Khi chính khách “say nắng” - Bài 2: Cái chết từ Twitter

06/03/2014 - 18:25

PNO - PN - Chỉ vài hôm sau khi Pushkar Sunanda đưa lên mạng xã hội Twitter những lời tố cáo chồng mình “tòm tem” với một người phụ nữ khác, cảnh sát phát hiện bà đã chết tại một khách sạn ở New Dehli (Ấn Độ).

edf40wrjww2tblPage:Content

Chính Sunanda tự kết liễu đời mình trong cơn thất vọng cùng cực. Kết quả pháp y cho thấy người phụ nữ 52 tuổi này chết vì dùng quá liều Alprax, loại thuốc có chất alprazolam thường được dùng cho những người mắc bệnh trầm cảm.

Khi chinh khach “say nang” - Bai 2: Cái chét tù Twitter

Sunanda và chồng

Người đàn bà lận đận

Tất nhiên, người hứng chịu mọi chỉ trích là Shashi Tharoor, chồng của Pushkar Sunanda. Rời Ấn Độ để sang học ở Mỹ, sau đó làm việc cho Liên Hiệp Quốc gần 30 năm, Tharoor được xem như một nhà ngoại giao lỗi lạc. Ông được chính phủ Ấn Độ chọn làm người tranh chức Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc với ông Ban Ki-moon vào năm 2006. Sau khi thất bại trong cuộc tranh cử này, Tharoor trở về Ấn Độ, nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng trên chính trường với sự hậu thuẫn của bà Sonia Gandhi, Chủ tịch đảng Quốc đại.

Shashi Tharoor từng giữ chức bộ trưởng, nhưng người ta biết đến ông nhiều nhất lại nhờ mạng xã hội. Tharoor là một trong những chính trị gia đầu tiên ở Ấn Độ biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội khi có đến hơn hai triệu người theo dõi những bài viết ông đăng tải trên tài khoản Twitter cá nhân. “Tharoor trở thành biểu tượng của một nước Ấn Độ hiện đại”, Bhaskara Rao, bình luận viên về các vấn đề xã hội ở Ấn Độ, nhận định. Thế nhưng, có thể sự nghiệp chính trị của Tharoor sẽ phải kết thúc vì chính mạng xã hội.

Trái ngược với Shashi Tharoor, Sunanda có một cuộc đời đầy trắc trở. Tharoor là người chồng thứ ba của Sunanda. Hai cuộc hôn nhân trước của bà đều kết thúc trong đau khổ. Bà rời Ấn Độ cùng người chồng đầu tiên đến Toronto (Canada) để xây dựng sự nghiệp. Tuy nhiên, hy vọng nhanh chóng vỡ vụn. Dù cả hai đều tìm được việc làm nhưng về cả tiền bạc lẫn vị trí xã hội đều không như mong muốn, lại không con cái nên họ chia tay nhau. Một thời gian ngắn sau đó, Sunanda lập gia đình với Sujith Menon, từng là bạn thân của người chồng thứ nhất. Đầu năm 1990, họ đến Dubai hy vọng tìm thấy cuộc đời mới. Năm 1992, họ có con trai đầu lòng, cũng là duy nhất tên Shiv Menon.

Sujith Menon làm việc ở một công ty bảo hiểm, Sunanda tham gia lĩnh vực quảng cáo và truyền thông, nhưng chỉ là những vị trí bậc trung. Thất vọng vì không thể đạt được vị trí cao như mong muốn, Menon trở về Ấn Độ năm 1997 và qua đời vài năm sau. Sunanda tiếp tục sống ở Dubai, gặp Tharoor vào năm 2009 khi ông này vẫn còn là chồng của Christa Giles, một nhà ngoại giao người Canada mà Tharoor gặp trong thời gian làm việc tại Liên Hiệp Quốc.

Sau khi ly hôn Giles, Tharoor kết hôn với Sunanda năm 2010. Từ đó đến khi Sunanda qua đời, ai cũng cho là họ đã sống rất hạnh phúc. “Họ luôn yêu thương nhau, dù cũng có những lúc bất đồng ý kiến nhưng họ tìm cách vượt qua. Tharoor không bao giờ cố ý gây tổn thương mẹ tôi”, Shiv Menon - người con duy nhất của Sunanda - khẳng định. Anh còn lý giải cái chết của mẹ: “Đó là sự kết hợp không may giữa sức ép từ giới truyền thông, sức ép từ chính bản thân bà cùng sự nhầm lẫn khi uống thuốc”.

Thế nhưng, có một điều không thể phủ nhận là nếu không có sự xuất hiện của Mehr Tarar, một nhà báo người Pakistan, chắc chắn Sunanda đã không chết. Là cây bút trụ cột của tờ Daily Times xuất bản ở Lahore, hồi tháng 4/2013, Mehr Tarar thực hiện một bài viết về Shashi Tharoor, Bộ trưởng phụ trách phát triển nguồn nhân lực, trong đó cô so sánh ông với Shah Rukh Khan, diễn viên rất được mến mộ ở Ấn Độ hiện nay. “Đó là người đàn ông có nhiều nét quyến rũ với nụ cười có thể làm mê đắm mọi phụ nữ, giọng nói có sức mạnh thuyết phục người đối diện”, Mehr Tarar viết như thế trong bài viết của mình. Do vậy, không có gì là bất ngờ nếu giữa người đàn ông đó với nhà báo nữ vừa đẹp vừa giỏi nghề này nảy sinh một cuộc tình.

Khi chinh khach “say nang” - Bai 2: Cái chét tù Twitter

Shashi Tharoor và Shiv Menon trong tang lễ của Sunanda

“Tôi không thể tha thứ”

Pushkar Sunanda nghĩ như vậy và bà đã dùng tài khoản Twitter của Tharoor để tố cáo Mehr Tarar dan díu với chồng mình, thậm chí còn post lên những mẩu đối thoại tình tứ giữa Tharoor và Tarar. Một trong những mẩu đó được gửi từ tài khoản Twitter của Tarar như sau: “Em yêu anh, Shashi Tharoor. Đó là điều mãi mãi không thể đảo ngược. Luôn là của anh, Mehr”. Tharoor nhanh chóng cho biết là tài khoản Twitter của ông đã bị xâm nhập với ý đồ xấu, nhưng Sunanda ngay sau đó khẳng định chính bà viết những điều đó trên Twitter của chồng mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Sunanda còn nói, bà đã nghĩ đến việc ly hôn.

Là một nhà báo sắc sảo, Mehr Tarar không dễ chịu thua. Cô viết trên Twitter: “Khi một phụ nữ xúc phạm một phụ nữ khác bằng cách dựng lên câu chuyện dan díu với chồng mình nghĩa là bà ta đã lâm bệnh quá mức rồi và không còn xứng đáng với cuộc hôn nhân của mình nữa. Thật đáng buồn nôn!”. Tharoor cố dập tắt cuộc chiến trên Twitter giữa vợ và người tình bằng cách đưa ra một thông cáo báo chí khẳng định “cuộc hôn nhân của chúng tôi vẫn hoàn toàn tốt đẹp” và một lần nữa cho biết tài khoản Twitter của ông bị tin tặc xâm nhập.

Khi chinh khach “say nang” - Bai 2: Cái chét tù Twitter

Nhà báo Mehr Tarar được xem là kẻ thứ ba trong mối  quan hệ vợ chồng Sunanda và Tharoor (ảnh: NDTV)

Thế nhưng, mọi việc đã quá trễ. Chỉ một ngày sau, người ta phát hiện Pushkar Sunanda chết tại một khách sạn ở Dehli. Những lời cuối cùng bà post lên Twitter thật đau xót: “Cô ta luôn tìm cách ve vãn Tharoor, và bạn biết đàn ông là như thế nào. Họ luôn sung sướng trước những lời tâng bốc. Tôi sẽ không cho phép điều này đến với mình. Tôi không thể tha thứ!”.

Chính suy nghĩ “không thể tha thứ” đã khiến Sunanda luôn trong tâm trạng ức chế. Bà đã chọn mạng xã hội như một cách làm vơi bớt những ẩn ức. Thế nhưng, mặt trái của mạng xã hội là những lời đả kích đầy cay độc của Mehr Tarar cũng như nguy cơ tan vỡ cuộc hôn nhân là điều mà bà Sunanda không ngờ được và cũng không thể khống chế.

Dù là tự tử hay chết vì bất cẩn khi dùng thuốc thì cái chết của vợ một bộ trưởng vì “nghi án” chồng ngoại tình cũng làm xôn xao dư luận. Tharoor cho rằng, chính sự quan tâm quá mức của giới truyền thông đã dẫn đến cái chết của vợ mình. Đó là một thực tế, nhưng hơn ai hết, Tharoor phải tự trách bản thân. Chính nhờ mạng Twitter mà người dân Ấn Độ biết về ông nhiều hơn nhưng cũng vì mạng Twitter mà người ta biết về mối quan hệ giữa ông và Mehr Tarar. Điều đó mới thực sự làm cho vợ ông tan nát cõi lòng.

 THIỆN NGA 

Bài 3: Trả thù kiểu Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI