Khi Côn Đảo nằm ở… Kiên Giang

19/01/2015 - 08:59

PNO - PNO - Thực tế hiện nay, đa số học sinh phổ thông đều còn thiếu kiến thức về biển đảo và chủ quyền vùng biển Việt Nam.

edf40wrjww2tblPage:Content

Khi Con Dao nam o… Kien Giang

Côn Đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn ảnh: yesgo.vn

Nhiều năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, biển đảo luôn là để tài nóng hổi để các nhà báo đưa tin.

Đặc biệt là từ giữa năm 2014 trở đi, thời sự Biển Đông nóng lên khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (thuộc quần đảo Hoàng Sa), hầu như ngày nào báo đài cũng dành tời lượng đáng kể để nói về vấn đề này.

Ngoài việc tuyên truyền cho mỗi công dân biết yêu quý, biết ý thức bảo vệ quê hương, Tổ quốc, còn là cách giúp mọi người am hiểu tường tận về biển đảo của nước nhà.

Hòa trong không khí sôi sục phản đối Trung Quốc, nhiều học sinh - sinh viên đã tham gia diễu hành, mặc áo cờ đỏ sao vàng, xếp hành hình chữ S (có cả những quần đảo nằm ngoài khơi Biển Đông)... Tuy nhiên, phải nói là rất buồn khi còn rất nhiều học sinh lại mơ hồ về vấn đề này.

Còn nhớ vào ngày 7/4/2013, các thí sinh cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đã làm cho khán giả ngỡ ngàng. Ở phần thi “Về đích”, có câu hỏi địa lí dành cho bạn M.P. như sau: “Sắp xếp các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Đảo, Nam Du sao cho phù hợp với các tỉnh Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng".

Xem toàn bộ diễn đàn "Giáo dục trong mắt tôi" tại đây. 

Thí sinh này đã lúng túng trả lời rằng Hoàng Sa là của tỉnh Khánh Hòa, còn Trường Sa thuộc về Đà Nẵng (2 đảo còn lại nói đúng). Tương tự thế, bạn T.D. tham gia trả lời câu hỏi này lại cho rằng Nam Du của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, còn Côn Đảo thuộc về tỉnh Kiên Giang (2 đảo còn lại nói đúng). Điều ngạc nhiên hơn là khi bạn T.D. kết thúc phần trả lời, các bạn bên dưới vỗ tay rầm rộ cổ vũ, khiến cho MC Tùng Chi cũng ngỡ ngàng: “Thật tiếc và thật buồn khi các bạn không trả lời đúng được câu hỏi này”.

Để được tham gia cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”, các thí sinh của chúng ta phải là học sinh học xuất sắc nhất nhì của trường, giỏi đều các môn học. Đồng ý rằng các bạn không phải là thánh, chuyện gì cũng biết, nhưng câu hỏi trên rất gần gũi, học sinh lại đưa ra đáp sai.

Thực tế hiện nay, đa số học sinh phổ thông đều còn thiếu kiến thức về biển đảo và chủ quyền vùng biển Việt Nam. Với số lượng bài học về biển đảo còn hạn chế trong chương trình địa lí, chưa thể giúp học sinh có cái nhìn toàn diện và hiểu biết cụ thể về các vấn đề biển đảo Việt Nam.

Nhiều giáo viên các môn học khác cũng mơ hồ về vùng biển chủ quyền của đất nước, khi được hỏi thì ai cũng nhằm vào giáo viên địa lí (đôi khi giáo viên môn địa lí cũng không nắm rõ) chứ không biết chính xác diện tích, vị trí địa lí, giới hạn chủ quyền, các nguồn tài nguyên, tiềm năng và lợi thế biển đảo của chúng ta như thế nào.

Sự nhận thức còn hạn chế như vậy chủ yếu là do công tác tuyên truyền của chúng ta chưa thật sự sâu rộng trong mỗi nhà trường.

Thiết nghĩ, để làm tốt công tác tuyên truyền về biển đảo Việt Nam, nên thực hiện những biện pháp sau:

Khi Con Dao nam o… Kien Giang

Vịnh Hạ Long. Nguồn ảnh: internet

Tổ chức nhiều cuộc thi về biển đảo Việt Nam cho học sinh các cấp tham gia như: vẽ tranh, văn nghệ, hùng biện, lịch sử, sáng tác thơ văn… nhằm tạo sân chơi sôi nổi, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh.

Tổ chức nhiều khóa tập huấn về vấn đề biển đảo Việt Nam cho giáo viên tất cả các môn, tất cả các cấp theo học để có kiến thức sâu rộng mà truyền đạt cho các em học sinh.

Giáo viên bộ môn địa lí, ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân (khi cần thiết, các môn tự nhiên cũng áp dụng hình thức này) cần khéo léo lồng ghép các kiến thức biển đảo Việt Nam trong tiết học của mình để các em có thể hiểu rộng hơn, sâu hơn.

Thư viện của trường nên có nhiều đầu sách về biển đảo Việt Nam để các em có thể đọc sau những giờ ra chơi hoặc mượn về nhà. Nên khuyến khích các em đọc những loại sách này thông qua giáo viên chủ nhiệm hoặc thầy cô bộ môn địa lí. Nếu kinh phí của trường dư dả, nên photo thành những tập sách để tặng cho các em giữ bên mình tham khảo.

Công tác tuyên truyền sẽ giúp học sinh hiểu hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng cũng như tiềm năng của biển, đảo; đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về chiến lược biển, đảo trong tình hình mới, qua đó, có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

ĐẶNG TRUNG THÀNH (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI