Kamala Harris: Hãy nhìn nhận bản thân theo cách của riêng mình

14/11/2020 - 06:00

PNO - Kamala Harris là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào vai trò Phó tổng thống Hoa Kỳ. Không chỉ có giới tính khác với 48 người tiền nhiệm, bà còn là người da màu và gốc Á đầu tiên làm được điều này.

Chiến thắng đi vào sử sách

Tối 7/11, các cơ quan ngôn luận lớn đồng loạt tuyên bố ông Joe Biden đã chiến thắng cuộc bầu cử với hơn 270 phiếu đại cử tri bất chấp cáo buộc gian lận từ đương kim Tổng thống Donald Trump. Hàng ngàn người đã đổ ra đường phố để ăn mừng chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ.

Sự kiện này không chỉ đặt dấu chấm hết cho thời gian cầm quyền của vị tổng thống gây tranh cãi nhất lịch sử Mỹ mà còn mang đến một bước ngoặt khác cũng quan trọng không kém: Kamala Harris (56 tuổi) - người phụ nữ đầu tiên được bầu vào vai trò Phó tổng thống, nhân vật quyền lực thứ hai chỉ đứng sau Tổng thống. Không chỉ có giới tính khác với 48 người tiền nhiệm, bà còn là người da màu và gốc Á đầu tiên làm được điều này.

Tờ The Guardian viết việc “trở thành người phụ nữ có vị trí cao nhất trên chính trường Mỹ từ trước đến nay” đã cho thấy bà Harris sở hữu “một sự nghiệp chính trị phi thường và phá vỡ mọi rào cản về giới tính, chủng tộc”. 

Kamala Harris là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào vai trò Phó tổng thống Mỹ
Kamala Harris là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào vai trò Phó tổng thống Mỹ

Tròn 100 năm trước, ngày 18/8/1920, phụ nữ Mỹ chính thức được chính phủ cho phép tham gia bầu cử. Và mãi 45 năm sau, người Mỹ gốc Phi mới có quyền tương tự với Đạo luật Quyền bỏ phiếu được Thượng viện thông qua. 

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách phó tổng thống đắc cử, bà Harris đã tri ân những phụ nữ dũng cảm đi trước mở đường cho chiến thắng của mình hôm nay mà đặc biệt là người mẹ quá cố, bà Shyamala Gopalan Harris - một người Mỹ gốc Ấn. 

Bên cạnh đó, bà Harris còn muốn nhắn nhủ với các bé gái đang theo dõi qua màn ảnh nhỏ rằng “hãy ước mơ với tham vọng chinh phục và luôn có niềm tin. Hãy nhìn nhận bản thân theo cách của riêng mình”. “Tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên làm phó tổng thống nhưng tôi chắc chắn sẽ không phải là người cuối cùng”, bà Harris nói.

Quanda Baker - thư ký của tổ chức Liên minh quốc gia 100 phụ nữ da đen - cho biết chiến thắng của bà Harris giống chiến thắng của ông Barack Obama vào năm 2008, là điều “mà tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ chứng kiến trong đời”. Baker cho biết, cuộc bầu cử của bà Harris không chỉ thay đổi cách nhìn của xã hội đối với phụ nữ da đen mà còn cả cách họ tự nhìn nhận về bản thân

"Kamala Harris trao quyền cho phụ nữ da đen”, Baker nói. “Các bé gái từ mọi chủng tộc sẽ nhìn thấy rằng không điều gì là không thể”.

Bà Harris và ông Joe Biden trong buối phát biểu gần đây khi công việc kiểm phiếu khá ồn ào
Bà Harris và ông Joe Biden trong lần xuất hiện gần đây 

Tại ngôi làng Thulasendrapuram thuộc miền Nam Ấn Độ - nơi  sinh ra và lớn lên của bà Shyamala Gopalan  - người dân đã dậy từ sáng sớm Chủ nhật, 7/11 để ăn mừng sự kiện trọng đại này. "Kamala Harris là một người con gái của làng chúng tôi. Từ trẻ em đến người già, mỗi người trong làng đều chờ đợi ngày cô ấy tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống Mỹ",  Aulmozhi Sudhakar - một ủy viên hội đồng làng - nói.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mô tả thành công của bà Harris là một bước đột phá và niềm tự hào to lớn không chỉ cho người thân của bà mà còn cho tất cả những người Mỹ gốc Ấn. "Tôi tin tưởng rằng mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ sẽ ngày càng bền chặt hơn với sự hỗ trợ và lãnh đạo của họ”, ông viết trên Twitter.
Kamala Harris là ai?

Sinh năm 1964 tại bang California, cha của bà Harris là người Jamaica và là một nhà kinh tế học. Mẹ bà đến Mỹ từ năm 19 tuổi và là một nhà khoa học với nhiều đóng góp cho công cuộc nghiên cứu chữa ung thư vú. Cái tên “Kamala” có nghĩa là hoa sen trong tiếng Phạn và là tên khác của nữ thần Lakshmi trong đạo Hindu.

Cha mẹ bà Harris gặp nhau tại Đại học California - nơi cả hai đều tham gia phong trào dân quyền. Họ ly hôn năm 1971 và bà được mẹ nuôi dưỡng cùng em gái Maya ở Berkeley. Bà Harris nói rằng mỗi khi bà cùng chị gái đến thăm cha ở Palo Alto vào cuối tuần, những đứa trẻ khác trong khu phố không được phép chơi với họ chỉ vì họ là người da đen.

Với bà Harris, người mẹ chính là hình mẫu lý tưởng để bà noi theo vì đã vượt mọi khó khăn thử thách khi là người nhập cư, mẹ đơn thân đến gầy dựng sự nghiệp tại Mỹ. Chính sự dũng cảm này đã truyền cảm hứng cho bà trong mọi cuộc chiến.

Trong thời gian học tiểu học, bà Harris được đưa đón đến trường bằng xe buýt từ một khu dân cư chủ yếu là người da màu như một phần trong nỗ lực đa dạng chủng tộc của các trường học. 

Sau khi tốt nghiệp trường luật, bà Harris được thuê làm phó công tố viên quận Alameda vào năm 1990. Sau đó, bà trở thành công tố viên của thành phố San Francisco vào năm 2003. Trong ba năm đầu tiên của bà tại vị trí này, tỷ lệ kết án của thành phố đã tăng từ 52% lên 67%.

Song song đó, bà Harris cũng tạo ra một chương trình tái hòa nhập cho những tội phạm ma túy cấp thấp và ngăn chặn tình trạng học sinh trốn học. Năm 2010, bà chiến thắng trong cuộc đua để trở thành tổng chưởng lý bang California - đánh bại Steve Cooley của đảng Cộng hòa và trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.

Năm 2014, bà Harris kết hôn với luật sư Doug Emhoff và năm 2016, bà giành chiến thắng trong cuộc đua vào Thượng viện, đại diện cho bang California đánh bại ứng viên đảng Dân chủ Loretta Sanchez - người đã có 20 năm kinh nghiệm trong vai trò thượng nghị sĩ.

Tại đây, bà Harris đã tạo dựng được danh tiếng nhờ kinh nghiệm làm công tố viên và thu hút nhiều chú ý trong quá trình thẩm vấn các quan chức thuộc chính quyền Trump bao gồm cả Jeff Sessions và Brett Kavanaugh.

Năm ngoái, bà Harris đã khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống của mình với khẩu hiệu "Kamala Harris vì nhân dân" nhưng cuối cùng bỏ cuộc do số phiếu bầu giảm dần và thiếu kinh phí. Sau đó, Joe Biden đã chọn bà Harris làm phó tướng và miêu tả bà như “một chiến binh không sợ hãi”. Bà Harris cũng khá thân thiết với người con trai quá cố của ông - Beau Biden, người từng là tổng chưởng lý bang.

Sau khi kết quả bầu cử được công bố trên truyền thông, bà Harris đã đăng một đoạn video ghi lại cảnh bà gọi điện cho tân tổng thống và nói: “Chúng ta đã làm được, Joe!”.

Tại San Francisco vào ngày 30/6/2019, thượng nghị sĩ Kamala Harris phát biểu trong cuộc diễu hành với trang phục gồm: áo denim đính cườm sequin bảy sắc cầu vồng. Theo Vogue, cộng đồng LGBT và da màu đã bày tỏ sự ủng hộ, yêu mến Kamala Harris - Ảnh: Jim Wilson/The New York Times
Tại San Francisco vào ngày 30/6/2019, thượng nghị sĩ Kamala Harris phát biểu trong cuộc diễu hành với trang phục gồm: áo denim đính cườm sequin bảy sắc cầu vồng. Theo Vogue, cộng đồng LGBT và da màu đã bày tỏ sự ủng hộ, yêu mến Kamala Harris - Ảnh: Jim Wilson/The New York Times

Tương lai rộng mở

Ở tuổi 78, có nhiều khả năng Joe Biden sẽ không tái tranh cử vào năm 2024. Chính vì thế, nhiều người cho rằng bà Harris - vốn là thế hệ kế thừa của đảng Dân chủ - đang nắm giữ cơ hội cao nhất để trở thành “nữ tổng thống Mỹ đầu tiên”.

Cậu của bà Harris là ông G. Balachandran - cựu cố vấn tại Viện Nghiên cứu và Phân tích quốc phòng Manohar Parrikar (MP-IDSA) - vào ngày 7/11 đã nói trên truyền thông rằng: "Chúng ta đã có một tổng thống da đen. Bây giờ, chúng ta có một phó tổng thống Mỹ gốc Phi và hy vọng vào năm 2024, chúng ta sẽ có một tổng thống là phụ nữ Mỹ gốc Phi. Và đó là Kamala”.

Khi được đặt câu hỏi trên một cách thẳng thắn trong chương trình 60 Minutes, ông Biden chỉ cười và hào hứng nêu ra các lý do bà Harris hoàn toàn phù hợp cho vị trí tổng thống, ví dụ như bà cực kỳ thông minh, theo đuổi các giá trị quan trọng, tuân thủ nguyên tắc và có kinh nghiệm đầy mình trong lĩnh vực hành pháp.

Ông Biden cũng không giấu giếm tham vọng sẽ xây dựng mối quan hệ thân thiết với bà Harris như từng có với cựu tổng thống Barack Obama. Do đó, vai trò phó tổng thống của bà sẽ quyền lực hơn rất nhiều.

Về phía mình, bà Harris chọn giải pháp im lặng. Thế nhưng, phản hồi này gần như đã xác định mọi khả năng đều có thể xảy ra bao gồm cả việc bà có thể sẽ tham gia cuộc đua tiến tới vị trí quyền lực nhất nước Mỹ. 

Mai Thảo

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI