Khai tử trò lố bôi xấu phụ nữ trên truyền hình

18/10/2017 - 07:57

PNO - Vì áp lực lượt xem cùng sự dễ dãi của không ít khán giả, nhiều chương trình truyền hình đã cố tình 'làm bẩn mắt' công chúng, gây ồn ào, hạ thấp giá trị chính mình.

Những trò lố nằm ngoài kịch bản không thuần túy là trò đùa vui mà như nhát dao đâm thẳng vào giá trị nữ giới đang từng ngày được củng cố, tôn vinh.

Một chương trình phát trên truyền hình Pháp mới đây đã hứng phải vô vàn “gạch đá” vì hình ảnh quá dung tục: vén váy nữ nghệ sĩ. Trong lúc nữ ca sĩ Nolwenn Leroy đang trả lời phỏng vấn, diễn viên hài Laurent Baffie bất ngờ hướng ánh mắt chăm chăm vào phía dưới váy cô rồi thản nhiên vén váy Nolwenn Leroy. 

Khai tu tro lo boi xau phu nu tren truyen hinh

Nam diễn viên hài Laurent Baffie “pha trò” không đúng lúc

Cô ca sĩ bối rối gượng cười. Khán giả cũng cười để che đi cảnh đỏ mặt. Laurent không dừng lại dù được nhắc nhở, ông ta cố ý thực hiện lần nữa trò bẩn ngay trên sóng truyền hình. 

Trên các diễn đàn, khán giả thể hiện sự phẫn nộ, cảm thấy bản thân không được tôn trọng vì bị nhồi nhét hình ảnh thô thiển. Đó là sự xúc phạm. Laurent Baffie, sau đó, đã xin lỗi và thừa nhận ông làm vậy để… câu view.

Ngay cả Nolwenn Leroy cũng bị chỉ trích vì thái độ xuề xòa của cô. Tại thời điểm bị xúc phạm, cô nói kiểu cho qua: “À, không sao, anh ấy là bạn tôi đấy mà”.

Khán giả phẫn nộ với Nolwenn Leroy, cho rằng cô hành xử theo ý chí cá nhân, trong khi thái độ của cô trước hàng triệu người sẽ định hướng hành xử của nữ giới khi vấp phải những tình huống tương tự ngoài đời thực.

Trong một năm qua, không dưới năm lần những “hạt sạn” như thế xuất hiện trên truyền hình Pháp. Điển hình là trường hợp người mẫu Sorya trong gameshow 35 hours of Baba. Dù Sorya đã dứt khoát từ chối, nam MC Jean-Michel Maire vẫn cố tình hôn lên ngực cô. 

Clip Nam MC Jean-Michel Maire cố tình hôn lên ngực người mẫu Sorya trên sóng truyền hình để câu view:

 

Nhiều khán giả đã gọi đây là hành vi tấn công tình dục. Cơ quan Giám sát truyền hình Pháp (CSA) đã nhận hơn 250 khiếu nại sau 24 giờ chương trình được phát sóng trực tiếp. Kênh truyền hình C8 và cả MC Jean-Michel Maire chọn cách im lặng giữa tâm bão, phủ nhận mọi cáo buộc. 

Vụ việc nhanh chóng “chìm xuồng” và không ai dám chắc nó không tạo tiền lệ cho những hành xử tệ hại trong văn hóa - nghệ thuật.

America’s next top model, sau 22 mùa khai thác cạn kiệt những gì xấu xí, ê chề nhất trong những va chạm phụ nữ, chương trình phải tự khai tử vì không làm được gì khác hơn.

Họ không thể xây dựng được giá trị nhân văn mà chỉ ngày qua ngày “xào nấu” kịch bản đố kỵ, bon chen trong ngôi nhà chung. Quán quân hụt Angelea Preston mùa America’s next top model năm 2011 thừa nhận cô thấy mình bị hạ bậc phẩm giá khi bắt tay với ê-kíp sản xuất dàn dựng những cảnh quay bôi xấu hình ảnh phụ nữ.

Nhà đài, nếu không dung túng, những trò lố với phụ nữ sẽ chẳng xuất hiện nhan nhản như thế. Đài truyền hình nhà nước RAI Italia đầu năm nay đã phải ngưng phát sóng nhiều số liên tiếp chương trình Let's talk about it Saturday vì có nội dung thiếu tôn trọng nữ giới - nhận định rằng phụ nữ Đông Âu là người dễ lấy lại vóc dáng sau sinh, dễ tha thứ nếu chồng vụng trộm, cho chồng quyền “điều hành” mọi lúc mọi nơi và có vẻ là những cô vợ hoàn hảo - những đánh giá mang tính định kiến, đi ngược với trào lưu bình đẳng giới trên toàn cầu. Nó thể hiện sự thụt lùi, kém cỏi trong nhận thức của những người thực hiện.

Khai tu tro lo boi xau phu nu tren truyen hinh
Angelea Preston - thí sinh của America’s next top model năm 2011

Mạng lưới Bengal (chuyên hỗ trợ nữ giới Ấn Độ) mới đây cũng đã gửi thư kiến nghị đến những lãnh đạo cấp cao ở Bengal, yêu cầu dừng phát sóng những bộ phim hạ thấp giá trị phụ nữ - những bộ phim xoay quanh câu chuyện phụ nữ chấp nhận nhốt mình trong bốn bức tường để sa vào vòng xoáy thị phi, quan hệ mẹ chồng - nàng dâu căng thẳng, cuộc sống đầy nước mắt và bế tắc.

Mạng lưới Bengal cho rằng việc phát sóng những nội dung này lâu dài là sự tiêm nhiễm thái độ sống lệch lạc, là rảo cản lớn cho nỗ lực tìm kiếm quyền bình đẳng cho phụ nữ 
Ấn Độ.

Phụ nữ là để yêu, là nguồn cảm hứng cho những sáng tác nghệ thuật thi vị. Họ không phải là mục tiêu của định kiến, ràng buộc, soi mói, bỡn cợt vô nghĩa. Nếu phụ nữ không được tôn trọng trong những lần xuất hiện thì những lời bao biện sau đó đều trở nên kệch cỡm. 

Có một nhận thức nguy hiểm định hướng sai lệch khẩu vị của khán giả truyền hình, đó là: không ồn ào, không bê bối thì không phải chương trình hấp dẫn. Trong và sau thời điểm chương trình phát sóng, những tình tiết gay cấn, phản cảm sẽ lan tỏa chóng mặt nhờ mạng xã hội, qua những hashtag (thẻ gắn liên kết). Càng được lan tỏa, lượt xem càng cao, chương trình càng thành công, càng dễ thu quảng cáo.

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI