm vui chơi trên đường Hương lộ 2 (Q.Tân Phú) chúng tôi thấy, dù phải quản lý bốn trò chơi khác nhau là đu quay, tàu điện, ngựa điện và xe lửa, nhưng nhân viên chỉ canh thời gian tắt, mở thiết bị rồi chăm chăm nhìn vào chiếc điện thoại trên tay. Trẻ thường đi cùng phụ huynh, nhưng cũng không ít cha mẹ chỉ đưa tiền cho các em tự mua vé vào chơi, bản thân ngồi một chỗ uống nước hoặc mải dùng điện thoại.

Tại khu vui chơi Thỏ Trắng trước Trung tâm thương mại Aeon (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú), giữa trời nắng chang chang lúc 2g chiều 21/3, chúng tôi bắt gặp một nhóm thiếu nhi đang la hét trên cột đu quay khổng lồ. Chơi xong, một em đã bị xỉu vì cảm nắng. Đến tối, tại khu này cũng có một em trai chín tuổi ôm bụng ói mửa sau khi chơi trò tàu lượn siêu tốc. Hỏi chuyện, cha em cho biết em vốn say xe, nhưng không được nhân viên bán vé tư vấn nên anh vẫn cho con chơi.

Khu vui choi cua tre: con choi, cha me lo ngay ngay

Ngoài vấn đề thiết bị kém chất lượng, sự lơ là của nhân viên trông coi, chủ các khu vui chơi cũng rất… liều. Tại điểm vui chơi cho trẻ trên đường Ba Vân (P.15, Q.Tân Bình), chỉ có một nhân viên kiêm ba nhiệm vụ bán vé, bảo vệ, kỹ thuật.

Do diện tích khu vui chơi quá nhỏ nên trò tàu điện được bố trí trên vòng tròn đường ray tí hon. Các thanh ray lại không được cố định vào nền đất nên khi tàu chạy, lực hướng tâm dễ làm tàu nghiêng ngả, trật bánh. Trẻ chơi tàu điện trên vòng ray nhỏ không chỉ dễ chóng mặt, nhức đầu, nhiều phụ huynh còn liên tục “thót tim” vì tàu điện thỉnh thoảng chệch khỏi đường ray. Khi sự cố xảy ra, các phụ huynh trở thành nhân viên bất đắc dĩ, phụ giúp “siêu nhân viên” của khu vui chơi... nâng tàu điện về đúng vị trí.

Tình trạng quản lý lỏng lẻo cũng xảy ra tại khu vui chơi liên hợp dành cho thiếu nhi tại khu vực chung cư An Sương, P.Tân Hưng Thuận, Q.12. Khu vui chơi này nằm trong khoảnh đất trống đợi giải tỏa, cách UBND phường chưa đầy 100m, phía trên có đường dây cao thế chạy qua. Tối đến, các loại đèn nhấp nháy đón khách ra vào tấp nập.

Khu vui choi cua tre: con choi, cha me lo ngay ngay

Nhân viên khu vui chơi trên đường Nguyễn Hồng Đào tập trung vào chiếc điện thoại, không hề để ý đến những em nhỏ đang chơi trò ô tô điện

Thả lỏng kiểm định

Một chủ phân phối các thiết bị làm khu vui chơi trẻ em tại H.Bình Chánh cho biết, mở khu vui chơi trẻ em là lĩnh vực kinh doanh dễ kiếm tiền. Chỉ cần 150 triệu đồng, người đầu tư có thể mua một bộ đoàn tàu lửa đời mới có ba dốc lớn nhỏ và một chiếc đu quay 10 ghế ngồi hình thú. Nếu đưa về một bãi đất trống trong khu đông dân cư, kinh doanh từ 17g đến 21g có thể thu được tối đa ba triệu đồng/ngày. “Chỉ vài tháng là có lãi, nhưng phải chịu khó học thêm vài mẹo sửa chữa khi xảy ra sự cố. Khi nào thiết bị cũ thì sơn mới là xong”, chủ cơ sở này nói.

Chị N., chủ khu vui chơi đường Nguyễn Hồng Đào cũng tiết lộ, việc mở một khu vui chơi hết sức đơn giản: “Chỉ cần lên ủy ban xin giấy phép kinh doanh rồi về mua thiết bị lắp đặt là xong. Hàng tháng, mình đóng thuế đầy đủ là không ai kiểm tra gì hết. Chị mở ở đây hơn 10 năm rồi, có khi nào thấy ai kiểm tra đâu. Thiết bị thì mua của công ty Việt Nam cho rẻ, chứ mua hàng nhập tiền đâu mà chịu nổi. Máy móc chị dùng cả chục năm chưa phải thay, khi nào cũ quá thì sơn lại, có trục trặc thì gọi thợ đến sửa”. Chị N. còn tư vấn: nếu mở một khu vui chơi rộng khoảng 300m2 và dưới 15 trò thì chỉ cần hai người quản lý là ổn.

Theo Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực II (Bộ LĐ-TB-XH), thời hạn kiểm định định kỳ đối với đu quay là hai năm, đối với đu quay sử dụng trên tám năm, thời hạn kiểm định là một năm/lần.

Tàu lượn sử dụng trên sáu năm, thời hạn kiểm định là hai năm/lần. Mỗi lần kiểm định, các thiết bị phải trải qua bốn vòng “sát hạch” với gần 30 mục chiếu theo cơ chế, đặc tính thiết bị. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào sự hoen rỉ, xuống cấp của các khu vui chơi tự phát hiện nay trên địa bàn thành phố, cũng đủ thấy rằng quy định vẫn chỉ nằm trên giấy.

Nhiều chủ sản xuất các thiết bị vui chơi trẻ em khi được hỏi “kinh nghiệm” đã không ngần ngại cho biết, để giảm chi phí đầu vào như sắt, thép, nhựa cứng, họ đã mua chủ yếu từ nguồn phế liệu về tái chế. Ngay cả composit, loại vật liệu được đánh giá là chịu nén, chịu uốn, chịu kéo tốt cũng bị ăn bớt khi đưa vào làm vỏ tàu lượn siêu tốc.

Anh Hoàng Trọng Hiếu, một kỹ sư xây dựng cho biết: “Vật liệu composit tốt thường phải dày đến 5mm, tương đương với ba-bốn lớp sợi thủy tinh, nhưng trên thị trường có không ít sản phẩm chỉ dày dưới 3mm, sau đó cơ sở sản xuất gia cố thêm các chất bột rồi ngụy trang bằng sơn màu để đạt yêu cầu về độ dày”. Trong vụ tai nạn khiến hai cháu bé chơi tàu lượn bị văng xuống đất tại Cà Mau vừa qua, các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân tai nạn ban đầu do vỏ tàu bị bung ra khỏi khung sắt của phần thân, khi băng ghế bị nghiêng, tàu đã mất cân bằng và hất hai trẻ ra ngoài.

MINH DŨNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI