Hàng loạt tựa sách đã được xuất bản trong những năm gần đây, phản ánh trải nghiệm sống đơn thân theo cách chủ động và tích cực.
Trong suy nghĩ chung của đại đa số công chúng tại Hàn Quốc, hình ảnh về hộ gia đình một người từ lâu đã bị thu hẹp vào những khuôn mẫu quen thuộc: người trẻ chưa kết hôn, người trung niên đã ly hôn và người cao tuổi sống góa bụa.
Đáp lại những cách nhìn nhận phiến diện ấy, ngày càng nhiều người Hàn Quốc bắt đầu lên tiếng và tìm kiếm những hình thức sống chung vượt ra khỏi khuôn mẫu hôn nhân hay kiểu "bạn cùng phòng" truyền thống. Họ không phản đối hôn nhân, nhưng cũng không xem đó là con đường tất yếu để “ổn định cuộc đời”.
Một trong những cuốn sách gây chú ý là I Can’t Help but Live Well on My Own (Tôi sống độc lập) của tác giả Seen Aromi, xuất bản tháng 2/2024. Cuốn sách không phải là bản tuyên ngôn từ chối hôn nhân, mà là sự khẳng định: có nhiều cách để sống ý nghĩa, ngoài khuôn mẫu lập gia đình và sinh con.
Seen cho rằng điều quan trọng là xã hội nên mở rộng định nghĩa về “cuộc sống tốt”, trong đó bao gồm cả những người chọn sống một mình.
 |
Tựa sách Raising Children Without Marriage or Childbirth của tác giả Baek Ji-seon |
Khi bạn bè trở thành gia đình
Dù vậy, phần lớn tiếng nói mạnh mẽ về lối sống độc thân thường đến từ người trẻ trong độ tuổi 20–30. Trong khi đó, những câu chuyện về người trung niên sống một mình, một nhóm đang gia tăng nhanh chóng, vẫn còn ít được nhắc đến.
Các cuốn Aging Solo (Sống một mình khi về già) và The Women Are Living Together (Hai người phụ nữ sống cùng nhau) hay Raising Children Without Marriage or Childbirth (Nuôi con mà không kết hôn hay sinh nở) phần nào lấp đầy khoảng trống ấy.
Cuốn The Women Are Living Together kể về quyết định táo bạo của một nhóm bạn gái: mua chung một căn hộ vào năm 2016, xây dựng một “gia đình” dựa trên tình bạn thay vì huyết thống. Sách ra mắt năm 2019 và nhanh chóng trở thành biểu tượng cho xu hướng sống chung không theo khuôn mẫu.
Tác phẩm When Three Women Get Together, the House Grows Bigger (Khi ba người phụ nữ ở cùng nhau, ngôi nhà rộng hơn) của Kim Eun-ha (2024) xuất phát từ sự chật chội trong các căn hộ nhỏ, nơi nhiều người Hàn trẻ tuổi bắt đầu cuộc sống độc lập. Ba người phụ nữ đã dọn về sống chung, góp tiền thuê căn hộ lớn hơn, và cùng nhau tạo dựng một không gian sống an toàn, thoải mái, đầy sự sẻ chia.
Trong cuốn Aging Solo, tác giả, một người đã sống độc thân hơn 20 năm, phỏng vấn 19 phụ nữ trong độ tuổi 40–64 để lắng nghe trải nghiệm sống thực sự của họ.
“Người chưa kết hôn không có nghĩa là sống cô đơn”, bà viết. Những người phụ nữ này tạo nên mạng lưới hỗ trợ từ bạn bè, anh chị em, hàng xóm... Ở đó họ vừa giúp đỡ, vừa nhận được sự chăm sóc. Cuốn sách góp phần phá vỡ định kiến rằng sống một mình đồng nghĩa với cô lập hay bất an.
Làm mẹ đơn thân, lựa chọn đầy can đảm
Một trường hợp đặc biệt là tác giả Baek Ji-seon, người kể lại hành trình làm mẹ của mình trong Raising Children Without Marriage or Childbirth. Bà nhận nuôi hai đứa trẻ vào năm 2010 và 2013, trở thành một bà mẹ đơn thân không chồng, một lựa chọn đầy táo bạo trong xã hội Hàn Quốc vốn vẫn còn nhiều định kiến với người làm cha mẹ đơn thân.
Bà kể lại: “Có lần nhân viên chuyển nhà nhìn hai đứa trẻ và hỏi bằng giọng mỉa mai: "Sao trông hai đứa không giống nhau nhỉ?". Có lẽ ông ấy nghĩ chúng có hai người cha khác nhau, chứ không hề nghĩ rằng chúng được nhận nuôi".
Những thay đổi về luật pháp, như sửa đổi Luật Con nuôi đặc biệt năm 2006 và Luật Dân sự năm 2021, đã giúp người độc thân có thể nhận con nuôi hợp pháp. Nhưng lựa chọn của Baek vẫn là điều hiếm hoi và dũng cảm.
Gia đình của bà không có người cha, mà là một “xã hội mẫu hệ thu nhỏ”, với sự hỗ trợ từ mẹ và các chị em gái. Đây là một ví dụ sống động về mô hình gia đình hiện đại không theo truyền thống.
 |
Các tựa sách đặt lại góc nhìn về cuộc sống không hôn nhân truyền thống ở Hàn Quốc |
Thiếu vắng những câu chuyện của đàn ông
Giữa nhiều tựa sách của các tác giả nữ, Preparing for a Solitary Death (Chuẩn bị cho một cái chết đơn độc) của Choi Chul-joo là một trong số ít tác phẩm viết bởi một người đàn ông, một tiếng nói cá nhân hiếm gặp trong dòng sách nói về cuộc sống đơn thân. Cuốn sách là những suy ngẫm sâu sắc về sự cô đơn sau khi tác giả lần lượt mất vợ và con gái vì ung thư. Một câu chuyện nhỏ nhưng đầy ám ảnh được ông kể lại: ông từng bị khóa ngoài cửa nhà vì không nghe thấy tiếng báo pin yếu của khóa điện tử, do bị suy giảm thính lực.
Những câu chuyện tương tự quá hiếm hoi, đặc biệt với nam giới trẻ tuổi. Do vậy tập sách này khi ra mắt đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
Tác giả Aging Solo cho biết bà đã từ bỏ việc tìm kiếm nhân vật nam cho loạt phỏng vấn của mình. Dù từng phỏng vấn hai người đàn ông, cuối cùng bà không đưa họ vào sách.
“Ở xã hội Hàn Quốc, nơi chế độ phụ hệ vẫn ăn sâu trong suy nghĩ, việc một người đàn ông không kết hôn gần như không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Họ không bị áp lực như phụ nữ. Trải nghiệm sống của họ cũng khác biệt hoàn toàn so với phụ nữ không lập gia đình. Những khó khăn mà họ coi là trọng yếu cũng khác”, bà viết.
Tuấn Huy (theo Koreaherald)