Không để chồng đi xa nữa

31/07/2023 - 15:24

PNO - Giờ chị mới thấm thía, vợ chồng có lúc phải đổi vai cho nhau, một người tiến, một người lùi mới cân bằng được cuộc sống gia đình.

Một mình ôm con trong bệnh viện, người mệt mỏi rã rời, gạt hết tự ái, chị nhắn tin cho anh: “Con bệnh, anh về với em được không?”. Nửa ngày sau, anh mới trả lời: “Anh vừa đi rừng về, không có sóng điện thoại, để anh sắp xếp”. Chị thở phào nhẹ nhõm, ít ra chồng cũng sẽ về, dù sớm hay muộn, chị vẫn có một bờ vai để tựa vào.

Anh bỏ đi làm xa sau cuộc cãi nhau của 2 vợ chồng cách đây 3 tháng. Lúc đó, chị còn hiếu thắng, chưa thực sự thấu hiểu nên vẫn đinh ninh mình đúng. Bây giờ, chị đã nhận ra mình sai trong cách cư xử với chồng.

Anh là người đàn ông tử tế, yêu vợ thương con, biết chăm lo cho gia đình. Vợ chồng chị có 2 con trai, gái. Anh là nhân viên thu ngân cho một phòng khám tư nhân, còn chị là trưởng phòng của một công ty xuất nhập khẩu thủy sản. Tính ra thu nhập của chị gấp 4 lần mức lương cơ bản của anh.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tuy công việc lương thấp, bù lại anh có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình. Mọi người đến nhà chị chơi đều trầm trồ trước khu vườn nhỏ do chính anh thiết kế với đầy đủ cây, hoa, cá, chim rất mát mẻ. 

Lúc đầu chị không để ý đến công việc của chồng, nhưng khi các mối quan hệ được mở rộng, chị bắt đầu so sánh chồng với người khác. Tiếp xúc nhiều với những người đàn ông lịch lãm, chị bắt đầu chán ngán hình ảnh ông chồng đeo tạp dề lục đục dưới bếp.

Nhiều lần chị bóng gió về vai trò đàn ông trong gia đình, nhưng anh chỉ im lặng. Đợt đó, công ty gặp khó khăn, do thị trường xuất khẩu biến động, chị bị áp lực công việc nặng nề. Một lần, chị đi tiếp khách về muộn, có uống bia, anh nhắc: “Em uống ít thôi, chứ cứ thế này, anh thấy lo”.

Chỉ vậy thôi mà chị lớn tiếng: “Nếu anh biết lo thì tôi chẳng phải thế này. Đàn ông phải lo kiếm tiền chứ không phải suốt ngày chỉ biết nấu ăn, giặt giũ”. Câu nói thiếu suy nghĩ đó của chị khiến anh chạm tự ái. Vài tuần sau, anh xin nghỉ việc rồi thông báo với vợ mình sẽ đi làm xa.

Anh liên hệ người bạn đang làm công ty khai thác lâm sản ở Tây Nguyên để tìm việc. Thời gian đầu, anh đi, chị thấy tự tin, nghĩ mình đủ sức quán xuyến mọi việc, nhưng dần dần chị mới thấy chới với.

Khi chị đang họp cùng đối tác thì cô giáo gọi điện, báo con chị bị đau bụng, nghi ruột thừa, chị phải bỏ việc về đón con. Con lớn ở bệnh viện thì con nhỏ ở nhà phải gửi nhờ hàng xóm, chuyện ăn uống của 3 mẹ con thất thường. Dù cố gắng cân đối công việc và gia đình, chị không thể nào xoay xở nổi.

Trong các cuộc họp giao ban, chị liên tiếp bị nhắc nhở do hiệu quả công việc không tốt, khách hàng phàn nàn, chưa kể đi làm trễ, về sớm. Những chuyến công tác dài ngày, chị đều phải từ chối nên thu nhập cũng giảm sút. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tháng đầu tiên sau khi đi, anh gửi về cho chị 12 triệu đồng, gấp đôi mức lương của anh ngày trước, nhưng chị không thấy vui. Số tiền đó không đủ bù phần thu nhập sụt giảm, chi phí thuê người giúp việc chăm sóc, đưa đón con.

Đến lúc đó chị mới nhận ra, mình có thành tựu trong sự nghiệp là nhờ chồng gánh hết những lo lắng của gia đình. Từ ngày anh đi, chị không còn thoải mái thời gian, hết giờ làm phải hấp tấp về đón con, lo chuyện cơm nước rồi tạm gác việc công ty hướng dẫn con học bài, dọn dẹp nhà cửa. Tất cả những việc đó, trước đây anh đều đảm nhận thay chị.

Hôm sau, anh đi chuyến xe sớm nhất về nhà. Nhìn thấy chồng, chị khóc như một đứa trẻ. Chị ôm lấy anh, vừa khóc vừa nói: “Không có anh, em không làm được gì cả”. Giờ chị mới thấm thía, vợ chồng có lúc phải đổi vai cho nhau, một người tiến, một người lùi mới cân bằng được cuộc sống gia đình.

Cũng may, anh chỉ xin nghỉ làm không lương mấy tháng chứ không phải nghỉ hẳn. Anh về rồi, chị sẽ không để anh đi xa nữa. 

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI