PNO - Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình, trường hợp người chồng chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác mà không vi phạm pháp luật dù chưa thực hiện thủ tục ly hôn là khi người vợ bị tòa án tuyên bố đã chết hoặc mất tích.
Mới đây, một vị đại gia đã yêu cầu toà án ra công văn tìm kiếm người vợ mất tích để thực hiện thủ tục ly hôn. Dư luận đã rất ngạc nhiên vì bấy lâu vị đại gia này vẫn được cho là đang sống hạnh phúc với một phụ nữ khác, thậm chí có con chung.
Phân tích về tình huống pháp lý này, luật sư Cồ Lê Huy cho biết: “Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình, chỉ có một trường hợp người chồng chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác mà không vi phạm pháp luật dù chưa thực hiện thủ tục ly hôn, đó là trường hợp người vợ bị Tòa án tuyên bố đã chết. Trong trường hợp này, nếu sau này người vợ trở về và Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người vợ đã chết mà người chồng vẫn chưa kết hôn thì quan hệ hôn nhân được khôi phục và việc người chồng chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác trong suốt thời gian người vợ bị Tòa án tuyên bố là đã chết, không vi phạm quy định pháp luật”.
Chỉ có một trường hợp người chồng “cặp bồ” nhưng không vi phạm pháp luật - Ảnh: Internet
Luật sư Cồ Lê Huy cũng nhấn mạnh, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình, pháp luật nghiêm cấm hành vi người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác. Chung sống như vợ chồng được hiểu là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Do đó, đối với việc người chồng chưa ly hôn nhưng sống với người phụ nữ khác và có con chung, nếu có đủ các căn cứ để chứng minh người chồng và người phụ nữ khác đó chung sống như vợ, chồng thì hành vi trên bị coi là vi phạm quy định của luật hôn nhân và gia đình hiện hành.
Dẫn giải quy định pháp luật, luật sư Bùi Quốc Tuấn nêu: “Đối với vi phạm chế độ hôn nhân “Một vợ, một chồng”, có hai hình thức xử lý vi phạm pháp luật hoặc truy cứu trách nhiệm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Xét về trách nhiệm hành chính: Theo quy định Điều 59 Nghị định 80/2020/ NĐ-CP ngày 15/07/2020, hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Về trách nhiệm hình sự, tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có quy định cụ thể: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
“Tuy nhiên, nếu trong quá trình sống chung vợ chồng, người vợ hoặc chồng bỏ đi biệt tích mà người chồng/vợ tìm kiếm không có, không biết được nơi cư trú của vợ/chồng ở đâu, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khác trong quan hệ hôn nhân, về tài sản, con chung… để không bị ảnh hưởng đến đời sống của mình, người vợ hoặc chồng có quyền thực hiện các biện pháp mà pháp luật cho phép, như đăng báo chí tìm kiếm thông tin, yêu cầu Tòa án tuyên bố người mất tích…”, luật sư Bùi Quốc Tuấn phân tích.
Đối với trường hợp người chồng muốn ly hôn với người vợ hiện đang mất tích, luật sư Cồ Lê Huy cho biết: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình, trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn, Tòa án giải quyết cho ly hôn. Vậy căn cứ vào Điều 68 BLDS 2015, điều kiện để người chồng được ly hôn với người vợ đã mất tích là người vợ phải biệt tích 02 năm liền trở lên và việc mất tích của người vợ phải được công nhận bằng quyết định của Tòa án.
Sau khi người chồng đã nộp đơn yêu cầu tuyên bố người vợ mất tích đến Tòa án có thẩm quyền và được Tòa án ra quyết định tuyên bố người vợ mất tích thì người chồng sẽ nộp đơn xin ly hôn đơn phương, quyết định tuyên bố người vợ mất tích cùng các giấy tờ cần thiết khác đến Tòa án để được Tòa án xem xét, giải quyết việc ly hôn.
Trường hợp Tòa án ra quyết định tuyên bố người vợ mất tích và sau đó người chồng được Tòa án giải quyết cho ly hôn với người vợ thì về mặt pháp lý, hai người đã chấm dứt quan hệ vợ chồng và người chồng hoàn toàn được quyền kết hôn với người khác. Sau này, nếu người vợ trở về và Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người vợ mất tích thì việc người chồng đã kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác cũng đều không vi phạm pháp luật”.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, điều kiện tuyên bố một người là mất tích theo Điều 68 Bộ luật dân sự 2015 là khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Tuy nhiên, theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, việc tuyên bố một người mất tích kéo theo những hậu quả pháp lý nhất định như: Tạm thời đình chỉ tư cách chủ thể của người bị tuyên bố là mất tích, tuy nhiên quyết định này không làm chấm dứt tư cách chủ thể của họ. Tài sản của người bị tuyên bố mất tích được quản lí theo quyết định của toà án được quy định tại các điều 65, 66, 67, 69 BLDS về Quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú, Quyền và nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú và Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích…
Tỉnh Lâm Đồng phân công 2 Phó chủ tịch đảm nhận công việc thuộc thẩm quyền của ông Võ Ngọc Hiệp trong thời điểm ông Hiệp tạm nghỉ điều trị chấn thương.