Khi một đứa trẻ muốn... đốt trường

17/06/2017 - 11:04

PNO - Một đứa trẻ cần lượng kiến thức gì khi kết thúc chương trình tiểu học? Thực sự có cần những kiến thức nặng nề, khô khan như hiện tại không?

Tôi chết lặng khi vô tình xem thấy một trang truyện tranh mà con trai (học sinh lớp 3) tự vẽ: một bé trai đeo kính cận, tay cầm lá cờ có vẽ hình trái tim và chữ "love", gào lên "tự do muôn năm! Tự do! Đốt trường!".

Khi mot dua tre muon... dot truong
Bức vẽ của Mốc, một đứa trẻ 9 tuổi

Đây là hình ảnh và lời thoại mà Mốc (tên gọi ở nhà của con trai tôi) vẽ trong truyện tranh. Thằng bé đã dùng vở học trò để vẽ ra ba tập truyện tranh theo ý của nó. Nhưng hơn ai hết, vì là bố của nó, tôi hiểu rằng mọi ý tưởng Mốc thể hiện trong truyện đều từ ước vọng trong trẻo của nó. Nó là một đứa trẻ, chưa có sự hư cấu như người lớn.

Vì sao một đứa trẻ muốn cầm ngọn cờ có dòng chữ "yêu thương" xông lên đốt trường để giành "tự do"? Câu trả lời quá rõ ràng mà phụ huynh nào cũng rõ.

Mốc đang theo học lớp 3 ở một trường công (quận Gò Vấp, TP. HCM). Một ngày mới bắt đầu của đứa trẻ đáng thương này, như rất nhiều đứa trẻ khác, là thức dậy lúc 5g45, mắt nhắm mắt mở chuẩn bị cặp sách, đồ đạc để có mặt ở trường lúc 6g15 cho kịp giờ ăn sáng. 6g45, những đứa trẻ bắt đầu cho những giờ học "vui ít buồn nhiều".

Khi mot dua tre muon... dot truong
Hình ảnh đầu tiên của một ngày vất vả (Ảnh: Võ Tiến)

Môn Toán đối với học sinh lớp 3 với những phép tính phức tạp, những kiểu giải lạ kỳ mà nhiều phụ huynh có bằng cử nhân vẫn phải gãi đầu bối rối. Môn tiếng Việt vẫn với kiểu văn mẫu, nhiều thập kỉ qua vẫn nhàm chán với đề tài "em hãy tả con chó nhà em", "em hãy tả mẹ của em", "em hãy tả bà của em"... Ngoài ra còn có nhiều môn nhàm chám và nặng nề khác, đến mức phụ huynh muốn quan tâm đến việc học của con cũng ngại lật những trang sách.

Vì sao? Vì phụ huynh thấy mệt. Nhưng phụ huynh mệt thì một đứa trẻ có mệt không? Chắc chắn là quá mệt.

Kết thúc giờ học buổi sáng với 4-5 tiết, cô trò "quần" nhau đến phờ phạc, bọn trẻ được nghỉ trưa và sau đó sẽ là giờ học chiều. Một số môn học bị "cháy" giáo án, nhà trường linh động chuyển vào buổi chiều.

Thế vẫn chưa xong, quần quật cả ngày, nhiều đứa trẻ tiểu học vẫn không theo kịp chương trình và kết quả chúng vẫn phải đi học thêm.

Khi mot dua tre muon... dot truong
Không kịp cà giờ săn sáng cho đàng hoàng (Ảnh: VietNamNet)

Bố mẹ Mốc đều là công chức, không thể đón con ở trường lúc 4g chiều nên phải thuê người đến đón Mốc qua nhà của họ, cho ăn qua loa buổi tối rồi một bác xe ôm đến đón Mốc đi học thêm. Mốc kết thúc một ngày sau giờ học thêm, về đến nhà lúc 21g30 trong bộ dạng không thể phờ phạc hơn.

Tôi cảm thấy Mốc là một đứa trẻ thông minh, ngoan ngoãn, nhưng vẫn bị đuối với chương trình tiểu học hiện tại. Cu cậu giỏi tiếng Việt nhưng lại "ẹ" môn Toán vì đơn giản là không thích.

Học kì I, Mốc đang làm bài thi thì buông bút giữa chừng, cô động viên kiểu gì cũng không làm tiếp và kết quả là được 2 điểm. Tôi đón nhận tin đó với sự bình thản. Bởi tôi nghĩ, cuộc đời này có bao nhiêu thứ đáng được làm trong yêu thích hơn là cần phải cố gắng một cách bất chấp trong gượng ép.

Khi mot dua tre muon... dot truong
Ảnh: Võ Tiến

Mỗi sáng, tôi đưa Mốc đi học. Thường thì cậu bé ngủ trên lưng bố. Buổi tối tôi chở về nhà, vòng tay non của con thậm chí không còn đủ sức để ôm chặt bụng bố khi ngồi sau.

Một đứa trẻ cần lượng kiến thức gì khi kết thúc chương trình tiểu học? Thực sự có cần những kiến thức nặng nề, khô khan như hiện tại không? Một đứa trẻ còn non nớt, đang ở tuổi thần tiên, cần được vui chơi, tận hưởng cuộc sống và vun đắp một trời kỉ niệm ấu thơ, sao người lớn phải đua nhau "hành hạ" chúng, cướp mất tuổi thơ của chúng bằng một chương trình giáo dục "đáng sợ" đến như vậy?

Tôi nhớ nét mặt mệt mỏi của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khi ngửa cổ ngủ trong cuộc họp Quốc hội cách đây vài ngày. Cá nhân tôi thông cảm cho việc ngủ ấy vì đó chỉ là sự cố cá nhân.

Nhưng thưa bộ trưởng, chắc ông quá mệt nên mới như vậy, xin ông hãy nghĩ về hàng triệu đứa bé trên đất nước này cũng đang chập chờn ngủ gục trong phờ phạc vì chương trình quá nặng mà Bộ của ông đề ra. Tất nhiên, việc ước vọng đốt trường chỉ là ước vọng đầy mộng mơ của một đứa trẻ. Nhưng với một đứa trẻ, ta không sống cùng mộng mơ của chúng thì sống cùng điều gì?

Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI