Không phải cứ đau họng là uống kháng sinh

16/10/2022 - 06:40

PNO - Khi có triệu chứng đau họng, đa số người dân thường tự mua kháng sinh về uống. Thế nhưng, không phải nguyên nhân nào gây sưng họng cũng có thể điều trị bằng kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ chẳng những khiến bệnh kéo dài mà còn gây đề kháng kháng sinh, vô cùng nguy hiểm.

Hậu quả của việc dùng kháng sinh bừa bãi

Theo thạc sĩ - bác sĩ Văn Thị Hải Hà (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), tình trạng lạm dụng kháng sinh ở bệnh nhân bị sưng đau họng vô cùng phổ biến. Ngày nào bác sĩ cũng ghi nhận những trường hợp bệnh nhân chia sẻ rằng mình tự dùng kháng sinh ở nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm nên mới đi bệnh viện khám.
Mỗi buổi, bác sĩ Hà khám khoảng 50 bệnh nhân liên quan tới các bệnh lý về họng, 90% trong số đó đều tự ý sử dụng kháng sinh trước khi đến bệnh viện. 

Bác sĩ Văn Thị Hải Hà đang khám cho một trường hợp bị sưng đau họng kéo dài
Bác sĩ Văn Thị Hải Hà đang khám cho một trường hợp bị sưng đau họng kéo dài

Ngày 11/10, bác sĩ Hà đã ghi nhận hai trường hợp điển hình cho hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh, dùng kháng sinh không đủ liều. Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân tên C.T.B.H. (30 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM). Chị H. tới khám trong bệnh cảnh bị đau họng, sốt. Cách đó mười ngày, khi có biểu hiện đau rát họng, chị H. tự ra tiệm thuốc Tây mua kháng sinh về uống. Sau khi uống thuốc hai ngày, thấy các triệu chứng có vẻ thuyên giảm, chị ngưng uống. Theo bệnh nhân, chị không uống kháng sinh nữa do ngại uống kháng sinh nhiều sẽ gây nóng trong người. Tuy nhiên, ngay hôm sau, chị H. bị sưng họng trở lại, mức độ đau trầm trọng hơn trước.

Lúc đó, chị H. lấy kháng sinh còn thừa ra uống. Uống hết năm ngày kháng sinh mà chưa thấy hiệu quả, bệnh nhân mua thêm thuốc về uống tiếp tới ngày thứ mười. Dù đã uống kháng sinh nhiều ngày, lần này, tình trạng bệnh của chị H. chẳng những không thuyên giảm mà còn sốt cao, đau một bên họng tới mức không ăn uống được. Khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ Hà phát hiện chị bị áp xe mủ xung quanh amidan.

Chị H. phải nhập viện để làm thủ thuật chọc, dẫn lưu mủ và chích kháng sinh đặc hiệu. Bác sĩ Hà nhận định bệnh nhân bị lờn kháng sinh do dùng thuốc không đủ liều. Thông thường, những ca viêm họng cấp do vi khuẩn phải dùng kháng sinh liên tục từ 5-7 ngày. Thế nhưng, người bệnh uống được hai ngày kháng sinh đã ngưng, khi bệnh tái phát mới uống tiếp.

Trường hợp thứ hai là bà B.H.N. (60 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TPHCM). Bà N. đi khám vì bị ho và rát họng kéo dài. Bệnh nhân kể mỗi lần bị rát họng đều tự ra tiệm thuốc mua kháng sinh về uống nhưng bệnh vẫn không thể khỏi hẳn. Bác sĩ Hà nhận thấy hai khóe miệng của bệnh nhân bị tróc, nghi ngờ đây là một ca bị nhiễm nấm. Khi soi khám họng cho bệnh nhân thì thực tế đúng như dự đoán. Trong khoang miệng và họng bà N. nhiễm nấm trắng xóa.

Bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm đường huyết, kết luận bệnh nhân bị đái tháo đường. Tới lúc này bà N. mới biết mình mắc bệnh đái tháo đường. Tóm lại, đây là một ca bị nhiễm trùng cơ hội trên nền bệnh nhân đái tháo đường lạm dụng kháng sinh. Nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời, nấm sẽ lan sang thực quản, thanh quản, đi sâu xuống họng, thậm chí là phổi.

Với bệnh nhân bị viêm phổi trên nền đái tháo đường, việc điều trị vô cùng phức tạp, khó khăn. Bà N. đã được cho thuốc kháng nấm, đồng thời hướng dẫn khám nội tiết để kiểm soát bệnh đái tháo đường. 

Lạm dụng kháng sinh là sai lầm phổ biến của nhiều người dân, từ đó có thể dẫn đến tái phát bệnh, đề kháng kháng sinh, gây ra các biến chứng khác như viêm họng mạn, viêm đường hô hấp dưới, áp xe quanh amidan, áp xe họng, nhiễm trùng máu…

Đặc biệt, tình trạng đề kháng kháng sinh còn dẫn đến nguy cơ tử vong và bệnh tật ở người bệnh; tăng nguy cơ hoặc khả năng thất bại với phẫu thuật, sinh mổ; tăng chi phí điều trị, cần thuốc đắt tiền hơn; khó điều trị một số nhiễm trùng do thiếu thuốc điều trị; tăng nguy cơ lây lan cho người khác… Tuy nhiên, trong một số trường hợp bội nhiễm được bác sĩ chỉ định kháng sinh, người bệnh cũng cần lưu ý uống thuốc đủ liều để đạt hiệu quả điều trị và không bị lờn thuốc.

Trước tiên, đau sưng họng được chia làm hai thể: cấp tính và mạn tính. Thống kê cho thấy 70% nguyên nhân gây viêm họng cấp là do nhiễm vi-rút, liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus), dị ứng, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá. Người bệnh viêm họng cấp thường có cảm giác đau khi nuốt, nuốt khó, cổ họng sưng, rát, đau nhói, cảm giác vướng họng, nghẹn họng.

Các đối tượng dễ bị mắc bệnh đau họng vào thời điểm giao mùa là những người có hệ miễn dịch suy giảm như bệnh nhân HIV, ung thư, bệnh tự miễn, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ (dưới hai tuổi), bệnh nhân mắc bệnh mạn tính (đái tháo đường, tim mạch, huyết áp), người béo phì… bởi thời điểm giao mùa là điều kiện lý tưởng cho vi-rút và vi khuẩn phát triển.

Bệnh viêm họng cấp nếu không được điều trị hiệu quả sẽ chuyển sang viêm họng mạn. Nguyên nhân viêm họng mạn thường bắt nguồn từ dị ứng, thay đổi thời tiết, bệnh lý ở những vùng lân cận như trào ngược dạ dày thực quản, viêm đường hô hấp dưới, viêm xoang, bệnh lý hệ thống... Ngoài ra, việc vệ sinh răng miệng kém cũng có thể gây viêm họng.

Không chỉ vậy, họng là cửa ngõ của đường ăn, đường thở, có mối liên hệ mật thiết với mũi, tai nên các bệnh lý từ tai, mũi cũng có thể ảnh hưởng tới họng và ngược lại. Chẳng hạn như ở bệnh nhân bị dị ứng, dịch viêm từ mũi xoang có thể chảy xuống họng gây viêm họng.
Bởi đa dạng nguyên nhân, đa số người bệnh thường gặp khó khăn trong việc tìm ra yếu tố gây đau để điều trị kịp thời, dứt điểm. 

Cách phòng ngừa, điều trị bệnh viêm họng hiệu quả

Theo bác sĩ Hà, điều trị sưng đau họng thường theo quy trình từ giảm nhẹ triệu chứng (giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, chống phù nề, giảm ho) đến đặc hiệu nguyên nhân. Bệnh nhân còn cần loại trừ yếu tố nguy cơ mới có thể phòng ngừa bệnh tái phát.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhằm xác định chính xác bệnh lý, sau khi khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được chỉ định thêm các xét nghiệm cần thiết. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được khám, hội chẩn đa chuyên khoa khi bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân sưng đau họng xuất phát từ các bệnh lý đi kèm khác.

Nếu nguyên nhân gây sưng đau họng do virus, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng những loại thuốc giảm triệu chứng ho, sốt và theo dõi. Bệnh do virus thường tự khỏi nhờ hệ miễn dịch của cơ thể. Trong trường hợp này, người bệnh không nên tự ý dùng kháng sinh. 

Ngoài việc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh nhân sưng đau họng cũng có thể phối hợp thêm các phương pháp chăm sóc bản thân tại nhà giúp bệnh tình mau thuyên giảm, cơ thể nhanh hồi phục. Cách đơn giản nhất là súc họng bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể, uống nước ấm, chườm nóng cổ họng hay sử dụng viên ngậm hỗ trợ giảm triệu chứng đau họng. Bệnh nhân đau họng nên ăn các thức ăn mềm (cháo, bún, mì, phở...), tránh uống nước đá và phải thường xuyên súc họng, rửa tay sát khuẩn. 

Bác sĩ Hà khuyến cáo, tất cả biến chứng do sưng đau họng gây ra đều ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Thậm chí bệnh có thể tiên lượng xấu đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới năm tuổi khi gặp phải các biến chứng áp xe cổ hoặc viêm phổi, viêm đường hô hấp dưới nặng. Do đó, người bệnh không nên chủ quan khi có các triệu chứng sưng đau họng, tự ý ra tiệm mua thuốc điều trị mà cần đến bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để được bác sĩ thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời. 

Bài và ảnh: Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI