Khi các ông chồng thành bà đỡ trong mùa giãn cách

13/08/2021 - 06:48

PNO - Trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp sản phụ đã không kịp đến bệnh viện khi em bé trong bụng cứ… đòi ra. Nhiều ông chồng đã trở thành bà đỡ bất đắc dĩ với sự hướng dẫn từ xa của bác sĩ.

Bác sĩ hướng dẫn, các ông chồng đỡ đẻ thành công 

Khoảng 1g sáng một ngày đầu tháng Tám, chuông điện thoại reo, vị bác sĩ vùng dậy. Thấy số điện thoại lạ, linh tính đêm hôm có người gọi phải là việc rất gấp, ông liền đưa tai nghe máy. 

Đầu dây bên kia, giọng đàn ông cấp bách: “Bác sĩ ơi, vợ tôi đang đau bụng chuyển dạ rồi bây giờ phải làm sao?”. Người đàn ông cho biết nhà mình ở TP.Thủ Đức, gần cầu Bình Triệu. Vị bác sĩ khuyên người chồng gọi cho các số điện thoại của cơ quan y tế, tìm mọi cách đưa vợ đi bệnh viện ngay.

Một ca vượt cạn mẹ tròn con vuông trong mùa giãn cách
Một ca vượt cạn mẹ tròn con vuông trong mùa giãn cách

Hơn một tiếng sau, người chồng lại gọi cho bác sĩ nói rằng không thể tìm được phương tiện di chuyển giữa đêm hôm, gọi các đường dây nóng cũng bận, liệu có thể chờ tới sáng mới đưa vợ tới bệnh viện được không. Lòng vị bác sĩ nóng như lửa đốt, lo cho mẹ con sản phụ. Vừa cúp máy chưa được bao lâu thì lại thấy chuông điện thoại reo, người chồng hoảng hốt: “Bác sĩ ơi, đầu em bé đang chui ra rồi, chúng tôi vẫn đang ở nhà, bác sĩ cứu vợ con tôi với!”. 

Không còn cách nào khác, vị bác sĩ trấn an người chồng hãy bình tĩnh rồi chính ông hướng dẫn cách đỡ đẻ từ xa. Bác sĩ bày cho sản phụ cách hít thở đều, chỉ rặn nhẹ khi có cơn gò. Về phía người chồng, bác sĩ chỉ dẫn cách đặt bàn tay lên đầu em bé để hỗ trợ đầu bé sổ ra từ từ theo sức rặn của sản phụ.

Khi em bé ra ngoài, vuốt dọc mũi bé theo chiều từ trên xuống, giúp tống sạch nhớt trong mũi và miệng. Ngay sau đó, đặt em bé da kề da lên ngực mẹ, đầu nghiêng một bên nhằm tránh bị sặc đờm nhớt trong mũi và miệng. Ngoài ra, người chồng phải lau và ủ ấm cho bé bằng khăn khô, sạch...

Gia đình sản phụ cũng được bác sĩ lưu ý không được tự ý kéo hoặc cắt dây rốn cho bé, nếu bánh nhau tự sổ ra thì đặt cạnh bé và mẹ rồi tìm cách nhanh nhất đưa hai mẹ con tới bệnh viện để được nhân viên y tế có chuyên môn xử lý tiếp. Nhờ có sự chỉ dẫn của bác sĩ trong lúc cấp bách, người chồng này đã đỡ đẻ thành công cho vợ. Sau đó, họ cũng gọi được xe cấp cứu để đưa mẹ con sản phụ tới bệnh viện an toàn.

Theo bác sĩ Nguyễn Điền, nếu sản phụ phải sinh tại nhà thì không được cắt dây rốn mà phải làm theo hướng dẫn của bác sĩ rồi nhanh chóng đưa mẹ con sản phụ tới bệnh viện
Theo bác sĩ Nguyễn Điền, nếu sản phụ phải sinh tại nhà thì không được cắt dây rốn mà phải làm theo hướng dẫn của bác sĩ rồi nhanh chóng đưa mẹ con sản phụ tới bệnh viện

Người đồng hành suốt đêm, hướng dẫn ông chồng đỡ đẻ trong hành trình vượt cạn đó chính là bác sĩ Nguyễn Điền, công tác tại một bệnh viện phụ sản hàng đầu ở TPHCM. Đây không phải sản phụ duy nhất được ông hướng dẫn sinh con tại nhà khi không kịp tới bệnh viện.

Mới đây, ông cũng nhận được cuộc gọi từ một gia đình ở tỉnh Bình Dương. Nhà của sản phụ này nằm trong khu vực phong tỏa, gọi mãi không kiếm được xe taxi và xe cấp cứu. Trong lúc luống cuống chưa tìm ra giải pháp thì sản phụ đã chuyển dạ luôn tại nhà. May mắn, dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ họ đã đỡ đẻ thành công và không lâu sau đó, hai mẹ con đã được đưa đi bệnh viện.

Nhờ công an phường hỗ trợ xe

Mới đây, một sản phụ tại TP.Thủ Đức đã gọi điện cho bác sĩ Nguyễn Điền. Cô cho biết gia đình ở trong khu phong tỏa, mình lại vừa vỡ ối, ra chốt đề nghị cho đi bệnh viện thì được yêu cầu phải có giấy y tế mới được ra ngoài. Muốn có giấy y tế, cô phải ra được phòng y tế ở phường nhưng phòng y tế lại nằm ngoài khu phong tỏa nên cũng không cách nào ra được.

Sản phụ cho biết đã gọi các số điện thoại trợ giúp y tế nhưng liên lạc vô cùng khó khăn. Lúc này, bác sĩ khuyên cô hãy nhờ các anh công an đứng gần đó, thế nào họ cũng có phương tiện di chuyển và thực sự khẩn cấp họ sẽ giúp. Cô làm như vậy và may mắn đã được công an phường đưa đi cấp cứu kịp thời. Không chỉ riêng sản phụ này, một số trường hợp khác khi thử tất cả các cách đều không được, họ đã ra công an phường và được hỗ trợ bố trí xe chở đi bệnh viện. 

Theo bác sĩ Nguyễn Điền, đi đẻ vào mùa dịch như hiện nay vô cùng khó khăn. Rất nhiều thai phụ không khám thai định kỳ được do ở trong khu vực cách ly, phong tỏa, từ đó cũng mơ hồ về thời điểm dự sinh. Khi thai phụ đau đẻ lại không có phương tiện để di chuyển, đau bụng chuyển dạ không ngồi xe máy được, gọi 115 thì quá tải, gọi taxi cũng không dễ vì một số tài xế e ngại sợ chở nhầm F0. Không chỉ thế, nhiều thai phụ lại chờ đau bụng nhiều mới tính tới chuyện đi bệnh viện nên không kịp, dẫn tới tình trạng đẻ ở nhà hoặc đẻ trên đường đến bệnh viện. Còn có trường hợp khi chuẩn bị sinh thì mắc đi cầu, vào nhà vệ sinh rặn nên lọt luôn em bé ra ngoài. 

Để hạn chế các tình huống trên, bác sĩ lưu ý các thai phụ phải có kế hoạch chuẩn bị cho việc sinh con từ sớm. Nếu gia đình không có phương tiện di chuyển thì phải tìm người nào đó để nhờ từ trước, lưu sẵn số bác sĩ khám thai định kỳ, số các đơn vị xe cấp cứu thiện nguyện... Trường hợp tất cả phương án trên đều không được thì đừng ngần ngại mà hãy liên hệ với công an phường đề nghị trợ giúp khẩn cấp. 

Nếu chẳng may vượt cạn ở nhà, phải làm sao?

Khi sản phụ có các dấu hiệu ra huyết âm đạo, ra nước âm đạo, gò từng cơn, thai máy ít thì phải khẩn trương đi bệnh viện. Những người có nguy cơ chuyển dạ sinh nhanh cần lưu ý là tiền căn sinh non, sẩy thai to, hở eo tử cung, đa sản, thai non tháng, nhẹ cân.

Khi có cơn gò tử cung gây đau dồn dập, kèm cảm giác mắc rặn liên tục mà chưa thể vào cơ sở y tế, sản phụ cần:

- Không hốt hoảng, giữ bình tĩnh và tập trung cho cuộc sinh, ngay cả khi sản phụ chỉ có 
một mình.

- Gọi điện cho bác sĩ, hoặc 115 để được hỗ trợ.

- Sản phụ tập hít thở đều, chỉ rặn nhẹ nhàng khi có cơn gò.

- Trường hợp đang trên xe mà mắc rặn sinh, thấy đầu bé thập thò ra ngoài nên dừng xe lại, đỡ sinh xong rồi mới đi tiếp.

- Khi thấy đầu bé bắt đầu thập thò cửa mình, đặt bàn tay giữ trên đầu để hỗ trợ đầu sổ ra nhẹ nhàng và từ từ, tránh sổ ra quá nhanh. Nếu sản phụ ở một mình vẫn có thể tự dùng tay đặt lên đầu của bé để làm tương tự.

- Không kéo đầu bé ra ngoài mà nhẹ nhàng để thai tự sổ ra theo sức rặn của sản phụ.

- Nhẹ nhàng vuốt dọc mũi bé từ trên xuống dưới để giúp tống sạch nhớt trong mũi và miệng.

- Đặt bé da kề da lên ngực mẹ, đầu nghiêng một bên để tránh đọng nhớt trong miệng. Lau và ủ ấm bằng khăn khô, sạch.

- Sờ dưới rốn sản phụ thấy có một khối tròn và cứng, đó là tử cung. Dùng tay xoa tử cung để kích thích tử cung gò tốt và cầm máu.

- Không kéo, không cắt dây rốn.

- Nếu bánh nhau tự sổ ra ngoài, đặt cạnh bé, không cắt dây rốn. Khi chuyển đến cơ sở y tế, nhân viên y tế sẽ cắt dây rốn trong điều kiện vô khuẩn.

Bác sĩ Nguyễn Điền nhấn mạnh không khuyến khích sản phụ tự sinh con ở nhà vì các nguy cơ tai biến nguy hiểm. Đây chỉ là hướng dẫn xử trí trong tình huống khẩn cấp bất khả kháng.

Thanh Huyền
 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI