Chương trình giao lưu Từ trong đất lửa - Số 3:

Huyền thoại tàu không số

18/11/2022 - 06:26

PNO - Vượt biển bằng thuyền đánh cá ra miền Bắc vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, trở thành chiến sĩ hải quân rồi thuyền trưởng tàu không số, cuộc đời Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - thiếu tá Nguyễn Văn Đức đã trở thành huyền thoại như đường Hồ Chí Minh trên biển.

Từ trong đất lửa là chương trình do Báo Phụ Nữ TPHCM thực hiện, nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật được trao giải thưởng chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2010-2020).

Chương trình giao lưu với văn nghệ sĩ cùng các nhân vật bước ra từ trang sách, cũng như các vở diễn sân khấu, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm múa; với những sáng tác có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, ca ngợi vẻ đẹp của đất và người ở thành phố mang tên Bác.

Số 1: Hoa trong lửa

Số 2: Vở cải lương "Thành phố buổi bình minh": Một thời gian khó, một thời thương

Vào lúc 5g chiều 1/6/1961, từ khu rừng vắng của ấp Cồn Tra (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), 1 con thuyền đánh cá cùng với 6 chiến sĩ bắt đầu hành trình bí mật vượt biển ra miền Bắc. Trong đó có người chiến sĩ tuổi 20 Nguyễn Văn Đức - một người con của Bến Tre. Trên thuyền có 1 thùng phuy nước ngọt, 50kg gạo, 5kg cá khô, 2 thùng phuy dầu máy, gần chục kg thịt ướp muối mặn.

Đại tá - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - thiếu tá Nguyễn Văn Đức (giữa) tại talk show Từ trong đất lửa
Đại tá - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - thiếu tá Nguyễn Văn Đức (giữa) tại talk show Từ trong đất lửa

“Chuyến ấy chúng tôi đi 10 ngày, trên biển nếu gặp máy bay, tàu tuần tra của địch thì thả lưới đánh cá. Đến khi hết nước, hết gạo, thì cập bến nhờ dân giúp đỡ, cũng chỉ dám nói mình gặp bão nên bị lạc. Hỏi thăm dân mới biết đó là vùng biển Đà Nẵng, anh em mừng vì đã gần đến ranh giới Cửa Tùng (Quảng Trị). Đêm đó cho thuyền chạy luôn một mạch, vượt qua vĩ tuyến và đến được Hà Tĩnh” - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) - thiếu tá Nguyễn Văn Đức nhớ lại. 

AHLLVTND - thiếu tá Nguyễn Văn Đức cùng đại tá - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm - tác giả truyện ký Nguyễn Văn Đức - người anh hùng tàu không số huyền thoại là nhân vật trong chương trình Từ trong đất lửa của Báo Phụ nữ TPHCM tuần này (2 tập sẽ được phát ngày 19 và 20/11 tại www.phunuonline.com.vn và kênh YouTube Báo Phụ nữ TPHCM).

Truyện ký đã đoạt giải B giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2020”.

Vượt qua vĩ tuyến, đoàn may mắn gặp những người đồng chí của mình ở Ty Công an Hà Tĩnh và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Được xe đưa ra Hà Nội, gặp đồng chí Lê Duẩn - khi ấy là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng và Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Hùng. Đặc biệt là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. AHLLVTND - thiếu tá Nguyễn Văn Đức nói 30 phút quý giá được gặp Bác, cả đời ông cũng không thể nào quên.

“Khi xe đến Phủ chủ tịch, tôi đã thấy Bác đứng ở cửa đón chào anh em. Bác hỏi: “Các cháu có khỏe không? Từ hôm ra đây ngủ có được không? Ăn, ở phục vụ các cháu có tốt không?”. Anh em đều đồng thanh: “Thưa Bác, chúng cháu khỏe, vui và ăn ngủ tốt ạ”. Khi nghe nguyện vọng xin vũ khí, đặc biệt là vũ khí có thể phá hủy được lô cốt địch, Bác cười: “Không phải chỉ diệt lô cốt không đâu, mà các cháu còn cần trau dồi thêm kỹ thuật và học chính trị, phải xác định mục tiêu chiến đấu lâu dài” - ông kể.

AHLLVTND - thiếu tá Nguyễn Văn Đức
AHLLVTND - thiếu tá Nguyễn Văn Đức

Sau hải trình đầu tiên của đội thuyền Bến Tre, các đội thuyền tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa cũng đã vượt biển ra Bắc thành công - đều là đi trên những con thuyền đánh cá thô sơ, chạy bằng buồm. Những hành trình ấy đã mở ra đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày 11/10/1962, tàu Phương Đông 1 xuất phát chở theo 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng). 5 ngày sau, tàu Phương Đông 2 tiếp bước, rồi đến tàu Phương Đông 3, khởi hành ngày 14/11/1962.

Đúng 1 tháng sau đó, tàu Phương Đông 4 có Nguyễn Văn Đức tham gia nhận lệnh khởi hành. Những người con của miền Nam, ra đi và trở về trên những con tàu đầy ắp vũ khí, vượt bao nguy hiểm trùng trùng, cuối cùng đều cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Thiếu tá Nguyễn Văn Đức hồi tưởng: “4 con tàu Phương Đông chở được 120 tấn vũ khí vào Cà Mau là một thắng lợi cực kỳ quan trọng. Khi chiếc tàu đầu tiên cập bến, anh em mừng rơi nước mắt, tất cả ôm nhau mà khóc. Điều đó càng khiến anh em đồng chí thêm quyết tâm tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đức đã cùng đồng đội thực hiện 23 chuyến vượt biển thành công bằng tàu không số. Và cũng chính trong những ngày lênh đênh giữa biển khơi, khi đang trên tàu 69 về Trà Vinh, ông nhận hung tin cả gia đình 7 người gồm mẹ, chị, các em và các cháu của ông đã bị giết hại bởi bom napan Mỹ trong chiến dịch Phượng Hoàng ngày 31/12/1963. Nửa đêm, ông quá giang về Bến Tre, bí mật lên viếng ngôi mộ tập thể được chôn ở xóm Hồ Cỏ. Đêm nghe tiếng khóc, người dân ngỡ đó là bóng ma hiện về bên ngôi mộ linh thiêng…

Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ, người anh hùng của tàu không số ngày ấy đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. Ông đã và đang trở lại những “bến xưa” - nơi đoàn tàu không số từng dừng chân - để xây cầu, hỗ trợ bà con nghèo, giúp học trò hiếu học có cơ hội đến trường, xây nhà tình thương/tình nghĩa cho người già neo đơn… Đó cũng là tâm nguyện của các chiến sĩ tàu không số năm xưa, khi nhận được sự che chở, cưu mang của nhân dân. Những ân tình mà thiếu tá Nguyễn Văn Đức nói rằng, cả cuộc đời ông và đồng đội không thể nào quên được. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI