Không nhìn nhau vì… rác

29/05/2015 - 07:46

PNO - PN - Hàng xóm của tôi là mấy chục hộ quây quần trong một con hẻm cụt yên bình, nhưng đáng buồn là người lớn ở đây lại chẳng thèm nhìn mặt nhau, chung quy chỉ do chuyện rác.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bao năm nay, cứ sáng mùng Một tết là một số hộ mở cổng cãi nhau ì xèo, rồi suốt cả năm “coi như tao không biết nó”. Chuyện là, tối 30 tết xe gom rác luôn đi trước 20g, nên sát giờ Giao thừa, nhiều nhà cuống cuồng tìm cách đẩy rác ra ngoài, vì ai để rác trong nhà, sẽ “giông” cả năm, làm ăn không khá được. Bịch rác của nhà nọ bay vút sang nhà bên cạnh. Nhà bên cạnh khi mở cửa, thấy “quà tặng” mà không rõ người gửi, bực bội đá sang nhà khác, có những đêm cuối năm, bịch rác “chạy vòng vòng” từ đầu hẻm tới cuối hẻm, nhà này nghi kỵ nhà kia.

Mà cũng đâu cần tới tết, ngày thường, nhiều nhà sai trẻ nhỏ đem rác ra để ở cột điện đầu hẻm. Trừ lúc xe rác vừa dọn, ngay dưới tên bảng khu phố tôi luôn có đống rác to đùng. Rồi chuột, gián từ cống mò lên.

Có lần đi làm về khuya, tôi bắt quả tang anh chủ quán cà phê cầm bao tải rác mang ra gốc cây trước nhà tôi “gửi gắm”. Khi tôi phản đối, anh ta còn nói ngược: “Tôi để ngoài vỉa hè chứ có để trong nhà chị đâu mà ồn ào”.

Khong nhin nhau vi… rac

Trong quan hệ hàng xóm ở thành phố, theo tôi, câu chuyện bỏ rác, xả rác là dễ dẫn tới mâu thuẫn nhất. Nhà chung cư thì lầu trên vô tư ném tăm, tóc, khăn giấy... ra ngoài, để gió cuốn vào nhà bên dưới. Ở mặt phố thì nhà này đốt vàng mã, tàn tro bay sang đen cửa nhà kia. Ở gần thùng rác luôn tồn tại một đống rác trong khi thùng rác trống rỗng.

Có lần dẫn một người bạn Úc đi ăn phở ở Q.3, tôi bối rối khi anh này hỏi tại sao nhiều hàng quán ở Sài Gòn có sàn nhà trắng giấy rác. Sao có giỏ đựng rác dưới gầm bàn mà mọi người cứ xả ra bàn hoặc vứt bừa xuống đất rồi giẫm lên? Tôi phải chống chế rằng, chuyện quen tay vứt rác xuống nền là do trước đây các quán không phục vụ giỏ rác nên khách... chưa quen.

Hàng xóm của tôi già có, trẻ có, trung niên có, biết có thể còn cải tạo được suy nghĩ “chỉ cần nhà mình sạch” hay không? Tôi nghĩ là không dễ! Nhưng với trẻ nhỏ thì khác, chỉ cần chúng ta gương mẫu, trẻ sẽ làm theo. Con trai tôi, nếu uống sữa trên đường đi học, vỏ hộp sữa và ống hút sẽ được cháu cất giữ cho tới khi nào cháu gặp nơi bỏ rác. Có khi suốt quãng đường 10km, cháu không rời bịch nước mía đã uống hết.

Giặt đồ của con, tôi thường xuyên phải lộn túi lấy ra những vỏ kẹo, vỏ bọc ống hút, giấy rác... con cất và quên lấy ra. Tôi cũng không cần dạy con phải thế này thế kia, cháu chỉ tự nhiên làm theo người lớn trong nhà từ khi còn rất nhỏ. Có lúc tôi xót ruột khi con ngồi sau xe cứ bận lòng với cái chai rỗng hay khư khư giữ mẩu ni lông trong tay, nhưng chưa bao giờ tôi chỉ bày cháu cách buông tay cho rác rơi xuống đường.

Tôi cũng xót lắm khi con kể chuyện cháu nhắc một bạn cùng lớp không nên xì mũi rồi vứt khăn giấy ra lớp, chú bé này đã bực bội ném khăn giấy dơ vào mặt cháu. Tôi phải giải thích với con rằng, có những khi để làm người tốt, con cần dũng cảm như một hiệp sĩ chiến đấu chống lại cối xay gió. Và nếu nhiều người tốt hợp lại, thì chắc chắn chiếc cối xay to lớn tới mức nào cũng tới lúc phải chịu thua. Nói với con vậy, nhưng tôi thấy mình như “bị cắt mất lưỡi” khi chứng kiến những hành động vô ý thức với rác của người lớn.

KHÁNH LINH (Q.Tân Bình, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI