Hóng mẹ luộc khoai

21/03/2024 - 17:42

PNO - Tất cả giờ đã trở thành ký ức, chỉ riêng hình ảnh mẹ lui cui dỡ từng củ khoai phần để cho con, nửa dành tặng người dưng lót dạ là chẳng bao giờ tôi quên.

2 đứa trẻ nhà tôi đi học về, nhìn thấy bịch khoai lang, vội chụp lấy. Đứa bảo khoai lang tẩm bột chiên giòn là ngon nhất, đứa kia nói làm bánh ngon hơn… Cuối cùng, mẹ “chốt hạ”: luộc.

Trong tiết trời se se lạnh, nồi khoai luộc được mang ra, cả nhà quây quần bên nhau. Lũ trẻ tranh nhau củ to củ nhỏ, tay sang tay cho ấm, miệng thổi phù phù, không ngừng xuýt xoa “ngon ngon, đã đã”.

Đất vườn rộng, mẹ tôi gieo hạt rau và vun những luống khoai. Ngày đó, khoai lang là thứ dễ trồng, ít công chăm sóc mà cứu đói kịp thời. Đi học về, trưa chưa kịp có cơm, chúng tôi ra vườn bới ngay vài củ khoai lang, lau vội cho sạch đất cát rồi đưa vào miệng nhai rau ráu mà chẳng cần rửa nước. Uống thêm vài ngụm nước là đủ sức đùa vui đợi đến giờ cơm.

Nồi khoai đậm ngọt tình nghĩa của mẹ tác giả
Nồi khoai đậm ngọt tình nghĩa của mẹ tác giả

Ngoài việc ăn khoai sống, chúng tôi còn biết nướng và luộc, nhưng thường xuyên nhất vẫn là ăn độn cùng cơm. Những ngày giáp hạt, gạo 3 khoai 7 phần là chuyện thường. Cũng là thứ khoai thường ngày hay ăn mà sao đứa nào cũng trệu trạo, nhai nuốt mãi không trôi.

Vườn khoai của mẹ có nhiều giống. Khoai lang tím sắc màu rực rỡ, bọn con gái mải mê ngắm rồi mang đi nghiền, trải lên những tấm lá chuối phơi khô, túm lại, cất kỹ chờ đến ngày “nhón” được chút bột mì, chút đường, chút mỡ heo là tụ lại làm đại tiệc khoai. Đó cũng là thứ khoai mà anh tôi sáng sớm đi học lúc nào cũng gói vào trong lá chuối vài ba củ, giấu trong áo khoác, mang tặng cô bạn ngồi cùng bàn.

Khoai lang mật ngọt lịm, khi luộc phải luôn canh nước, chỉ cần một chút để không bị cháy nồi và hơi nước từ đáy bốc lên bao bọc lấy củ khoai chín từ trong ra ngoài, dẻo quánh, cắn một miếng, ngập chân răng, mật tứa ra nơi đầu lưỡi, ngọt lịm. Mẹ và bà tôi rất thích loại khoai ngọt lịm đến đốn tim này.

Nhưng khoai lang Nhật vẫn được nhiều người ưa chuộng nhất, luộc ra bao giờ cũng hết nhanh nhất. Những củ khoai lang tròn lẳn như những chú chuột đồng vào trúng bờ xôi ruộng mật, chen chúc xếp lớp trong nồi như gọi mời “Hãy ăn tôi đi. Hãy ăn tôi đi”, lại thêm cái màu óng ánh nâu vàng của tinh bột tràn lên mắt, hương khoai xộc vào tận mũi, thật dễ khiến người ta bứt rứt.

Tôi còn nhớ những sáng mùa đông, lạnh cong người, chị em tôi co kéo chiếc mền chần bông nặng trịch đã sờn rách, nghe rõ tiếng sương rơi trên tàu lá chuối sau nhà. Vậy mà mẹ đã thức dậy, cời bếp than cho đỏ lửa, một bên siêu ấm nước hãm trà, phía bên kia đặt thêm một nồi nước để chúng tôi thức dậy có nước nóng đánh răng, rửa mặt.

Mẹ đến bên góc nhà, nhặt những củ khoai vừa dỡ chiều qua mang đi nấu một nồi lớn cho bữa sáng. Trong dòng nước buốt, tay mẹ run run rửa từng củ khoai đem xếp vô nồi, củ lớn phía dưới, nhỏ dần lên phía trên. Ngọn lửa tí tách reo. Cạnh bên, mẹ xuýt xoa đôi bàn tay nhăn nheo, xám xịt hết cả rồi. Hỏi mẹ sao không rửa khoai từ tối, sáng dậy chỉ việc mang đi nấu có phải đỡ cực hơn không? Ôm lũ con vào lòng, mẹ cười thật hiền: “Khoai rửa rồi là phải nấu ngay, để qua đêm khoai sượng, không ngon, bớt ngọt”.

Ngoài phần khoai sáng cho các con ăn đi học, số khoai còn lại trong nồi, mẹ chia làm 2 phần. 1 phần mẹ bỏ vào quang gánh, mang theo ra đồng lót dạ nửa buổi. Những củ khoai còn lại, mẹ khẽ đặt vào trong rổ, bên trên chèn kín bằng lá chuối rồi mang đặt ở đầu hiên nhà, bên cạnh là ấm chè xanh “Để bà con đi ngang ghé vào nghỉ chân có củ khoai lót dạ, ấm lòng”.

“Mẹ toàn bày chuyện cho thêm cực”. Lũ chúng tôi đã không ít lần nhấm nhẳng khi sáng nào cũng thấy mẹ lọ mọ đong đong đếm đếm, xếp khoai mang đi nấu, đâu biết rằng mẹ phải tính toán làm sao không thiếu cũng chẳng thừa. Ngày đó, ăn khoai ngon mấy cũng ngán, thèm cơm. Bây giờ, 1 ký khoai “xịn” có thể bằng giá vài ba ký gạo.

Tất cả giờ đã trở thành ký ức, chỉ riêng hình ảnh mẹ lui cui dỡ từng củ khoai phần để cho con, nửa dành tặng người dưng lót dạ là chẳng bao giờ tôi quên.

Thủy Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI