Khi trái tim không muốn... 'yêu'

15/11/2017 - 11:30

PNO - Nếu bạn đang có vấn đề về tim mạch, phải hết sức thận trọng ngay cả khi “yêu”, vì nguy cơ sức khỏe luôn có thể ập đến trong giây phút chăn gối thăng hoa...

Nguy hiểm chực chờ cả trên... giường!  

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân (BN) N.H.D. (48 tuổi, Q.5, TP.HCM). Đang quan hệ với vợ thì BN lên cơn đau tim đột ngột, ngạt thở, mặt mày tím tái; người nhà phải lập tức đưa đi cấp cứu.

Các bác sĩ (BS) chẩn đoán BN bị suy tim mức độ 2, do bệnh động mạch vành và tích cực hồi sức, cứu được BN khỏi lưỡi hái tử thần. Sau khi thoát chết, BN chia sẻ, ông vốn nghiện thuốc lá và bị mỡ trong máu; thỉnh thoảng lại thấy khó thở, đau ngực khi đi bộ lên cầu thang nhưng không nghĩ hậu quả lại nghiêm trọng đến vậy. 

Khi trai tim khong muon... 'yeu'
Bệnh nhân tim mạch đang được bác sĩ tư vấn về phương thức sinh hoạt tình dục an toàn

Các BS khuyến cáo: hoạt động tình dục liên quan trực tiếp đến nhịp tim và huyết áp, nên những người mắc bệnh tim mạch cần có chế độ sinh hoạt khác với người bình thường để tránh đột quỵ ngay trong lúc "yêu". 

Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân tim mạch thường ngại ngùng khi gặp trục trặc trong sinh hoạt tình dục, luôn tìm cách giấu bệnh, cố gắng duy trì sinh hoạt tình dục như người khỏe mạnh, khiến tính mạng dễ bị đe dọa.

Đừng đùa với cường độ… “yêu” 

Theo PGS-TS-BS Trương Quang Bình - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, những BN trên vẫn có thể sinh hoạt tình dục, nhưng cần có chế độ phù hợp với tình trạng sức khỏe để tránh những biến cố tim mạch. 

Để đảm bảo “sự bình yên” khi "yêu", BN tim mạch cần thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ về tim mạch; nếu thấy bất kỳ dấu hiệu khác thường nào, đừng ngại ngùng che giấu mà hãy chia sẻ ngay với bạn đời để cùng điều chỉnh nhịp độ sinh hoạt tình dục phù hợp. 

Khi trai tim khong muon... 'yeu'
Tài liệu nghiên cứu của Viện Tim mạch Việt Nam

Nếu đang có bệnh tim mạch, bạn cần thẳng thắn tham vấn BS về “cường độ yêu” sao cho an toàn. Dựa trên các nghiên cứu về hoạt động tình dục đối với người bệnh tim mạch, một nhóm các nhà khoa học Canada đã tạo ra mô hình KiTOMI để hỗ trợ các BS tim mạch đo lường, xếp loại mức độ nguy cơ biến cố theo tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người bệnh, để có thể đưa ra những tư vấn chuyên môn thích hợp.

Vì thế, dù có bệnh tim mạch bạn cũng không cần quá lo lắng chuyện tai biến khi “yêu” mà “kiêng” hẳn, khiến hôn nhân có nguy cơ đổ vỡ. “Yêu” đúng với tình trạng sức khỏe của mình, mọi người bệnh đều chắc chắn tăng cường được chất lượng sống, giảm stress, bảo vệ hạnh phúc gia đình. 

Các nhóm bệnh

Nhóm nguy cơ cao: bệnh lý tim mạch không ổn định; suy tim mức độ 3 trở lên với những biểu hiện khó thở, đau ngực dù không gắng sức hoặc gắng sức nhẹ: có thể áp dụng mức độ KiT, tức sinh hoạt tình dục chỉ gồm việc hôn (Kissing - Ki) và vuốt ve (Touching - T) với bạn tình. 

Nhóm nguy cơ trung bình: suy tim mức độ 2, có triệu chứng đau ngực, khó thở khi có những hoạt động gắng sức vừa phải như đi lên 1-2 tầng lầu): nên áp dụng chế độ KiTOM, nghĩa là có thể thực hiện các hoạt động ở mức KiT và hoạt động quan hệ bằng miệng (Oral Sex - O), thủ dâm (Masturbation - M). 

Nhóm nguy cơ thấp: suy tim mức độ 1, có những cơn đau ngực ổn định hoặc khi gắng sức nhiều, người bệnh cao huyết áp nhưng đã được kiểm soát: có thể áp dụng mô hình KiTOMI đầy đủ, bao gồm cả việc giao hợp (Intercourse - I).

 PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định (Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM): Để giảm nguy cơ về tim mạch, bạn nên ngưng thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia, giảm ăn béo, ăn ngọt, có chế độ vận động và tập thể dục hợp lý 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI